Đối với bất kỳ loại hợp đồng nào thì cũng sẽ xảy ra rủi ro trong quá trình thực hiện. Hợp đồng tư vấn cũng tương tự. Ngoài những sự kiện bất khả kháng thường thấy thì trong hợp đông tư vấn xây dựng còn xuất hiện những trường hợp bất khả kháng đặc trưng trong xây dựng. Bài viết này sẽ phân tích một cách sâu sắc nhất về những rủi ro, cách giải quyết và sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng tư vấn xây dựng.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
– Thông tư 08/2016/TT-BXD hướng dẫn về hợp đồng tư vấn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
– Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
– Thông tư 17/2016/TT-BXD hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
2. Nội dung
Dưới đây là điều khoản mẫu:
Điều 21. Rủi ro và bất khả kháng
1. Bất khả kháng khác trong hoạt động tư vấn xây dựng bao gồm các sự kiện sau: Khi thực hiện hợp đồng tư vấn xây dựng gặp hang caster, cổ vật, khảo cổ, túi bùn mà khi ký hợp đồng các bên chưa lường hết được.
2. Trách nhiệm của các bên đối với rủi ro:
a) Đối với những rủi ro đã tính trong giá hợp đồng thì khi rủi ro xảy ra bên nhận thầu phải chịu trách nhiệm bằng kinh phí của mình.
b) Đối với những rủi ro đã được mua bảo hiểm thì chi phí khắc phục hậu quả các rủi ro này do đơn vị bảo hiểm chi trả và không được tính vào giá hợp đồng.
c) Bên nhận thầu phải bồi thường và gánh chịu những tổn hại cho bên giao thầu đối với các hỏng hóc, mất mát và các chi phí (bao gồm phí và các chi phí pháp lý) có liên quan do lỗi của mình gây ra.
d) Bên giao thầu phải bồi thường những tổn hại cho bên nhận thầu đối với các thiệt hại, mất mát và chi phí (bao gồm phí và các chi phí pháp lý) liên quan do lỗi của mình gây ra,
3. Thông báo về bất khả kháng:
a) Khi một bên gặp tình trạng bất khả kháng thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trong thời gian sớm nhất, trong thông báo phải nêu rõ các nghĩa vụ, công việc liên quan đến hậu quả của bất khả kháng.
b) Bên thông báo được miễn thực hiện công việc thuộc trách nhiệm của mình trong thời gian xảy ra bất khả kháng ảnh hưởng đến công việc theo nghĩa vụ hợp đồng.
4. Trách nhiệm của các bên đối với bất khả kháng
a) Nếu bên nhận thầu bị cản trở thực hiện nhiệm vụ của mình theo hợp đồng do bất khả kháng mà đã thông báo theo các điều khoản của hợp đồng dẫn đến chậm thực hiện công việc và phát sinh chi phí do bất khả kháng, bên nhận thầu sẽ có quyền đề nghị xử lý như sau:
– Được kéo dài thời gian do sự chậm trễ theo quy định của Hợp đồng (gia hạn thời gian hoàn thành).
– Được thanh toán các chi phí phát sinh theo các điều khoản quy định trong hợp đồng.
b) Bên giao thầu phải xem xét quyết định các đề nghị của bên nhận thầu.
c) Việc xử lý hậu quả bất khả kháng không áp dụng đối với các nghĩa vụ thanh toán tiền của bất cứ bên nào cho bên kia theo hợp đồng.
5. Chấm dứt hợp đồng do bất khả kháng, thanh toán, hết trách nhiệm
a) Nếu việc thực hiện các công việc của hợp đồng bị dừng do bất khả kháng đã được thông báo theo quy định của hợp đồng trong khoảng thời gian mà tổng số ngày bị dừng lớn hơn số ngày do bất khả kháng đã được thông báo, thì một trong hai bên có quyền gửi thông báo chấm dứt hợp đồngcho bên kia.
b) Đối với trường hợp chấm dứt này, bên giao thầu sẽ phải thanh toán cho bên nhận thầu:
– Các khoản thanh toán cho bất kỳ công việc nào đã được thực hiện mà giá đã được nêu trong hợp đồng.
– Chi phí cho thiết bị và vật tư được đặt hàng cho công trình đã được chuyển tới cho bên nhận thầu, hoặc những thứ bên nhận thầu có trách nhiệm chấp nhận giao hàng: Thiết bị và vật tư này sẽ trở thành tài sản (và là rủi ro) của bên giao thầu khi đã được bên giao thầu thanh toán, và bên nhận thầu sẽ để cho bên giao thầu sử.
Điều khoản mẫu trên trích từ điều 21 của thông tư 08/2016 về sự kiện bất khả kháng và rủi ro. Điều khoản này đã được Bộ Xây Dựng tính toán rất kỹ về các trường hợp xảy ra nên trừ những hợp đồng quá phức tạp thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng nó.
+ Từ điều khoản trên, có thể thấy, ngoài những sự kiện bất khả kháng thường thấy trong hợp đồng, nhà làm luật còn dự trù các trường hợp khác đặc trưng trong lĩnh vực xây dựng như: Gặp hang caster, cổ vật, khảo cổ, túi bùn mà khi ký hợp đồng các bên chưa lường hết được. Đối với những trường hợp bất khả kháng trên thì các bên sẽ thỏa thuận từ trước sẽ tạm ngừng thực hiện trong một khoảng thời gian hợp lý, và nó phải là nguyên nhân khách quan mà các bên không thể hoặc không buộc phải lường trước được.
+ Về trách nhiệm của các bên đối với rủi ro từ việc tăng giá hợp đồng: Rủi ro này thường sẽ là việc tăng giá của các vật liệu mà nhà thầu sử dụng để thực hiện công việc khảo sát, thu thập số liệu, rủi ro từ việc cần thêm nhân công để phục vụ công việc. Các rủi ro được quy định là trách nhiệm của nhà thầu phải chịu là hợp lý. Vì chủ đầu tư cũng đã phải bỏ thời gian tìm ra được nhà thầu không những có năng lực mà còn có cung cấp một giá thành hợp với túi tiền và thấp hơn một số nhà thầu khác. Thế nên, sẽ không có chuyện trúng thầu rồi đòi nâng giá. Như vậy là trái với quy định của pháp luật xây dựng như đã đề cập ở trên.
+ Về trách nhiệm của các bên đối với rủi ro phát sinh nhưng đã mua bảo hiểm thì phải do bên bảo hiểm trả.
Quy định tại điều 27 của Thông tư 329/2016/TT-BTC bổ sung điều 6 của nghị định 119 như sau:
“Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường, trừ các trường hợp không thuộc trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Điều 5 Thông tư này”.
Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại khoản 2 như sau:
- Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất sau:
a) Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý;
b) Tổn thất không mang tính ngẫu nhiên;
c) Tổn thất không lượng hóa được bằng tiền;
d) Tổn thất mang tính thảm họa;
đ) Tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Chi phí này thực tế là do bên chủ đầu tư chịu, mặc dù bên nhà thầu là bên mua bảo hiểm. Bởi lẽ nó được đưa vào chi phí dự toán mà bên nhà thầu đưa ra khi ký kết hợp đồng để tiến hành tạm ứng cho bên nhà thầu. Và những thiệt được nêu trên sẽ do bên bảo hiểm chi trả.
+ Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên: Bên nào gây thiệt hại thì bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên còn lại
Bên chủ đầu tư: Thường là không chịu thanh toán đúng hạn do không có khả năng thanh toán, liên tục yêu cầu thay đổi thiết kế hoặc sửa chữa những sai sót không cần thiết phải sửa, dẫn đến trì truệ tiến độ thi công… Ngoài ra còn phải chịu chi phí thuê luật sư khi thua kiện nếu bên nhà thầu phải thuê luật sư để đi kiện.
Bên nhà thầu: Bị hư hỏng các trang thiết bị do không bảo quản kỹ, trì truệ không thi công ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.
+ Về trách nhiệm thông báo: Các bên gặp phải điều kiện bất khả kháng và muốn ngưng thực hiện hợp đồng thì phải thông báo cho bên còn lại bằng văn bản. Trong văn bản phải nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất khả kháng đó, thời gian dự kiến chấm dứt. Nếu đến thời hạn đó, sự kiện bất khả kháng vẫn còn thì phải gia hạn bằng văn bản. Trong thời gian sự kiện bất khả kháng xảy ra thì bên có nghĩa vụ sẽ không phải thực hiện hợp đồng.
Hơn thế nữa, bên nhận thầu còn có thể được nhận thêm tiền từ việc bị trì trệ tiến độ do sự kiện bất khả kháng gây ra khi đề xuất đến chủ đầu tư như: chi phí bảo quản máy móc, chi phí trả cho nhân công.
+ Về việc chấm dứt hợp đồng do sự kiện bất khả kháng: khi thời gian bất khả kháng kéo dài liên tục và quá thời hạn thông báo thì một trong hai bên có quyền chấm dứt hợp đồng. Bên nhận thầu sẽ được thanh toán những chi phí ứng với khối lượng công việc đã thực hiện và bên chủ đầu tư sẽ nhận được phần tư vấn đã được thực hiện bởi bên nhà thầu.
Quy định này góp phần giúp cho các bên có thể tìm ra được giải pháp phù hợp, giảm thiểu thiệt hại gây ra bởi sự kiện bất khả kháng như: mất thời gian, công trình xuống cấp do không được thi công.
3. Kết luận
Như vậy, khi tham gia ký kết hợp đồng tư vấn xây dựng, các bên nên quy định trước về rủi ro và bất khả kháng để khi xảy ra sự kiện thì các bên đã dự tính trước hướng để giải quyết nó. Ngoài những sự kiện bất khả kháng thường thấy trong hợp đồng, nhà làm luật còn dự trù các trường hợp khác đặc trưng trong lĩnh vực xây dựng như: Gặp hang caster, cổ vật, khảo cổ, túi bùn mà khi ký hợp đồng các bên chưa lường hết được.Về rủi ro từ việc tăng giá hợp đồng: Rủi ro này thường sẽ là việc tăng giá của các vật liệu mà nhà thầu sử dụng để thực hiện công việc khảo sát, thu thập số liệu, rủi ro từ việc cần thêm nhân công để phục vụ công việc. Rủi ro phát sinh nhưng đã mua bảo hiểm thì phải do bên bảo hiểm trả. Bên nào gây thiệt hại thì bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Các bên gặp phải điều kiện bất khả kháng và muốn ngưng thực hiện hợp đồng thì phải thông báo cho bên còn lại bằng văn bản. Trong văn bản phải nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất khả kháng đó, thời gian dự kiến chấm dứt. Về việc chấm dứt hợp đồng do sự kiện bất khả kháng: khi thời gian bất khả kháng kéo dài liên tục và quá thời hạn thông báo thì một trong hai bên có quyền chấm dứt hợp đồng.
Trên đây là bài viết về rủi ro và bất khả kháng trong chuỗi bài viết về hợp đồng tư vấn xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.