luật sư hợp đồng

CÁC ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN CỦA HỢP ĐỒNG

Ngày nay, các cơ quan công quyền đã cố gắng xây dựng một hệ thống pháp luật về dân sự không có sự can thiệp quá sâu của họ vào các giao dịch dân sự. Vì thế, các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc tham gia ký kết hợp đồng.

Bài viết này sẽ cung cấp cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào ký kết các loại hợp đồng những kiến thức cơ bản về khái niệm, chủ thể, đối tượng và mục đích của hợp đồng.

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ Luật Dân Sự 2015

– Luật hôn nhân gia đình 2014

– Luật doanh nghiệp 2014

2. Chủ thể của hợp đồng

2.1. Khái niệm

Về khái niệm hợp đồng, Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 385. Khái niệm hợp đồng

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Từ khái niệm đó, có thể thấy chủ thể của hợp đồng không nhất định phải là cá nhân mà cũng có thể là tổ chức. Việc tham gia giao kết hợp đồng thì không giới hạn số người tham  gia nhưng tối thiểu phải có 02 người.

Tuy nhiên, nếu là cá nhân thì sẽ có những điều kiện để tham gia vào quá trình đề nghị và giao kết hợp đồng khác với tổ chức. Và bây giờ chúng ta hãy cùng đi vào phân tích những đặc điểm riêng biệt của hai chủ thể

2.2. Cá nhân

Cá nhân thì theo các quy định của BLDS thì được chia theo độ tuổi và khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của cá nhân đó. Cụ thể như sau:

Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều 20. Người thành niên

  1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
  2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.

Điều 21. Người chưa thành niên

  1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
  2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
  3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
  4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

– Cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có thể tham gia mọi giao dịch dân sự thông qua ý chí của mình. Do lúc này, xét về đặc điểm tâm sinh lý thì họ đã đủ nhận thức để tự quyết định những giao dịch của mình mà không bị sự ảnh hưởng bởi ý chí của người khác hay sự bất ổn về tâm sinh lý của bản thân.

=> Theo điều 20 của BLDS 2015

– Đối với những cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì việc tham gia giao kết hợp đồng của họ cũng được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, họ phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý trong trường hợp họ tham gia giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật.

Ví dụ như: A 16 tuổi muốn chuyển nhượng mảnh đất của ba cho thì phải được sự đồng ý của cha hoặc mẹ của A bằng văn bản

=> Theo điều 77 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 về việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên.

Điều 77. Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự

  1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
  3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.

Điều 136 của BLDS về đại diện theo pháp luật của cá nhân quy định:

Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

  1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
  2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
  3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
  4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Còn những cá nhân từ đủ 06 tuổi tới chưa đủ 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ những sinh hoạt phục vụ đời sống. Cá nhân chưa đủ 06 tuổi thì do người đại diện theo pháp luật lập.

=> Theo quy định tại điều 21 của BLDS

Điều 125 của BLDS quy định về những chủ thể không thể tham gia ký kết hợp đồng trực tiếp

Điều 125. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

  1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2.3 Tổ chức

Khi nói về tổ chức thì chúng ta chỉ xét đến những tổ chức có thể tham gia vào việc ký kết hợp đồng như: Pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể cần xác định rõ những tổ chức như thế nào thì được gọi là pháp nhân và năng lực pháp luật của pháp nhân đó là gì.

Điều 74 về pháp nhân của BLDS quy định:

Điều 74. Pháp nhân

  1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
  2. a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
  3. b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
  4. c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  5. d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
  6. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Điều 86. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân

  1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
  2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
  3. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.

Theo Luật doanh nghiệp 2014, thì các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân bao gồm:

-Công ty TNHH;

– Công ty hợp danh;

– Công ty cổ phần.

Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp duy nhất không có tư cách pháp nhân.

Phân định ra tư cách pháp nhân như vậy bởi vì đối với pháp nhân thì chỉ chịu trách nhiệm bởi những thiệt hại xảy ra hay thua lỗ bằng chính tài sản của pháp nhân đó mà không phải lấy tài sản của chủ sở hữu ra để xử lý như doanh nghiệp tư nhân hay hộ kinh doanh cá thể.

Tiếp theo, điều mà hầu hết mọi người quan tâm đó là việc xác định xem ai sẽ là người thay mặt pháp nhân đó tham gia ký kết hợp đồng.

Tại Điều 87 của BLDS quy định:

Điều 87. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân

  1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

  1. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
  2. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác

Từ đó, xác định được việc tham gia ký kết hợp đồng giữa các pháp nhân sẽ thông qua người đại diện theo pháp luật của nó.

Khi thành lập doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp sẽ có điều lệ quy định về việc ai sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty, nhiệm vụ và quyền hạn của người đó ứng với vai trò đại diện. Vậy nên, họ không thể tham gia ký kết vượt quá thẩm quyền của mình

Ví dụ: A là Giám đốc và B là chủ tịch hội đồng thành viên của công ty TNHH 2 TV.  Đều là người đại diện theo pháp luật của công ty. B phát hiện A đã nhân danh công ty ký hợp đồng vay 1 tỷ đồng với công ty C mà không nằm trong kế hoạch của công ty mình nên đã đưa chứng cứ ra hội đồng. Vậy, áp dụng khoản 3 điều 87 thì A phải chịu trả số tiền 1 tỷ đồng đó.

3. Đối tượng của hợp đồng

Đối tượng của hợp đồng rất đa dạng và phong phú. Nó sẽ dựa vào từng loại hợp đồng mà hai bên thỏa thuận để ký kết. Nhìn tổng quan, có thể kể đến các đối tượng như: tiền, giấy tờ có giá, đất thổ cư, xe ô tô, …

Dưới đây là một số tài sản của một số loại hợp đồng theo quy định của BLDS

Điều 105. Tài sản

  1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
  2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Điều 107. Bất động sản và động sản

  1. Bất động sản bao gồm:
  2. a) Đất đai;
  3. b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
  4. c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
  5. d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
  6. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.

Tuy nhiên, có một số là đối tượng của hợp đồng không phải là tài sản như: quyền của một cá nhân trong hợp đồng ủy quyền, nhãn hiệu của  một sản phẩm như trong hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu. Tóm lại, chúng ta có thể thấy đối tượng của hợp đồng rất đa dạng, tùy vào lĩnh vực giao kết mà đối tượng sẽ khác nhau.

4. Mục đích hợp đồng

Khi xác lập một giao dịch dân sự thì các bên luôn bày tỏ ý chí và mong muốn của mình vào việc hợp đồng sẽ mang lại một lợi ích gì đó cho họ. Và mục đích của hợp đồng là vô cùng quan trọng.

Tại Điều 118 BLDS quy định về mục đích của giao dịch dân sự như sau:

Điều 118. Mục đích của giao dịch dân sự

Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó.

Mục đích của một số các bên tham gia ký kết cũng tùy thuộc vào loại hợp đồng và đối tượng của nó. Ví dụ: bên mua hợp đồng xe ô tô thì mục đích là để sở hữu chiếc xe ô tô, bên chuyển nhượng vốn của hợp đồng chuyển nhượng vốn thì mục đích là chuyển nhượng phần vốn góp trước cho của mình cho bên mua, …

Từ đó, nhìn rộng ra có thể thấy mục đích của việc giao kết hợp đồng là vô cùng quan trọng. Ví dụ: A  và B ký với nhau hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong đó A là người mua đất, B có mảnh đất trị giá theo hai bên thỏa thuận là 1 tỷ đồng thì ta xác định mục đích cơ bản và thể hiện trên hợp đồng như:

Mục đích giao kết của A là sở hữu mảnh đất mà B đang đứng tên, còn B thì mục đích là nhận được khoản tiền có trị giá 1 tỷ đồng.

Nếu như không có những mục đích đó thì hợp đồng đã không được xác lập giữa các bên. Ngoài ra, nếu mục đích ban đầu không đạt được thì hai bên sẽ xảy ra tranh chấp. Như trong trường hợp đồng trên, nếu như trong quá trình thanh toán mà A đã thanh toán 2 lần và 500 triệu đã được trả nhưng bất ngờ nhà gặp biến cố, A không còn đủ tiền để thanh toán số tiền còn lại thì nếu không có hiểu biết về pháp luật, hai bên rất dễ xảy ra tranh chấp về lợi ích mà hai bên đã hướng đến ban đầu. Trong  trường hợp đó, giải quyết ra sao thì Luật Minh Mẫn sẽ có một bài viết tiếp theo để nói về chủ đề đó.

Tóm lại, mục đích của việc giao kết hợp đồng là lợi ích mà hai bên mong muốn có được sau khi hợp đồng được ký kết và có hiệu lực.

 

 

CÁC ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN CỦA HỢP ĐỒNG