Nếu như hợp đồng xảy ra một cách êm xuôi thì các bên không cần phải tính đến những khoản phạt vi phạm, khoản bồi thường. Bên cạnh đó, nếu bên nhà thi công hoàn thành sớm thì chủ đầu tư có thể dành cho họ một khoản tiền thưởng hợp đồng. Ngược lại, nếu nhà thầu thi công trễ hoặc có những hành vi vi phạm thì sẽ phải bồi thường thiệt hại. Bài viết này sẽ phân tích những vấn đề liên quan đến thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
– Fidic về điều kiện hợp đồng xây dựng 2010
2. Nội dung
2.1. Điều khoản về thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng
Dưới đây là điều khoản mẫu:
Điều 21. Thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng
21.1. Thưởng hợp đồng:
Trường hợp Nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ của Hợp đồng sớm hơn so với thời hạn quy định trong Hợp đồng này, mang lại hiệu quả cho Chủ đầu tư thì cứ mỗi … tháng (khoảng thời gian) Chủ đầu tư sẽ thưởng cho Nhà thầu … % giá hợp đồng và mức thưởng tối đa không quá … % giá trị phần hợp đồng làm lợi.
=> Tại khoản 1 – điều 146 của Luật Xây Dựng 2014 thì quy định: “1. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng”. Như vậy, các bên có thể tùy ý thỏa thuận về mức thưởng đối với hợp đồng. Tùy vào từng điều kiện kinh tế của chủ đầu tư thì các bên có thể thỏa thuận được mức thưởng.
21.2. Phạt vi phạm hợp đồng
Đối với Nhà thầu: nếu chậm tiến độ … ngày thì phạt … % giá hợp đồng cho … ngày chậm nhưng tổng số tiền phạt không quá … % giá trị hợp đồng bị vi phạm.
Đối với việc chậm tiến độ thì mức phạt cũng do hai bên tự thỏa thuận căn cứ vào quy định tại khoản 1 – Điều 146 ở trên. Nhưng đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước thì mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm theo quy định tại khoản 2 – Điều 146 của Luật Xây Dựng 2014.
Do hoạt động xây dựng là hoạt động có phát sinh lợi nhuận nên chúng ta cũng có thể sử dụng luật thương mại 2005 để áp dụng phạt. Tại điều 301 của luật thương mại 2005 quy định như sau:
Điều 301. Mức phạt vi phạm
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này
=> Như vậy, các bên có thể thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm chứ không phải muốn phạt thế nào thì phạt.
Tóm lại, mức phạt vi phạm sẽ giao động từ mức 08% tới 12%.
2.2. Điều khoản về khiếu nại và xử lý các tranh chấp
Điều 22. Khiếu nại và xử lý các tranh chấp
22.1. Khiếu nại
Thực hiện theo quy định nêu tại Điều 44 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
Điều 44. Khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng
- Khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng trong Nghị định này được hiểu là khi một bên phát hiện bên kia thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo đúng hợp đồng thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký. Khi đó, bên phát hiện có quyền khiếu nại bên kia về nội dung này.
- Khi một bên khiếu nại bên kia thì phải đưa ra các căn cứ, dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ những nội dung khiếu nại.
=> Hai điều khoản này cho phép bất kỳ bên nào nếu nhận thấy bên còn lại bị sai phạm thì có thể thực hiện khiếu nại đến cơ quan đó. Đây là giải pháp rất tiết kiệm chi phí và thời gian vì chi phí kiện tụng thường rất cao và ảnh hưởng uy tín cả hai. Trong khi cứ thẳng thắng, dẫn chứng cụ thể lý do khiếu nại với nhau thì hai bên sẽ hiểu nhau hơn, tìm cách để giải quyết và công trình vẫn tiếp tục được thực hiện.
- Trong vòng năm mươi sáu (56) ngày kể từ khi nảy sinh vấn đề một bên thực hiện hợp đồng không phù hợp với các thỏa thuận đã ký, bên phát hiện phải thông báo ngay cho bên kia về những nội dung đó và khiếu nại về các nội dung này. Ngoài khoảng thời gian này nếu không bên nào có khiếu nại thì các bên phải thực hiện theo đúng những thỏa thuận đã ký.
=> Việc quy định trong vòng 56 ngày kể từ khi nảy sinh vấn đề bởi vì nếu để quá thời gian đó thì những thiệt hại do vi phạm sẽ càng lớn, những chứng cứ để chứng minh vi phạm trải qua gần 02 tháng sẽ không còn dễ dàng để chứng minh nữa.
- Trong vòng hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, bên nhận được khiếu nại phải đưa ra những căn cứ, dẫn chứng về những nội dung cho rằng việc khiếu nại của bên kia là không phù hợp với hợp đồng đã ký, nếu những căn cứ và dẫn chứng không thuyết phục, không hợp lý thì phải chấp thuận với những khiếu nại của bên kia. Ngoài khoảng thời gian này nếu bên nhận được khiếu nại không có ý kiến thì coi như đã chấp thuận với những nội dung khiếu nại do bên kia đưa ra.
=> Ví dụ: đơn vị chủ đầu tư khiếu nại nhà thầu không thi công đúng như bản vẽ của hạng mục nhà bếp. Trong vòng 28 ngày thì nhà thầu phải dùng những giải trình của mình bằng văn bản, rồi hai bên giáp mặt thương lượng, đối chiếu lại một lần nữa với bản vẽ, để cuối cùng sẽ kết luận rằng chủ đầu tư có thi công trái với bản vẽ hay không?
- Các khiếu nại của mỗi bên phải được gửi đến đúng địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ trao đổi thông tin mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Các khiếu nại không được giải quyết bởi các bên tham gia hợp đồng sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 45 Nghị định này.
=> Việc gửi đến đúng địa chỉ công ty là rất quan trọng vì nó quyết định thông tin khiếu nại có được gửi đến chính xác người cần khiếu nại hay không? Nhằm cho khiếu nại được giải quyết một cách nhanh chóng.
22.2.Xử lý các tranh chấp
Thực hiện theo quy định nêu tại Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
Khi có tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện Hợp đồng, các bên sẽ cố gắng thương lượng để giải quyết bằng biện pháp hòa giải.
=> Điểm mạnh của khiếu nại là rất nhiều. Trong đó, việc khiếu nại sẽ giúp cho các bên tiết kiệm được tiền và thời gian của mình. Tránh được mất niềm tin ở nhau sau này.
Trường hợp thương lượng không có kết quả thì trong vòng… ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp Hợp đồng không thể hòa giải, các bên sẽ gửi vấn đề lên trọng tài để xử lý tranh chấp theo các quy tắc của Việt Nam (hoặc Toà án Nhân dân) theo quy định của pháp luật. Quyết định của trọng tài (hoặc Toà án Nhân dân) là quyết định cuối cùng và có tính chất bắt buộc với các bên.
=> Thông lệ quốc tế thì các bên sẽ đưa nhau ra tòa trọng tài trước để giải quyết vì thủ tục trọng tài thông thường sẽ có thể bảo mật thông tin, thời gian giải quyết nhanh chóng và chi phí cũng phải chăng. Hơn nữa trọng tài thương mại thường giải quyết một cách rất khách quan vì mỗi bên có quyền chọn một trọng tài để giải quyết.
Hiện nay còn có thủ tục hòa giải thương mại, các trung tâm trọng tài cũng là nơi cung cấp dịch vụ này với mức giá thấp hơn gần gấp đôi so với thủ tục trọng tài thương mại. Bước cuối cùng nếu một trong hai bên không chấp nhận phán quyết của trọng tài thương mại thì các bên sẽ đưa hồ sơ ra tòa án tại huyện, quận để giải quyết. Thủ tục này tuy truyền thống nhưng thời gian kéo dài, vì thế các bên chỉ nên áp dụng nó nếu như đã trải nghiệm những cách giải quyết ở trên.
Dưới đây là bài viết tham khảo dành cho các bên có liên quan đến giải quyết tranh chấp.
19. Phương án giải quyết tranh chấp
22.3. Hợp đồng bị vô hiệu, chấm dứt không ảnh hưởng đến hiệu lực của các điều khoản về giải quyết tranh chấp.
=> Điều này có nghĩa là khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì việc hai bên đã thỏa thuận trung tâm trọng tài nào để giải quyết tranh chấp, tòa án nào để giải quyết tranh chấp vẫn có hiệu lực.
3. Kết Luận
Như vây, khi tiến hành thực hiện hợp đồng thi công xây dựng, không phải lúc nào cơm cũng lành, canh cũng ngọt. Các bên cần phải thực hiện đúng quy trình để giảm bớt được thiệt hại cho nhau. Nếu như một trong hai bên có vi phạm nghĩa vụ thì bên còn lại có quyền khiếu nại và bên bị khiếu nại đó phải chứng minh nội dung của nại của bên khiếu nại là không chính xác nếu không thì phải khắc phục hoặc bồi thường thiệt hại.
Cả bên khiếu nại và bên bị khiếu nại cần phải chú ý thời gian thông báo. Trong vòng năm mươi sáu (56) ngày kể từ khi nảy sinh vấn đề một bên thực hiện hợp đồng không phù hợp với các thỏa thuận đã ký, bên phát hiện phải thông báo ngay cho bên kia về những nội dung đó và khiếu nại về các nội dung này.
Trong vòng hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, bên nhận được khiếu nại phải đưa ra những căn cứ, dẫn chứng về những nội dung cho rằng việc khiếu nại của bên kia là không phù hợp với hợp đồng đã ký, nếu những căn cứ và dẫn chứng không thuyết phục, không hợp lý thì phải chấp thuận với những khiếu nại của bên kia.
Điều khoản chung là để khẳng định một lần nữa các bên không được tự ý thay đổi nội dung có trong hợp đồng. Các bên chỉ chịu trách nhiệm trong quyền và nghĩa vụ của mình đã được nêu trong hợp đồng này.
Nếu không giải quyết được bằng biện pháp khiếu nại thì các bên có thể áp dụng thủ tục hòa giải thương mại, các trung tâm trọng tài cũng là nơi cung cấp dịch vụ này với mức giá thấp hơn gần gấp đôi so với thủ tục trọng tài thương mại. Kế đó, hãy sử dụng biện pháp trọng tài thương mại. Bước cuối cùng nếu một trong hai bên không chấp nhận phán quyết cũng trọng tài thương mại thì các bên sẽ đưa hồ sơ ra tòa án tại huyện, quận để giải quyết.
Trên đây là bài viết điều khoản về khiếu nại và giải quyết tranh chấp trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.