BIỆN PHÁP BẢO LƯU QUYỀN SỞ HỮU VÀ CẦM GIỮ HÀNG HÓA

Trong bài viết trước, chúng ta đã đề cập đến các biện pháp để thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, chi tiết về từng loại biện pháp này thì vẫn chưa được đề cập. Bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức pháp lý chuyên sâu về biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ hàng hóa.

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật dân sự 2015

– Luật thương mại 2005

­ – Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo  đảm

2. Nội dung

2.1. Bảo lưu quyền sở hữu

Bảo lưu quyền sở hữu là một quy định mới của bộ luật dân sự 2015 so với bộ luật cũ. Cụ thể bảo lưu quyền sở hữu được ghi nhận tại điều 331 của bộ luật dân sự 2015:

Điều 331. Bảo lưu quyền sở hữu

  1. Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.
  2. Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán.
  3. Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Ví dụ: A ký hợp đồng mua 200 kg tôm của B với giá 40 triệu đồng, hai bên thỏa thuận sẽ thành toán thành hai đợt nhưng bên B đồng ý cho bên A lấy trước 200kg tôm đó ngày sau đợt thanh toán đầu tiên để bên A có thể bán nó cho bên C. Từ đó, bên B đã xác lập bảo lưu quyền sở hữu cho mình.

Về hồ sơ đăng ký bảo lưu quyền sở hữu quy định tại điều 51 của Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo  đảm như sau:

Điều 51. Hồ sơ đăng ký bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu

Người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu sau đây:

  1. Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính);
  2. Hợp đồng mua bán tài sản có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán tài sản kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán tài sản có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản về bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp phiếu yêu cầu đăng ký chỉ có chữ ký, con dấu của một trong các bên tham gia hợp đồng bảo đảm, hợp đồng mua bán (01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);
  3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu), trừ các trường hợp sau đây; Bên mua tài sản, bên bán tài sản bao gồm nhiều cá nhân, pháp nhân ủy quyền cho một cá nhân hoặc một pháp nhân trong số đó yêu cầu đăng ký; người yêu cầu đăng ký là người được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

Tuy nhiên, để mình có thể được pháp luật bảo vệ bảo lưu quyền sở hữu thì bên B phải đi đăng ký giao dịch bảo đảm để nếu A có giao hàng cho C rồi không tiếp tục giao tiền cho B thì B có quyền đòi lại tài sản. Tức là bên C sẽ không được pháp luật bảo vệ nếu B là người đăng ký trước.

+ Về quyền đòi tài sản thì quy định tại điều 332 của bộ luật dân sự như sau:

Điều 332. Quyền đòi lại tài sản

Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều này có nghĩa là nếu A không thanh toán đúng hạn thì bên B có quyền yêu cầu đòi lại hàng hóa.  Thêm vào đó, nếu như bên A do bảo quản mà làm chết tôm thì phải bồi thường thiệt hại số tôm bị chết đó, Nên bên mua nên an tâm về việc được pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình. Bên B cũng có nghĩa vụ phải hoàn trả lại số tiền mà mình đã nhận được khi bên A giao lại hàng hóa. Nếu không có quy đinh trên thì sẽ khiên bên bán bị thiệt hại khi bên mua không  thanh toán số tiền còn lại dù đã nhận đầy đủ hàng hóa. Quy định này sẽ giúp các bên cân bằng được lợi ích khi tham gia giao kết hợp đồng, từ đó cũng giúp bên mua có đầy đủ hàng hóa để giao cho một bên thứ ba. Tạo thuận lợi thông thương giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng.

Nhà làm luật cũng không bỏ qua quyền lợi của người mua hàng hóa đó. Cụ thể, quy định tại điều 133 như sau:

Điều 333. Quyền và nghĩa vụ của bên mua tài sản

  1. Sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực.
  2. Chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tức là giống như phân tích ở trên, thì bên mua(A)  phải sử dụng 200kg tôm đó để tạo ra lợi ích, nếu có bán cho bên khách thì phải có sản phẩm thay thế khi bên bán (B) đòi lại tài sản, sản phẩm này phải đúng chủng loại, cùng số lượng và chất lượng, nếu không bên mua phải bồi thương toàn bộ thiệt hại. Nếu như trong thời gian chưa thể giao hàng cho bên thứ ba mà tôm đẻ ra rất nhiều con con thì con con đó thuộc quyền sở hữu của bên mua chứ không phải là bên bán.

Tuy nhiên, bảo lưu quyền sở hữu cũng sẽ chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau:

Điều 334. Chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu

Bảo lưu quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  1. Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong.
  2. Bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu.
  3. Theo thỏa thuận của các bên.

Tức là các bên có quyền thỏa thuận bảo lưu quyền sở hữu sẽ chấm dứt khi nào. Còn nếu không có thỏa thuận thì nó sẽ chấm dứt khi. Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong, bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu.

Như vậy, bộ luật dân sự đã quy định rất rõ về những quy định về bảo lưu quyền sở hữu. Bên bán vẫn được xem là chủ sở hữu của hàng hóa một khi bên mua chưa thanh toán đủ tiền, mặt dù đã nhận hàng. Bên bán cần tiến hành đăng ký biên pháp bảo đảm để giúp bên bán được ưu tiên thanh toán tiền và thiệt hại.

2.2. Cầm giữ tài sản

Tại điều 346 của bộ luật dân sự 2015 quy định về cầm giữ tài sản

Điều 346. Cầm giữ tài sản

Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Tiến hành cầm giữ tài sản ở đây có thể được áp dụng trong trường hợp hai bên có thỏa thuận.

Ví dụ: Bên A ký hợp đồng mua 200 kg tôm sú của bên B, chia thành hai đợt thanh toán là ngày 30/03/2019 và 04/05/2019, trong đó bên B sẽ giao cho bên A tất cả 200 kg tôm sú đó trong ngày 04/05/2019, sau khi bên A hoàn thành đợt thanh toán cuối cùng. Nếu như bên A không thanh toán đủ số tiền thì bên B có quyền cầm giữ lượng tôm sú đó.

Về xác lập quyền cầm giữ tài sản quy định tại điều 347 của bộ luật dân sự 2015:

Điều 347. Xác lập cầm giữ tài sản

  1. Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
  2. Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.

Có nghĩa là quyền cầm giữ chỉ được xác lập nếu một bên vi phạm nghĩa vụ. Giống như ở ví dụ trên thì bên A đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán với bên B nên bên B đã nắm giữ tôm, là đối tượng của hợp đồng mà hai bên tham gia ký kết.

Trong đó, bộ luật dân sự có quy định về quyền của bên cầm giữ tại điều 348 như sau:

Điều 348. Quyền của bên cầm giữ

  1. Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ.
  2. Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.
  3. Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý.

Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.

Tức là ở ví dụ 200kg tôm kia thì, nếu bên mua chưa có tiền để thanh toán thì để tôm tiếp tục sống cho đến khi bên mua có tiền thanh toán thì bên bán buộc phải cho tôm ăn. Chi phí đó sẽ do bên mua phải chịu và cộng vào chi phí thanh toán thêm. Còn về con do tôm đẻ ra thì bên bán phải thỏa thuận với bên mua về việc khai thác chúng.

Về nghĩa vụ của bên cầm giữ thì bộ luật dân sự cũng quy định tại điều 349 của bộ luật dân sự 2015:

Điều 349. Nghĩa vụ của bên cầm giữ

  1. Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ.
  2. Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ.
  3. Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
  4. Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện.
  5. Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.

Điều này có nghĩa là bên bán không được bán số tôm đó cho một bên khác khi chưa chấm dứt hợp đồng với bên mua. Về chấm dứt cầm giữ thì được quy định tại điều 350 như sau:

Điều 350. Chấm dứt cầm giữ

Cầm giữ tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  1. Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế.
  2. Các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ.
  3. Nghĩa vụ đã được thực hiện xong.
  4. Tài sản cầm giữ không còn.
  5. Theo thỏa thuận của các bên.

Như vậy, việc cầm giữ tài sản là một biên pháp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của các bên. Nó chỉ phát sinh khi có một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình. Ví dụ nghĩa vụ trả tiền tôm sau khi đã mua tôm. Bên cầm giữ có quyền yêu cầu thêm chi phí để bảo dưỡng hàng hóa, khai thác nguồn lợi từ hàng hóa nếu được bên bị cầm giữ đồng ý. Đồng thời bên cầm giữ cũng không được bán cho một bên khác nếu không có sự đồng ý của bên bán. Các bên cần chú ý quy định này để làm đúng theo quy định của pháp luật, giúp cho hợp đồng được thực hiện một cách có lợi nhất cho hai bên.

3. Kết luận

Như vậy, bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản là hai biện pháp rất hữu dụng mà các bên có thể sử dụng để đảm bảo cho hợp đồng có thể được thực hiệ, nếu hợp đồng không được thực hiện theo ý của các bên thì bên bị thiệt hại cũng có thể đạt được một khoản bồi thường, bù đắp cần thiết.

Trên đây là bài viết về điều khoản biện pháp bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản thực hiện hợp đồng trong hợp đồng mua bán hàng hóa của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn và thực hiện tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

Bài viết biện pháp bảo đảm đặt cọc và bảo lãnh hàng hóa:

https://luatsuhopdong.com/bien-phap-bao-da…ao-lanh-hang-hoa.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BIỆN PHÁP BẢO LƯU QUYỀN SỞ HỮU VÀ CẦM GIỮ HÀNG HÓA