CÁC NGUỒN LUẬT ÁP DỤNG TRONG HỢP ĐỒNG

Khi tham gia ký kết hợp đồng, xét về yếu tố thực tế, các bên thường không để ý đến việc lựa chọn pháp luật áp dụng. Các bên thường có tư tưởng rằng hợp đồng là do hai bên tự thỏa thuận nên không cần phải lựa chọn luật áp dụng. Tuy nhiên, việc lựa chọn luật áp dụng là rất quan trọng. Vì không phải lúc nào thỏa thuận của các bên cũng hợp pháp, và các thỏa thuận đó cũng có thể gây ra khó khăn cho các bên nếu như các bên khi xảy ra tranh chấp do không cẩn thận trong việc lựa chọn pháp luật để áp dụng.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc các kiến thức về việc lựa chọn pháp luật để áp dụng. Để các bên có thể thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn pháp luật áp dụng, cũng như chúng ta có thể lựa chọn những nguồn pháp luật nào.

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật dân sự 2015

– Bộ luật tố tụng 2015

– Luật thương mại 2005

– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng

– Án lệ số 25/2018/AL về không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan

– Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản

2. Nội dung

2.1. Những quy định chung

Theo quy định tại điều 4 của bộ luật dân sự 2015 về áp dụng pháp luật dân sự như sau:

Điều 4. Áp dụng Bộ luật dân sự

  1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.
  2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
  3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
  4. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

Như vậy, lĩnh vực hợp đồng sẽ chịu sự điều chỉnh chủ yếu của bộ luật dân sự là điều chủ yếu, nhưng đối với các loại hợp đồng chuyên ngành thì sẽ áp dụng theo luật chuyên ngành đó.

Ví dụ: mặc dù điều Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự  của bộ luật dân sự quy định “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Tuy nhiên, tại điều Điều 6 của nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng quy định về hiệu lực và tính pháp lý của hợp đồng xây dựng thìHình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật. Như vậy, hợp đồng xây dựng muốn có tính hiệu lực pháp lý thì phải được lập thành văn bản thay vì lời nói hoặc hành vi cụ thể như quy định của bộ luật dân sự.

Bộ luật dân sự là nên tảng cho rất nhiều loại hợp đồng liên quan đến: bất động sản, xây dựng, hôn nhân và gia đình, vay tiền … nên Việc trường hợp các luật khác có liên quan không quy định lại những nguyên tắc, nền tảng mà bộ luật dân sự đã quy định là chuyện bình thường. Còn việc vi phạm các nguyên tắc cơ bản của bộ luật dân sự thì hầu như rất ít xảy ra do một số lĩnh vực phức tạp như bất động sản hay xây dựng cũng phải lấy những qui định tại bộ luật dân sự để quy định riêng cho lĩnh vực của mình nên việc trái với nguyên tắc cũng rất hiếm khi xảy ra.

Ví dụ: Bộ luật dân sự không quy định về việc các bên phải lựa chọn ngôn ngữ nào để áp dụng, nhưng quy định tại điều 11 của luật xây dựng 2014 như sau:

Điều 11. Luật áp dụng và ngôn ngữ sử dụng cho hợp đồng xây dựng

  1. Hợp đồng xây dựng phải áp dụng hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tuân thủ các quy định của Nghị định này.
  2. Ngôn ngữ sử dụng cho hợp đồng xây dựng là tiếng Việt.
  3. Đối với hợp đồngxây dựng có yếu tố nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và tiếng nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn; trường hợp không thỏa thuận được thì sử dụng tiếng Anh.

2.2. Những trường hợp áp dụng luật chuyên ngành

Ngoài bộ luật dân sự, khi các bên thực hiện ký kết những hợp đồng mang tính chất khác nhau thì còn chịu sự điều chỉnh của các lĩnh vực luật khác nhau. Ví dụ: Nếu có một trong hai bên là thương nhân và ký hợp đồng mua bán hàng hóa thì sẽ chịu sự điều chỉnh của luật thương mại 2005, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ chịu sự điều chỉnh của luật đai 2013, hợp đồng xây dựng chịu sự điều chỉnh của luật xây dựng 2014 và Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng.

Điều đó đồng nghĩa rằng, các bên nên ghi vào hợp đồng của mình về việc áp dụng luật chuyên ngành để điều chỉnh hợp đồng ký kết bên cạnh việc căn cứ vào bộ luật dân sự nhằm được sử dụng các điều khoản được quy định bởi luật chuyên ngành

Ví dụ: khi áp dụng luật thương mại 2005 làm căn cứ áp dụng thì các bên có thể sử dụng điều khoản về bảo hiểm hoặc điều khoản vận chuyển hàng hóa. Điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng quy định tại luật thương mại 2005.

2.3. Những trường hợp áp dụng luật có yếu tố nước ngoài

Các hợp đồng mang yếu tố nước ngoài thường gây khó khăn cho bên ký hợp đồng đến từ Việt Nam cũng như cơ quan tòa án khi thực hiện xét xử vụ án. Vì các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài lấy lý do các quy định của pháp luật Việt Nam chồng chép, không có sự nhất quán để ép bên Việt Nam không thể dùng pháp luật Việt Nam khi tham gia giao kết hợp đồng. Nên dựa vào quy định tại điều 683 của bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 683. Hợp đồng

  1. Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
  2. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:

a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;

b) Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ;

c) Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ;

d) Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;

đ) Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng.

  1. Trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại khoản 2 Điều này có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó.
  2. Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản.
  3. Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
  4. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.
  5. Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam.

Như vậy, việc chọn lựa áp dụng luật áp dụng khi có một bên mang yếu tố nước ngoài vẫn được pháp luật tôn trọng và cho phép các bên được lựa chọn. Tuy nhiên, do để đảm bảo quyền lợi cho bên yếu thế hay những người thiếu thông tin khi mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ thì pháp luật Việt Nam đã quy định rõ phải áp dụng pháp luật của bên yếu thế. Ví dụ: người lao động hoặc người tiêu dùng. Thêm vào đó, bắt buộc phải sử dụng luật Việt Nam nếu đối tượng giao dịch là bất động sản cũng là một quy định hợp lý để cơ quan có thẩm quyền dễ dàng tiến hành thu thập chứng cứ khi có tranh chấp xảy ra.

Ngoài ra, tại khoản 4 – điều 4 của bộ luật dân sự cũng quy định rõ:” 4. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”. Đây là một sự cải cách rất đặc biệt vì nó sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia phát triển mạnh dạng đầu tư vào Việt Nam vì một điều ước quốc tế được tạo ra là cả một quá trình đàm phán và cân nhắc lợi ích của các bên. Điều ước quốc tế cũng được phân ra thành điều ước song phương và đa phương. Điều ước song phương giữa Việt Nam và nước còn lại ký kết ví dụ như “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015”, còn điều ước đa phương mà Việt Nam tham gia có thể kể đến như:

“Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, “Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của wto nơi mà Việt Nam đã cam kết để tham gia hiệp định này”.

Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận áp dụng các nguồn luật khác để điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế như các nguyên tắc chung về hợp đồng (Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT năm 2004 PICC), các hợp đồng mẫu…

2.4. Trường hợp áp dụng tập quán pháp

Theo quy định tại điều 5 của bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 5. Áp dụng tập quán

  1. Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
  2. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Ví dụ: Dùng quan hệ vay để xử lý cho quan hệ hụi họ (chơi phường) hay dùng các quan hệ về dịch vụ để điều chỉnh các quan hệ về đổi công cho nhau.

Tuy nhiên, không phải bất cứ phong tục, tập quán nào cũng được công nhận là tập quán pháp mà phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Theo hiểu biết chung, một quy tắc xử sự chỉ được thừa nhận là tập quán pháp khi đáp ứng các điều kiện: (1) tồn tại liên tục trong một khoảng thời gian nhất định; (2) được thiết lập trên cơ sở đồng thuận; (3) được một cộng đồng nhất định thừa nhận; (4) có khả năng xác định quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong một hoàn cảnh nhất định; (5) hợp lý; (6) phù hợp với các quy tắc tập quán khác; và (7) không chống lại các quy định của văn bản pháp luật[10]. Chỉ khi đó, tập quán mới được xem là tập quán pháp hay nguồn bổ trợ cho pháp luật Việt Nam.

Khi tham gia buôn bán quốc tế, thì các bên có thể lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế theo quy định tại điều 5 của luật thương mại 2005

Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế

  1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
  2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Ví dụ: Lựa chọn tập quán thương mại quốc tế

Một số tập quán thương mại quốc tế áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế:

  • Incoterms 2000, Incoterms 2010.
  • Tập quán khu vực như: Điều kiện thương mại theo UCC (áp dụng đối với khu vực Bắc Mỹ).
  • UCP 600.

Như vậy, tập quán trong hợp đồng dân sự hay tập quán quốc tế trong hợp đồng thương mại cũng đều được áp dụng trong khi ký kết hợp đồng giữa các bên.

2.5. Áp dụng tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng

Tại điều 6 của bộ luật dân sự 2015 cũng quy định thế nào là áp dụng tương tự pháp luật:

Điều 6. Áp dụng tương tự pháp luật

  1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
  2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.

Án lệ được xem là nguồn pháp luật bổ sung góp phần giải quyết án bị tồn đọng do chưa có điều khoản luật tương ứng trong Bộ luật Dân sự (BLDS).

Theo từ điển Black’s Law thì án lệ được hiểu như sau:

  1. Án lệ là việc làm luật của tòa án khi công nhận và áp dụng các quy tắc mới trong quá trình xét xử; 2. Vụ việc đã được giải quyết làm cơ sở để đưa ra phán quyết cho những trường hợp có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này ”.

Tại điều 45 của bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 45. Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng

Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố.

Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

Có thể kể đến một số án lệ liên quan đến lĩnh vực hợp đồng tại Việt Nam hiện nay như:

Án lệ số 25/2018/AL về không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan trong hợp động chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì bị đơn đã nêu lên được căn cứ xác định cơ quan thi hành án dân sự chậm trễ trong việc chuyển tên quyền sở hữu cho bị đơn thì lỗi dẫn tới việc bị đơn không thể thực hiện đúng cam kết với nguyên đơn thuộc về khách quan, và bị đơn không phải chịu phạt tiền cọc…”

Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản

 Ngày 10-4-2006, Công ty D cho Công ty cổ phần C thuê hai đầu máy vỏ thép và lai dắt tàu ra vào tại cảng 10-10 và cảng Khe Dây Quảng Ninh, có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31-12-2006 theo Hợp đồng kinh tế số  1141/HĐ-CNQN. Trong hợp đồng không có thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 17-8-2006, Công ty cổ phần C có Văn bản số 2349/INDEVCO thông báo chấm dứt hợp đồng từ ngày 20-8-2006 với lý do “không có nhu cầu thuê 2 đầu máy”. Thời gian Công ty cổ phần C ra văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn, đã gây thiệt hại cho Công ty D do không thể có được hợp đồng khác thay thế ngay. Lỗi thuộc về Công ty cổ phần C nên phải chịu trách nhiệm đối với khoản thiệt hại đã gây ra cho Công ty D. Thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng.”

Như vậy, ngoài sự thỏa thuận của các bên thì, các bên còn phải căn cứ và tham khảo các quy định của bộ luật dân sự 2015, các luật chuyên ngành, các hiệp định thương mại, các tập quán quốc tế hay án lệ. Thế nên, các bên cần phải xem xét thỏa thuận của mình có đúng với quy định của pháp luật hay không. Nếu không thì phải ghi nhận quy định của pháp luật trong hợp đồng.

Trên đây là bài viết về điều khoản về luật áp dụng của hợp đồng dùng để sử dụng trong hợp đồng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn và thực hiện tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÁC NGUỒN LUẬT ÁP DỤNG TRONG HỢP ĐỒNG