Rủi ro phát sinh trong quá trình thi công là điều không thể tránh khỏi trong một số trường hợp. Trong đó, phương án để giải quyết rủi ro khi nó đã xảy ra cũng không phải là điều dễ dàng. Trong phần cuối cùng của điều khoản về rủi ro và bất khả kháng thì chúng tôi xin gửi đến quý khách những phân tích liên quan đến bồi thường rủi ro, giải quyết hậu quả sự kiện bất khả kháng và chấm dứt hợp đồng do sự kiện bất khả kháng.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
– Fidic về điều kiện hợp đồng xây dựng 2010
2. Nội dung
2.1. Bồi thường rủi ro
Dưới đây là điều khoản mẫu:
20.4. Bồi thường rủi ro
Nhà thầu phải bồi thường và gánh chịu những tổn hại cho Chủ đầu tư, các nhân viên của Chủ đầu tư đối với các khiếu nại, hỏng hóc, mất mát và các chi phí (bao gồm phí và các chi phí pháp lý) có liên quan đến:
a) Tổn hại thân thể, bệnh tật, ốm đau hay chết, của bất cứ người nào xảy ra do nguyên nhân thi công và hoàn thành công trình và sửa chữa các sai sót, trừ khi có thể quy cho việc cẩu thả, cố ý làm hoặc vi phạm Hợp đồng bởi Chủ đầu tư, các nhân viên của Chủ đầu tư, hoặc bất kỳ đại diện riêng nào của họ;
=> Điều khoản này có ý nghĩa rằng nếu như không phải là những hành vi cố ý từ phía nhân viên của chủ đầu tư thì những thiệt hại xảy ra được quy cho nhà thầu. Vì nhà thầu phải trình phương án an toàn lao động nhằm hạn chế mức tối thiếu thiệt hại này.
b) Hỏng hóc hay mất mát của bất cứ tài sản nào, là bất động sản hay của cá nhân (không phải là công trình), ở phạm vi mà những hỏng hóc hay mất mát này:
– Phát sinh từ hoặc trong quá trình tiến hành hoặc do nguyên nhân của thi công và hoàn thành công trình và sửa chữa các sai sót;
– Được quy cho sự bất cẩn, cố ý làm hoặc vi phạm hợp đồng bởi Nhà thầu, nhân lực của Nhà thầu, hoặc bất cứ người nào trực tiếp hay gián tiếp được họ thuê.
=> Điều khoản này nhằm bắt buộc nhà thầu phải có phương án bảo vệ những tài sản của cá nhân trong công trình, các trang thiết bị và vật liệu được sử dụng để thi công. Nhà thầu có thể bỏ tiền để thuê bảo vệ trong coi các thiết bị này.
Chủ đầu tư phải bồi thường và gánh chịu những tổn hại cho Nhà thầu, các nhân viên của Nhà thầu đối với các khiếu nại, thiệt hại, mất mát và chi phí (bao gồm phí và các phí pháp lý) liên quan đến tổn hại thân thể, ốm đau, bệnh tật hay chết được quy cho sự cẩu thả, cố ý làm hoặc vi phạm Hợp đồng bởi Chủ đầu tư, các nhân viên của Chủ đầu tư.
=> Cũng có một số trường hợp mà những mất mát, tổn thất bắt nguồn từ chủ đầu tư. Trong trường hợp đó, chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại.
2.2. Sự kiến bất khả kháng
20.5. Thông báo về bất khả kháng
Nếu một bên bị cản trở thực hiện bất cứ nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng do tình trạng bất khả kháng, bên đó phải gửi thông báo cho bên kia về sự việc hoặc trường hợp gây nên tình trạng bất khả kháng và phải nêu rõ các nghĩa vụ, công việc đã và sẽ bị cản trở. Thông báo phải được gửi sớm nhất sau khi bên đó nhận biết được tình trạng, hoặc lẽ ra đã nhận biết được về sự việc hoặc trường hợp gây nên tình trạng bất khả kháng.
=> Việc xảy ra bất khả kháng là điều không ai muốn nhưng nếu nó xảy ra thì một trong hai bên phải thông báo với bên còn lại bằng văn bản và chứng minh những sự kiến bất khả kháng đó là gì. Trong đó, những công trình ở miền trung Việt Nam – Nơi có nhiều cơn bão đi ngang qua sẽ là nơi mà thường xuyên phải sử dụng thông báo sự kiện bất khả kháng.
Bên đó, khi đã thông báo, phải được miễn cho việc thực hiện công việc thuộc nghĩa vụ trong thời gian mà tình trạng bất khả kháng cản trở việc thực hiện của họ.
Dẫu cho có các quy định nào khác của khoản này, thì bất khả kháng cũng không áp dụng đối với các nghĩa vụ thanh toán tiền của bất cứ bên nào cho bên kia theo Hợp đồng.
=> Quy định này có ý nghĩa rằng việc bên chủ đầu tư có nghĩa vụ thanh toán tiền hoàn thành từng hạng mục như thỏa thuận hoặc nhà thầu phải nộp khoản bảo đảm thực hiện hợp đồng thì vẫn phải tiến hành. Công trình nghiệm thu tới đâu thì giải quyết đến đó.
20.6. Các hậu quả của bất khả kháng
Nếu Nhà thầu bị cản trở thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào của mình theo Hợp đồng do bất khả kháng mà đã thông báo theo khoản 20.5 của Hợp đồng [Thông báo về bất khả kháng], và chịu sự chậm trễ và chịu chi phí do bất khả kháng, Nhà thầu sẽ có quyền theo Điều 22 của Hợp đồng [Khiếu nại và xử lý các tranh chấp]:
a) Kéo dài thời gian do sự chậm trễ này, nếu việc hoàn thành bị và sẽ bị chậm trễ, theo khoản 7.3 của Hợp đồng [Gia hạn thời gian hoàn thành];
=> Khi xảy ra các sự kiện bất khả kháng thì công trình sẽ phải tạm dừng thi công nên việc không quy chụp trách nhiệm cho nhà thầu phải hoàn thành đúng thời gian bàn giao là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, ví dụ: thời hạn thi công là 01 năm, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì công trình đã được thi công 06 tháng, trải qua 01 tháng mưa bão thì nhà thầu mới thi công lại. Trừ trường hợp nhà thầu có những chứng minh về việc dù đã áp dụng những biện pháp phòng ngừa rủi ro hư hỏng do bão lụt nhưng công trình cũng bị xuống cấp thì nhà thầu vẫn sẽ phải hoàn thành với tổng thời gian là 01 năm 01 tháng.
b) Nếu sự việc hay trường hợp thuộc loại được mô tả trong các điểm (b) khoản 20.1 của Hợp đồng [Rủi ro và bất khả kháng] được thanh toán các chi phí này.
Sau khi nhận được thông báo này, Chủ đầu tư phải xem xét để nhất trí hay quyết định các vấn đề này.
=> Điều này có nghĩa là chủ đầu tư có quyền xem xét xem các khoản chi phí được liệt kê của nhà thầu là có căn cứ hay là không. Nếu có căn cứ hợp lý thì chủ đầu tư mới tiến hành thanh toán.
20.7. Chấm dứt Hợp đồng do bất khả kháng, thanh toán, hết trách nhiệm
Nếu việc thực hiện công trình cơ bản đang được tiến hành bị cản trở liên tục trong thời gian … ngày do bất khả kháng đã được thông báo theo khoản 20.5 của Hợp đồng [Thông báo về bất khả kháng] hoặc trong nhiều khoảng thời gian mà tổng số là trên … ngày do bất khả kháng đã được thông báo, thì một trong hai bên có thể gửi thông báo chấm dứt Hợp đồng cho bên kia. Trong trường hợp này, việc chấm dứt Hợp đồng sẽ có hiệu lực … ngày sau khi có thông báo.
Đối với trường hợp chấm dứt này, Chủ đầu tư sẽ phải thanh toán cho Nhà thầu:
a) Các khoản thanh toán cho bất kỳ công việc nào đã được thực hiện mà giá đã được nêu trong Hợp đồng;
=> Theo điều 19.6 về Chấm dứt có Lựa chọ̣n, Thanh toán,Miễn trách nhiệm của Fidic thì
“Nếu về cơ bản toàn bộ Công trình đang thực hiện bị cản trở liên tục trong thời
gian 84 ngày do Bất khả kháng mà đã được thông báo theo Khoản 19.2 [Thông
báo Bất khả kháng], hoặc trong nhiều khoảng thời gian mà có tổng số trên 140
ngày do cùng Bất khả kháng đã được thông báo, thì một trong hai Bên có thể gửi
thông báo chấm dứt Hợp đồng cho Bên kia. Trong trường hợp này, việc chấm dứt
Hợp đồng sẽ có hiệu lực 7 ngày sau khi có thông báo và Nhà thầu phải thực hiện
theo Khoản 16.3 [Tạm ngừng Công việc và Di dời các Thiết bị của Nhà thầu]”.
Với khoản thời gian là 84 ngày như trên là đủ để các bên có thể chấm dứt hợp đồng vì thời gian này quá dài.
b) Chi phí cho thiết bị và vật tư được đặt hàng cho công trình đã được chuyển tới cho Nhà thầu, hoặc những thứ Nhà thầu có trách nhiệm chấp nhận giao hàng: thiết bị và vật tư này sẽ trở thành tài sản (và là rủi ro) của Chủ đầu tư khi đã được Chủ đầu tư thanh toán, và Nhà thầu sẽ để cho Chủ đầu tư tuỳ ý sử dụng;
=> Điều khoản này có nghĩa là chủ đầu tư sẽ có quyền quyết định đối với những vật liệu xây dựng mà nhà thầu đã đặt mua. Vì hợp đồng chấm dứt do sự kiện bất khả kháng nên xét về bản chất thì những vật tư đó sẽ thuộc về chủ đầu tư vì nó được sử dụng để xây công trình cho chủ đầu tư nếu như nó trước đó không thuộc là những máy móc, vật tư của nhà thầu. Dĩ nhiên là chủ đầu tư phải tiến hành thanh toán thì mới được lấy nó.
c) Mọi chi phí hoặc trách nhiệm khác mà trong trường hợp bất khả kháng Nhà thầu phải chịu để hoàn thành công trình;
=> Nhà thầu với mong muốn để hoàn thành công trình thì đã sử dụng nhân lực, vật liệu của mình để cố gắng hoàn thành trước khi sự kiện bất khả kháng đó đến thì nếu có thiệt hại từ sự cố gắng ấy, chủ đầu tư sẽ phải bồi thường lại tiền cho nhà thầu.
d) Chi phí di chuyển các công trình tạm và thiết bị của Nhà thầu khỏi công trình và trả lại các hạng mục thiết bị này cho công trình của Nhà thầu;
=> Khi hai bên tiến hành ký hợp đồng, nhà thầu đã tính các khoản tiền cho việc di chuyển các thiết bị của nhà thầu ra khỏi công trình vào trong giá hợp đồng. Khi hợp đồng chấm dứt mà không phải lỗi của nhà thầu thì họ có quyền được hưởng những chi phí đó. Thêm vào đó, đa số các nhà thầu đều có các trang thiết bị, máy móc riêng. Nó là tài sản của họ nên hiển nhiên họ có quyền đưa nó ra khỏi công trình
e) Chi phí bồi thường cho đội ngũ nhân viên và các người lao động được Nhà thầu thuê cho toàn bộ thời gian liên quan đến công trình vào thời điểm chấm dứt Hợp đồng.
=> Chi phí này thông thường là chi phí do nhà thầu phải ngưng việc xây dựng nhưng phải trả một khoảng tiền để giữ một số lượng nhất định nhân công kịp thời đáp ứng khi công trình được xây trở lại.
3. Kết Luận
Tóm lại, Về mặt bồi thường hậu quả do rủi ro khi giao kết hợp đồng xây dựng, nếu không phải là những hành vi cố ý từ phía nhân viên của chủ đầu tư thì những thiệt hại xảy ra được quy cho nhà thầu. Vì nhà thầu phải trình phương án an toàn lao động nhằm hạn chế mức tối thiếu thiệt hại này. Nhà thầu phải có phương án bảo vệ những tài sản của cá nhân trong công trình, các trang thiết bị và vật liệu được sử dụng để thi công.
Cũng có một số trường hợp mà những mất mát, tổn thất bắt nguồn từ chủ đầu tư. Trong trường hợp đó, chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại. Chủ đầu tư có nghĩa vụ thanh toán tiền hoàn thành từng hạng mục như thỏa thuận hoặc nhà thầu phải nộp khoản bảo đảm thực hiện hợp đồng thì vẫn phải tiến hành. Công trình nghiệm thu tới đâu thì giải quyết đến đó.
Về sự kiện bất khả kháng, Khi xảy ra các sự kiện này thì công trình sẽ phải tạm dừng thi công nên việc không quy chụp trách nhiệm cho nhà thầu phải hoàn thành đúng thời gian bàn giao là điều hiển nhiên. Chủ đầu tư có quyền xem xét xem các khoản chi phí được liệt kê của nhà thầu là có căn cứ hay là không. Nếu có căn cứ hợp lý thì chủ đầu tư mới tiến hành thanh toán.
Công trình đang thực hiện bị cản trở liên tục trong thời gian 84 ngày do Bất khả kháng
hoặc trong nhiều khoảng thời gian mà có tổng số trên 140 ngày thì chủ đầu tư sẽ có quyền quyết định đối với những vật liệu xây dựng mà nhà thầu đã đặt mua.
Mọi chi phí hoặc trách nhiệm khác mà trong trường hợp bất khả kháng Nhà thầu phải chịu để hoàn thành công trình như chi phí di chuyển các công trình tạm và thiết bị của Nhà thầu khỏi công trình và trả lại các hạng mục thiết bị này cho công trình của Nhà thầu.
Chi phí bồi thường cho nhân công thông thường là chi phí do nhà thầu phải ngưng việc xây dựng nhưng phải trả một khoảng tiền để giữ một số lượng nhất định nhân công kịp thời đáp ứng khi công trình được xây trở lại.
Trên đây là bài viết điều khoản về rủi ro và bất khả kháng (phần 2) trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.