Trong khi ký kết hợp đồng tư vấn xây dựng, các bên thường quan tâm đến sự thanh toán và tiến độ thực hiện hợp đồng. Các bên luôn có những điểm không chú ý nhưng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sau này. Đối với chủ đầu tư, một bên không có nhiều hiểu biết chuyên môn liên quan đến xây dựng thì lại càng nhiều. Nhân lực của nhà thầu chính là một trong những điều như vậy. Bài viết này sẽ tiến hành phân tích các đặc điểm về năng lực nhà thầu.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
– Thông tư 08/2016/TT-BXD hướng dẫn về hợp đồng tư vấn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
– Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
– Thông tư 17/2016/TT-BXD hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
2. Nội dung
Dưới đây là điều khoản mẫu:
Điều 18. Nhân lực của nhà thầu
- Nhân lực của nhà thầu và nhà thầu phụ phải đủ điều kiện năng lực, có chứng chỉ hành nghề theo quy định, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp về nghề nghiệp, công việc của họ và phù hợp với quy định về điều kiện năng lực trong pháp luật xây dựng được quy địnhcụ thể tại Phụ lục số … [Nhân lực của Nhà thầu].
=> Ngay từ khi tham gia đấu thầu thì nhà thầu đã phải đáp ứng đủ những điều kiện quy định tại hồ sơ dự thầu: Quy định tại Mục 11.6 của Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT của hồ sơ dự thầu: 11.6. Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu theo quy định tại Mục 17 CDNT;
Tại mục 17 quy định như sau: ”Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu: Nhà thầu phải ghi các thông tin cần thiết vào các mẫu trong Chương IV – Biểu mẫu dự thầu để chứng minh năng lực và kinh nghiệm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Chương III – Tiêu chuẩn đánh giá HSDT. Nhà thầu phải chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu gốc để phục vụ việc xác minh khi có yêu cầu của Bên mời thầu”.
Trong hồ sơ dự thầu yêu cầu những giấy tờ có liên quan như: Bản kê khai thông tin về nhà thầu, bản kinh nghiệm chuyên môn, Bản đề xuất nhân sự chủ chốt, Bản lý lịch chuyên môn của nhân sự chủ chốt.
Trong bản đề xuất và lý lịch thì chủ đầu tư đòi hỏi đơn vị thầu phải liệt kê đầy đủ thông tin cá nhân, các bằng cấp và các dự án đã được hoàn thành. Tất cả những điều này đòi hỏi sự trung thực và rõ ràng.
Dưới đây là file đính kèm biểu mẫu:
Các cá nhân tham gia hoạt động liên quan đến xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại điều 3 của Thông tư 17/2016/TT-BXD
Điều 3. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
1. Cá nhân theo quy định tại Khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng năm 2014 phải có chứng chỉ hành nghề khi tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực sau đây:
a) Khảo sát xây dựng gồm khảo sát địa hình; khảo sát địa chất công trình; địa chất thủy văn.
b) Thiết kế quy hoạch xây dựng.
c) Thiết kế xây dựng công trình gồm thiết kế kiến trúc công trình; thiết kế kết cấu công trình; thiết kế điện – cơ điện công trình; thiết kế cấp – thoát nước công trình; thiết kế thông gió – cấp thoát nhiệt; thiết kế mạng thông tin – liên lạc trong công trình xây dựng; thiết kế an toàn phòng chống cháy nổ công trình xây dựng.
d) Giám sát thi công xây dựng gồm: giám sát công tác xây dựng công trình; giám sát công tác lắp đặt thiết bị công trình; giám sát lắp đặt thiết bị công nghệ.
đ) Kiểm định xây dựng.
e) Định giá xây dựng.
2. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề đối với một hoặc nhiều lĩnh vực khi có đủ Điều kiện năng lực theo quy định.
Các cá nhân sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với kinh nghiệm của mình quy định tại điều 45 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau:
Điều 45. Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng khi đáp ứng các điều kiện sau:
2. Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
a) Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 7 (bảy) năm trở lên;
b) Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 5 (năm) năm trở lên;
c) Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 3 (ba) năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 5 (năm) năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
- Chức danh, công việc thực hiện, trình độ và thời gian dự kiến tham gia thực hiện được quy định trong Phụ lục số … [Nhân lực của Nhà thầu]. Trường hợp thay đổi nhân sự, nhà thầu phải trình bày lý do, đồng thời cung cấp lý lịch của người thay thế cho chủ đầu tư, người thay thế phải có trình độ tương đương hoặc cao hơn người bị thay thế. Nếu chủ đầu tư không có ý kiến về nhân sự thay thế trong vòng… ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của nhà thầu thì nhân sự đó coi như được chủ đầu tư chấp thuận.
=> Quy định này nhằm nhận định rõ, nhà thầu phải tôn trọng chủ đầu tư thông qua nghĩa vụ cung cấp thông tin về sự thay đổi nhân lực. Hơn thế nữa, mặc dù cho phép thay thế nhân lực nhưng người thay thế phải có năng lực bằng hoặc thấp hơn nhằm đảm bảo chất lượng công trình.
- Chủ đầu tư có quyền yêu cầu nhà thầu thay thế nhân sự nếu người đó không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư hoặc không đúng với hồ sơ nhân sự trong hợp đồng. Trong trường hợp này, nhà thầu phải gửi văn bản thông báo cho chủ đầu tư trong vòng… ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của chủ đầu tư về việc thay đổi nhân sự. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, mọi chi phí phát sinh do thay đổi nhân sự do nhà thầu chịu. Mức thù lao cho nhân sự thay thế không vượt mức thù lao cho người bị thay thế.
=> Khi xem xét hợp đồng giữa hai bên, chủ đầu tư sẽ xem qua về danh sách và bằng cấp liên quan của nhân lực nhà thầu. Từ đó bằng kinh nghiệm hoặc tư vấn từ bên thứ ba thì chủ đầu tư có quyền yêu cầu nhà thầu phải thay thế nhân sự do họ không đồng ý. Ngay cả khi chủ đầu tư đã yêu cầu, nhà thầu cũng phải gửi công văn để yêu cầu thay đổi từ phía nhân sự sẽ được thực hiện trong bao nhiêu ngày. Mức thù lao không được quá cao.
- Nhà thầu có thể điều chỉnh thời gian làm việc của nhân sự nếu cần thiết nhưng không làm tăng giá hợp đồng. Những điều chỉnh khác chỉ được thực hiện khi được chủ đầu tư chấp thuận.
=> Nếu như thấy để thuận lợi cho công việc, cũng như để công việc linh hoạt hơn, nhà thầu có thể thay đổi thời gian làm việc của nhân sự nhưng không được dựa vào đó để nâng giá hợp đồng.
- Trường hợp thời gianlàm việc của nhân sự phải kéo dài hoặc bổ sung nhân sự vì lý do tăng khối lượng công việc đã được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì chi phí phát sinh cần thiết này sẽ được thanh toán trên cơ sở Phụ lục số … [Nhân lực của Nhà thầu].
=> Trường hợp này thường áp dụng cho những công trình từ vài tỷ trở lên, công trình lớn, xuất hiện nhiều biến cố phức tạp. Đòi hỏi thời gian thực hiện kéo dài nhưng kể cả trong trường hợp đó thì nhà thầu cũng phải khai báo với chủ đầu tư
- Nhà thầu tổ chức thực hiện công việc theo tiến độ đã thỏa thuận. Giờ làm việc, làm việc ngoài giờ, thời gian làm việc, ngày nghỉ… thực hiện theo Bộ Luật Lao động. Nhà thầu không được tính thêm chi phí làm ngoài giờ (giá hợp đồng đã bao gồm chi phí làm ngoài giờ).
=> Cho dù là hoạt động xây dựng nhưng việc đơn vị nhà thầu với vai trò là bên sử dụng lao động cũng phải tuân theo những quy định của bộ luật lao động cả về thời gian trong và ngoài giờ. Vì thế, nhà thầu phải ký hợp đồng với các chế độ bảo hiểm dành cho người lao động đầy đủ.
Dưới đây là file đinh kèm thời giờ làm việc theo bộ luật lao động
QUY ĐỊNH THỜI GIAN LÀM VIỆC, NGHỈ NGƠI
3. Kết luận
Tóm lại, trong hợp đồng tư vấn xây dựng thì cần phải có điều khoản quy định về năng lực nhà thầu. Ngay từ khi tham gia đấu thầu, trong hồ sơ dự thầu yêu cầu những giấy tờ có liên quan như: Bản kê khai thông tin về nhà thầu, bản kinh nghiệm chuyên môn, Bản đề xuất nhân sự chủ chốt, Bản lý lịch chuyên môn của nhân sự chủ chốt. Trong bản đề xuất và lý lịch thì chủ đầu tư đòi hỏi đơn vị thầu phải liệt kê đầy đủ thông tin cá nhân, các bằng cấp và các dự án đã được hoàn thành. Tất cả những điều này đòi hỏi sự trung thực và rõ ràng.Trong đó, chủ đầu tư cần chú ý xem xét các chứng chỉ và kinh nghiệm chuyên môn của nhân lực nhà thầu, nhà thầu cần phải tuyển chọn những vị trí đáp ứng đủ năng lực chuyên môn. Chưa kể, nếu như chủ đầu tư có lý do chính đáng để yêu cầu thay đổi bất kỳ nhân sự nào thì nhà thầu phải đáp ứng được yêu cầu đó. Phải thông báo thời gian hợp lý đến chủ đầu tư về đề xuất thay đổi. Tuy nhiên, có thể tự điều động nhân viên theo yêu cầu của công việc về thời gian nhưng phải tuân theo quy định của bộ luật lao động 2012.
Trên đây là bài viết về năng lực nhà thầu trong chuỗi bài viết về hợp đồng tư vấn xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.