ĐIỀU KHOẢN VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ ĐẦU TƯ

Khi ký kết hợp đồng tư vấn xây dựng, điều khoản về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư là một trong những điều khoản rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào chủ đầu tư cũng nhận biết được hết tất cả quyền nghĩa vụ của mình. Bài viết này sẽ cung cấp những phân tích liên quan đến điều khoản quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong hợp đồng tư vấn xây dựng.

1. Cơ sở pháp lý

– Luật xây dựng 2014

– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng

– Thông tư 08/2016/TT-BXD hướng dẫn về hợp đồng tư vấn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

2. Nội dung

2.1. Quyền của chủ đầu tư

Dưới đây là điều khoản mẫu:

Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư

1. Quyền của chủ đầu tư:

a) Được quyền sở hữu và sử dụng sản phẩm tư vấn xây dựng theo hợp đồng.

b) Từ chối nghiệm thu sản phẩm tư vấn xây dựng không đạt chất lượng theo hợp đồng.

c) Kiểm tra chất lượng công việc của nhà thầu tư vấn nhưng không làm cản trở hoạt động bình thường của nhà thầu tư vấn.

d) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung sản phẩm tư vấn không đảm bảo chất lượng theo thỏa thuận hợp đồng

đ) Yêu cầu bên nhận thầu thay đổi cá nhân tư vấn không đáp ứng được yêu cầu năng lực theo quy định.

Điều khoản mẫu trên là sự kết hợp giữa quy định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và quy định tại Điều 13 của thông tư 08/2016 về quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu.

+ Về được quyền sở hữu và sử dụng sản phẩm tư vấn: Đây là quyền cơ bản của chủ đầu tư vì họ thuê nhà thầu tư vấn có chuyên môn và năng lực tài chính với mục đích cuối cùng là nhận được bảng vẽ thiết kế theo ý muốn, nhận được những tính toán số liệu về các vật liệu xây dựng, quá trình sử dụng nhân công.

+ Về việc từ chối thu sản phẩm không đạt chất lượng: Là một người thụ hưởng, với biết bao nhiêu lựa chọn để có thể tìm ra được một nhà thầu nên lẽ dĩ nhiên, chủ đầu tư mong muốn nhận được một sản phẩm chất lượng sau khi mình đã bỏ ra một số tiền nhất định. Đó là mong muốn của tất cả những khách hàng khi sử dụng dịch vụ của một nhà cung cấp. Vì thế, họ có quyền từ chối nếu sản phẩm cuối cùng không đạt được chất lượng như thỏa thuận ban đầu.

+ Về việc kiểm tra chất lượng công việc của nhà thầu nhưng không làm cản trở công việc: Tức nếu bằng kinh nghiệm của mình hoặc mối quan hệ với một nhà thầu tư vấn khác mà bên chủ đầu tư nhận thấy việc nhà thầu tư vấn tiến hành công việc không theo như chất lượng mong muốn và có cơ sở dẫn chứng cho điều đó (chủ yếu là dựa vào tiêu chuẩn xây dựng). Tuy nhiên, nếu không cần thiết phải dừng lại thì phải cho nhà tư vấn tiếp tục.

+ Về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung sản phẩm không đảm bảo chất lượng: Dựa vào hợp đồng ký kết ban đầu giữa hai bên, dựa vào kinh nghiệm và nguyện vọng hợp lý của mình, chủ đầu tư có thể yêu cầu sửa đổi, bổ sung sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Đó cũng là điều rất cơ bản. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng nên nhớ phải tôn trọng và lắng nghe sự tư vấn của nhà thầu và chỉ góp ý, yêu cầu sửa đổi nếu nó quá sai lệch theo sự hiểu biết chuyên môn của mình hoặc tư vấn khách quan từ một bên khác. Bởi lẽ, đa số chủ đầu tư đều không có sự hiểu biết chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng nên mới bỏ số tiền ra để thuê nhà thầu, tức chủ đầu tư là bên thụ hưởng những sản phẩm trí tuệ của bên nhà thầu nên thấu hiểu và cảm nhận một cách trọn vẹn sản phẩm đó. Việc những chủ đầu tư hay thể thiện sự hiểu biết không có căn cứ đối với nhà thầu tư vấn là điều thường thấy trong lĩnh vực xây dựng. Thế nên, chủ đầu tư cần cân nhắc căn cứ để yêu cầu sửa đổi, bổ sung sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

+ Về yêu cầu thay đổi cá nhân không đủ năng lực chuyên môn: Chủ đầu tư với kinh nghiệm quan sát, là đối tượng thụ hưởng hoặc cũng nhờ mối quan hệ với một bên khác mà biết được có một hoặc một số cá nhân không đủ năng lực chuyên môn thực hiện công việc tư vấn thì có thể yêu cầu thay đổi. Điều này là vô cùng hợp lý vì chất lượng của mỗi cá nhân sẽ ảnh hưởng đến thành quả cuối cùng của sản phẩm. Tuy nhiên, chủ đầu tư có thể yêu cầu bên nhà thầu cung cấp bằng cấp và thông tin của những nhân viên tham gia tư vấn ngay từ lúc ký hợp đồng. Từ đó, có thể an tâm để giao phó, cũng như tránh mất lòng nhà thầu khi họ đang thi hành công việc.

2.2. Điều khoản về nghĩa vụ của chủ đầu tư

Dưới đây là điều khoản mẫu:

Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư

2. Nghĩa vụ của chủ đầu tư:

a) Cung cấp cho nhà thầu tư vấn thông tin về yêu cầu công việc, tài liệu, bảo đảm thanh toán và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng (nếu có).

b) Bảo đảm quyền tác giả đối với sản phẩm tư vấn có quyền tác giả theo hợp đồng.

c) Giải quyết kiến nghị của nhà thầu tư vấn theo thẩm quyền trong quá trình thực hiện hợp đồng đúng thời hạn do các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

d) Thanh toán đầy đủ cho nhà thầu tư vấn theo đúng tiến độ thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng.

đ) Hướng dẫn nhà thầu tư vấn về những nội dung liên quan đến dự án và hồ sơ mời thầu (hoặc hồ sơ yêu cầu); tạo điều kiện để bên nhận thầu được tiếp cận với công trình, thực địa.

e) Cử người có năng lực phù hợp để làm việc vớinhà thầu tư vấn.

g) Tạo điều kiện cho bên nhận thầu thực hiện công việc tư vấn xây dựng, thủ tục hải quan (nếu có).

h) Chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của các tài liệu do mình cung cấp. Bồi thường thiệt hại cho nhà thầu tư vấn nếu bên giao thầu cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ theo quy định của hợp đồng.

Căn cứ vào tính chất, chúng ta có thể chia những quy định trên thành 03 nhóm nghĩa vụ:

+ Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng: Chủ đầu tư phải thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ thanh toán với nhà thầu, đây là nghĩa vụ cơ bản của chủ đầu tư đối với nhà thầu. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo nguyên tắc của bộ luật dân sự.

+ Nghĩa vụ cung cấp thông tin: Chủ đầu tư phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về tư cách pháp nhân và tài liệu liên quan đến dự án mà chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đến đơn vị nhà thầu. Những thông tin về sản phẩm hoặc tài liệu có liên quan được cung cấp từ đơn vị nhà thầu phải được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bởi chủ đầu tư.

+ Nghĩa vụ tôn trọng và thiện chí: Nghĩa vụ này thể hiện qua việc hướng dẫn cho nhà thầu tư vấn làm hồ sơ và tham gia đấu thầu, giải quyết khiếu nại của nhà thầu. Cử người có năng lực thật sự để tham gia vào công việc với nhà thầu tư vấn.

 

3. Kết Luận

Từ quy định trên, có thể thấy sự xuất hiện của điều khoản về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư là rất cần thiết, các bên cần tham khảo quy định của pháp luật trước khi đưa điều khoản này vào hợp đồng. Về quyền của chủ đầu tư: Chủ đầu tư có quyền yêu cầu nhà thầu cung cấp những tài liệu chứng minh năng lực chủ thể và năng lực tài chính của mình, yêu cầu sản phẩm cuối cùng phải đầy đủ chất lượng và số lượng, nếu như có sai xót thì có thể yêu cầu chỉnh sửa một cách hợp lý. Về nghĩa vụ thì chủ đầu tư cần phải thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ thanh toán của mình cho nhà thầu, bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại gây ra có lỗi của mình. Phải cung cấp đầy đủ thông tin về năng lực chủ thể, những thông tin liên quan để hoàn thành sản phẩm. Hơn thế nữa, chủ đầu tư phải hướng dẫn cho nhà thầu tư vấn làm hồ sơ và tham gia đấu thầu, giải quyết khiếu nại và cử người có năng lực để tham gia vào công việc với nhà thầu tư vấn.

Trên đây là bài viết về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong chuỗi bài viết về hợp đồng tư vấn xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐIỀU KHOẢN VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ ĐẦU TƯ