ĐIỀU KHOẢN VỀ LÃI SUẤT VÀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRONG HỢP ĐỒNG VAY TIỀN

Khi hai bên tham gia ký kết hợp đồng vay tiền thì các bên rất quan tâm đến điều khoản về lãi suất và biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng. Bài viết này sẽ cung cấp những phân tích đến các bên về hai điều khoản này.

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật dân sự 2015

2. Nội dung

2.1. Điều khoản về lãi suất

Dưới đây là điều khoản mẫu về lãi suất

Điều 3: Lãi suất

3.1 Bên B đồng ý vay số tiền trên với lãi suất 2 % một tháng tính từ ngày nhận tiền vay.

3.2 Tiền lãi được trả hàng tháng đúng vào ngày thứ 30 tính từ ngày vay, lãi trả chậm bị phạt 2 % tháng.

3.3 Trước khi hợp đồng này đáo hạn 03 ngày; nếu bên B muốn tiếp tục gia hạn phải được Sự thỏa thuận trước tại nhà của A

3.4 Trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực không thay đổi mức lãi suất cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng này.

3.5 Khi nợ đáo hạn, bên B không trả đủ vốn và lãi cho bên A, tổng số vốn và lãi còn thiếu sẽ chuyển sang nợ quá hạn, và chịu lãi suất tính theo nợ quá hạn là 5% một tháng.

3.6 Thời hạn thanh toán nợ quá không quá 03 ngày nếu không có sự thỏa thuận nào khác của hai bên.

Điều khoản ở trên đã nêu lên lãi suất thỏa thuận, lãi suất chậm trả, lãi suất nợ quá hạn, thời gian trả nợ. Về lãi suất thì chúng ta sẽ căn cứ quy định của pháp luật để biết được rằng hai bên thỏa thuận có đúng với quy định hay không:

Điều 468. Lãi suất

  1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

  1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Tính ra, lãi suất mà hai bên thỏa thuận là vượt quá quy định của pháp luật 24%/năm so với 20%/năm nên số tiền vay sẽ được tính là 1,66%/tháng.

Về lãi suất chậm trả, căn cứ vào điều 466 của bộ luật dân sự như sau:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

  1. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, cách tính lãi suất như sau:

Lãi trong hạn:

Lãi trong hạn = tiền gốc vay x lãi suất theo thỏa thuận x thời gian trong hợp đồng vay

Ví dụ: A ký hợp đồng cho B vay 100 triệu, lãi suất theo quy định là 1,6 triệu đồng/tháng. Hai bên cam kết là sẽ trả 5 triệu một tháng, cộng với tiền lãi suất, và thanh toán vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8 đầu tiên của tháng.

Lãi trong hạn= 100 triệu x 1,66% x 1 (đối với trả đều đặn hàng tháng)= 1,66 triệu

 

Lãi chậm trả:

– Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất được xác định bằng 10%/năm trên số tiền chậm trả (tương ứng với 0,83%/tháng).

Như vậy, lãi chậm trả được tính theo công thức sau:

Lãi chậm trả = [(nợ gốc x lãi suất vay theo hợp đồng) x thời hạn vay] x 0,83 x thời gian chậm trả.

=[(100 triệu x 1,66%) x 1] x 0,83 x 1= 1,38 triệu

 

 

Lãi trên nợ gốc quá hạn:

Theo điểm b khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, lãi quá hạn được tính theo công thức sau:

Lãi trên nợ gốc quá hạn = nợ gốc x (150% x lãi suất vay theo hợp đồng) x thời gian quá hạn.

Ví dụ: Hai bên đã thỏa thuận sẽ trả hết trong vòng 20 tháng, nếu như quá 20 tháng mà chưa trả thì bên vay phải trả theo lãi suất nợ đáo hạn là:

Lãi suất trên nợ gốc quá hạn = 100 triệu x (150% x 1,66%) x 1= 2,49 triệu đồng

2.2.  Biện pháp bảo đảm để thực hiện hợp đồng

Khi các bên tham gia ký kết hợp đồng vay tiền thì bên cho vay có thể yêu cầu bên vay đưa một loại tài sản để bên cho vay cầm giữ, tài sản này có thể là điện thoại, laptop nhưng đảm bảo có giá trị tương đương hoặc gần bằng với số tiền vay để đảm bảo nếu bên vay không trả tiền thì bên cho vay cũng có thể dùng tài sản đó để bán nhằm thu hồi lại tiền đã cho vay.

Dưới đây là điều khoản mẫu:

Điều 7: Biện pháp bảo đảm hợp đồng

7.1 Bên B đồng ý thế chấp (hoặc cầm cố) tài sản thuộc sở hữu của mình là ………và giao toàn bộ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản cho bên A giữ (có thể nhờ người khác có tài sản đưa giấy tờ sở hữu đến bảo lãnh cho bên B vay). Việc đưa tài sản ra bảo đảm đã được hai bên lập biên bản đính kèm sau khi có xác nhận của phòng Công chứng Nhà nước tỉnh (thành) ……………………………………

7.2 Khi đáo hạn, bên B đã thanh toán tất cả vốn và lãi cho bên A, thì bên này sẽ làm các thủ tục giải tỏa thế chấp (hoặc cầm cố, bảo lãnh) và trao lại bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản đã đưa ra bảo đảm cho bên B.

7.3 Bên B thỏa thuận rằng, nếu không trả đúng thời hạn đã cam kết trong hợp đồng này sau …. ngày thì bên A có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản đưa ra bảo đảm để thu hồi khoản nợ quá hạn từ bên B.

Theo điều 39 về hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:

Điều 39. Hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

Người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất hoặc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hoặc đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất sau đây:

  1. Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính);
  2. Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);
  3. Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc một trong các loại giấy chứng nhận quy định tại khoản 2 Điều 97 của Luật đất đai(sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận);
  4. Đối với trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai không phải là nhà ở, thì ngoài các giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, người yêu cầu đăng ký phải nộp các giấy tờ sau đây:

a) Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật phải xin phép xây dựng hoặc Quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật phải lập dự án đầu tư (01 bản sao không có chứng thực), trừ trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản đó có công chứng, chứng thực; một trong các loại Bản vẽ thiết kế thể hiện được mặt bằng công trình của dự án trong trường hợp chủ đầu tư thế chấp dự án xây dựng công trình (01 bản sao không có chứng thực);

b) Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật phải xin phép xây dựng hoặc Quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật phải lập dự án đầu tư (01 bản sao không có chứng thực), trừ trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản đó có công chứng, chứng thực; một trong các loại Bản vẽ thiết kế thể hiện được mặt bằng của tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là công trình xây dựng khác (01 bản sao không có chứng thực);

5. Văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất về việc tạo lập tài sản gắn          liền với đất trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất          (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);

6. Giấy tờ chứng minh trong các trường hợp sau đây:

a) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);

b) Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.

Theo điều 50 về hồ sơ đăng ký tài sản bảo đảm bằng tài sản là động sản của Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:

Điều 50. Hồ sơ đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm bng tài sản là động sản khác

  1. Người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm bằng tài sản là động sản khác sau đây:

a) Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính);

b) Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp trong trường hợp phiếu yêu cầu đăng ký chỉ có chữ ký, con dấu của một trong các bên tham gia biện pháp bảo đảm (01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);

c) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu), trừ các trường hợp sau đây: Bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp bao gồm nhiều cá nhân, pháp nhân ủy quyền cho một cá nhân hoặc một pháp nhân trong số đó yêu cầu đăng ký; người yêu cầu đăng ký là người được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm;

d) Giấy tờ chứng minh đối với trường hợp không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này, nếu có.

Về cơ quan có thẩm quyền đăng ký thì có quy định tại điều 9 của Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm

Điều 9. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm

  1. Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay.
  2. Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển.
  3. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi chung là Văn phòng đăng ký đất đai) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
  4. Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi chung là Trung tâm Đăng ký) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

 

Tuy nhiên, việc đăng ký thế chấp đối với bất động sản sẽ chỉ áp dụng khi các bên thỏa thuận không cầm giữ tài sản của bên vay.

2.3. Hiệu lực của hợp đồng

Hiệu lực của hợp đồng do hai bên thỏa thuận, đây là loại hợp đồng không bắt buộc phải công chứng nên các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực là ngay sau khi hợp đồng này được ký kết.

Dưới đây là điều khoản mẫu:

Điều 10: Hiệu lực của hợp đồng

Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ……… tháng …..… năm …….. đến ngày … tháng … năm ………..

Hợp đồng này được lập thành ……….… bản. Mỗi bên giữ ………… bản.

 

3. Kết Luận

Như vậy, khi tham gia giao kết hợp đông vay tài sản thì các bên cần phải tham khảo những quy định của bộ luật dân sự về lãi suất, lãi suất chậm trả và lãi suất quá hạn. Lãi suất chậm trả là thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, lãi suất chậm trả được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn, lãi suất do nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả. Ngoài ra, bên cho vay có thể đảm bảo việc thu hồi nợ bằng cách áp dụng các biện pháp bảo đảm như: cầm cố, thế chấp tài sản. Có thể đăng ký thế chấp tại cơ quan có thẩm quyền.

Trên đây là bài viết điều khoản về lãi suất và biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng vay tiền dùng để sử dụng trong hợp đồng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn và thực hiện tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐIỀU KHOẢN VỀ LÃI SUẤT VÀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRONG HỢP ĐỒNG VAY TIỀN