ĐIỀU KHOẢN VỀ TẠM NGỪNG THỰC HIỆN, CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG BỞI NHÀ THẦU (PHẦN 1)

Trong xây dựng, không chỉ có chủ đầu tư được tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng mà nhà thầu cũng có quyền đó. Để biết làm thế nào mà nhà thầu có thể sử dụng quyền chấm dứt này. Chúng tôi gửi đến quý đọc giả chuỗi bài viết điều khoản về tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng bởi nhà thầu. Dưới đây là bài viết của phần thứ nhất.

 

 

1. Cơ sở pháp lý

– Luật xây dựng 2014

– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng

– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

– Fidic về điều kiện hợp đồng xây dựng 2010

2. Nội dung

Dưới đây là điều khoản mẫu:

Điều 18. Tạm ngừng và chấm dứt Hợp đồng bởi Nhà thầu

18.1. Quyền tạm ngừng công việc của Nhà thầu

Nếu Chủ đầu tư không tuân thủ khoản 8.4 của Hợp đồng [Thời hạn thanh toán] vượt quá …. ngày; Nhà thầu có thể, sau khi thông báo cho Chủ đầu tư không muộn hơn … ngày, sẽ tạm ngừng công việc (hoặc giảm tỷ lệ công việc) trừ khi và cho đến khi Nhà thầu được thanh toán theo các điều khoản của Hợp đồng, tùy từng trường hợp và như đã mô tả trong thông báo.

=> Được thanh toán là quyền cơ bản nhất của nhà thầu, là mục đích của nhà thầu để tham gia vào các mối quan hệ xây dựng. Vì thế, nếu nó không được thực hiện bởi chủ đầu tư thì đó là một hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của chủ đầu tư. Khi ấy, nhà thầu không những bị giảm sút về mặt tinh thần mà còn khiến công trình của chính chủ đầu tư bị trì trệ. Khi ấy nhà thầu có thể vận dụng điều khoản này để tạm ngừng công việc.

Theo điều 16.1 của “Quyền Tạm ngừng Công việc của Nhà thầu” của Fidic thì “sau khi thông báo cho Chủ đầu tư tối thiểu 21 ngày, Nhà thầu có thể tạm ngừng công việc (hoặc giảm tỷ lệ công việc) trừ khi và cho đến khi Nhà thầu nhận được Chứng nhận Thanh toán, các chứng cứ hoặc thanh toán hợp lý, tùy từng trường hợp và như được nêu trong thông báo”.

 

Việc tạm ngừng công việc của Nhà thầu theo khoản này không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà thầu đối với các chi phí tài chính và để chấm dứt Hợp đồng theo khoản 18.2 của Hợp đồng [Chấm dứt Hợp đồng bởi Nhà thầu].

=> Điều này có ý nghĩa rằng: Dù là bên chủ động chấm dứt hợp đồng nhưng nhà thầu vẫn sẽ được thanh toán tương ứng với hạng mục đã thi công và nghiệm thu.

Nếu Nhà thầu tiếp đó nhận được thanh toán trước khi thông báo chấm dứt Hợp đồng, Nhà thầu phải tiếp tục tiến hành công việc trở lại như bình thường ngay khi có thể được.

 

Nếu Nhà thầu phải chịu sự chậm trễ và các chi phí phát sinh là hậu quả của việc tạm ngừng công việc (hoặc do giảm tỷ lệ công việc) theo khoản này, Nhà thầu phải thông báo cho Chủ đầu tư và theo Điều 22 của Hợp đồng [Khiếu nại và xử lý các tranh chấp].

=> Trong trường hợp đã nhận được thanh toán thì nhà thầu phải tiếp tục thi công vì nếu nhà thầu không tiếp tục thi công thì công trình của chủ đầu tư sẽ bị xuống cấp, phải mất thêm chi phí để phục hồi. Cho dù chủ đầu tư có tìm được người mới thì cũng sẽ mất thời gian và có thể phải xây lại cả công trình. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chủ đầu tư mà nó còn thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia đối với những công trình có giá trị lớn.

Vì thế, nhà làm luật mới quy định cho nhà thầu phải bắt tay vào việc xây dựng lại công trình ngay khi có thể.

Nếu như trong quá trình thanh toán chậm bởi chủ đầu tư mà có phát sinh chi phí thì thì nhà thầu cần phải lập bảng chi phí rõ ràng để nhà thầu tiến hành thanh toán. Các chi phí này thường là: tiền lãi do chậm thanh toán, dựa trên quy định của bộ luật dân sự, tiền trả cho nhân công khi tạm dừng công việc để duy trì lực lượng dự trù khi công trình được thi công trở lại.

18.2. Chấm dứt Hợp đồng bởi Nhà thầu

Nhà thầu được quyền chấm dứt Hợp đồng nếu :

a) Nhà thầu không nhận được số tiền được thanh toán trong vòng 45 ngày kể từ ngày Chủ đầu tư nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ;

=>  Số ngày 45 là đủ để chủ đầu tư có thể hoàn tất việc thanh toán cho nhà thầu. Thế nên, nếu trong khoảng thời gian đó mà không nhận được thanh toán thì xem như nhà thầu đã không được đáp ứng quyền cơ bản của mình nên việc họ tự chấm dứt hợp đồng là điều hiển nhiên.

b) Chủ đầu tư về cơ bản không thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng;

=> Nghĩa vụ cơ bản được của chủ đầu tư được quy định tại Điều 10 của thông tư 09/2016 về Quyền và nghĩa vụ chung của Bên giao thầu: Một số nghĩa vụ cơ bản của chủ đầu tư như: “Phải xin giấy phép xây dựng theo quy định; Bàn giao toàn bộ hoặc từng phần mặt bằng xây dựng cho Nhà thầu quản lý, sử dụng phù hợp với tiến độ và các thoả thuận của Hợp đồng; Cử và thông báo bằng văn bản cho Nhà thầu về nhân lực chính tham gia quản lý và thực hiện Hợp đồng; Bố trí đủ nguồn vốn để thanh toán cho Nhà thầu theo tiến độ thanh toán trong Hợp đồng; Thuê tư vấn giúp Chủ đầu tư giám sát theo quy định tại Điều 12 hoặc Điều 13 của Hợp đồng này [Quyền và nghĩa vụ của nhà tư vấn]…”.

Những nghĩa vụ trên nếu không được thực hiện thì nhà thầu sẽ không có căn cứ để tiến hành thi công dự án. Hoặc nếu như dự án có được xây dựng thì cũng sẽ bị cơ quan có thẩm quyền phạt hoặc cưỡng chế dở bỏ do chưa có giấy phép. Vì thế nhà thầu không thể thực hiện nó.

c) Việc tạm ngừng bị kéo dài quá 45 ngày;

=> Về việc tạm ngừng bị kéo dài quá 45 ngày sẽ khiến cho chủ đầu tư hoang mang và đặc hoài nghi rằng chủ đầu tư có thực sự muốn cho công trình được triển khai hay không, có đủ tài chính thực sự để thanh toán hay không, rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra đối với nhà thầu. Khi công trình tạm ngưng một thời gian dài, nhà thầu đã phải bỏ ra một số chi phí không nhỏ để nuôi nhân công, bảo quản công trình và từ chối các hợp đồng từ các chủ đầu tư khác. Biết bao nhiêu chi phí mà họ phải bỏ ra. Vì thế, việc nhà thầu chấm dứt hợp đồng là điều rất hợp lý.

d) Chủ đầu tư bị phá sản, vỡ nợ, bị đóng cửa, bị quản lý tài sản phải điều đình với chủ nợ hoặc tiếp tục kinh doanh dưới sự điều hành của người được uỷ thác hoặc người đại diện cho quyền lợi của chủ nợ hoặc nếu đã có hành động hoặc sự kiện nào đó xẩy ra (theo các Luật hiện hành) có tác dụng tương tự tới các hành động hoặc sự kiện đó.

=> Mong muốn của nhà thầu là sẽ nhận được tiền sau khi thi công. Vì thế, khi chủ đầu tư bị phá sản thì nhà thầu không thể nào biết được rằng chủ đầu tư có khả năng thanh toán cho mình hay không nên họ có quyền chấm dứt hợp đồng để hạn chế thiệt hại cho mình.

 

Trong bất cứ sự kiện hoặc trường hợp nào được nêu trên, Nhà thầu có thể, bằng thông báo trước … ngày cho Chủ đầu tư để chấm dứt Hợp đồng. Tuy nhiên trong trường hợp của điểm (d) Nhà thầu có thể thông báo chấm dứt Hợp đồng ngay lập tức.

=> Tại điều 16.2 của Fidic về tạm dừng và chấm dứt hợp đồng trong bất cứ sự việc hoặc trường hợp nào được nêu trên, Nhà thầu có thể gửi thông báo trước 14 ngày cho Chủ đầu tư để chấm dứt Hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp của mục (f) hoặc (g), Nhà thầu có thể gửi thông báo chấm dứt Hợp đồng ngay lập tức.

Cả thông tư 09/2016 và Fidic đều ghi nhận cho phép nhà thầu có thể chấm dứt hợp đồng ngay lập tức nếu như chủ đầu tư bị phá sản vì thủ tục phá sản để hoàn tất thường rất lâu. Thế nên, pháp luật cho phép nhà thầu được quyền chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư trong trường hợp đó.

3. Kết luận

Khi chủ đầu tư và nhà thầu tham gia ký kết hợp đồng thi công thì sẽ có những lúc mà nhà thầu bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng.

Nhà thầu có quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng nếu như chủ đầu tư không tiến hành thanh toán sau khi nhà thầu đã gửi thông báo trong một thời hạn nhất định, thông thường là 21 ngày.

Nhà thầu có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng trong vòng 45 kể từ ngày chủ đầu tư nhận được hồ sơ thanh toán hợp lệ mà không tiến hành thanh toán.

Nếu chủ đầu tư vi phạm một số nghĩa vụ cơ bản của chủ đầu tư như: “Phải xin giấy phép xây dựng theo quy định; Bàn giao toàn bộ hoặc từng phần mặt bằng xây dựng cho Nhà thầu quản lý, sử dụng phù hợp với tiến độ và các thoả thuận của Hợp đồng” thì nhà thầu cũng có quyền chấm dứt hợp đồng. Việc tạm ngừng bị kéo dài quá 45 ngày cũng là một trong những lý do mà nhà thầu có thể chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, nhà thầu có thể chấm dứt hợp đồng ngay lập tức nếu như chủ đầu tư bị phá sản vì thủ tục phá sản để hoàn tất thường rất lâu.

Trên đây là bài viết điều khoản về  trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

Dưới đây là link của phần 2:

ĐIỀU KHOẢN VỀ TẠM NGỪNG VÀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG BỞI NHÀ THẦU (PHẦN 2)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐIỀU KHOẢN VỀ TẠM NGỪNG THỰC HIỆN, CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG BỞI NHÀ THẦU (PHẦN 1)