ĐIỀU KHOẢN VỀ TẠM NGỪNG VÀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG BỞI CHỦ ĐẦU TƯ (PHẦN 1)

Khi tham gia vào bất cứ những giao dịch nào thì các bên đều muốn hoàn tất hợp đồng của mình nhưng không phải lúc nào hợp đồng cũng có thể được tiến hành đến cùng. Vì thế, sẽ có những thời điểm mà hợp đồng bị tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng. Chủ thể chấm dứt có thể là chủ đầu tư hoặc nhà thầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết khi tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng thì quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ như thế nào. Bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức liên quan đến việc tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng bởi chủ đầu tư. Tuy nhiên, do đây là một điều khoản dài nên chúng tôi thực hiện tách bài viết ra thành hai phần để quý khách dễ dàng đọc.

 

1. Cơ sở pháp lý

– Luật xây dựng 2014

– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng

– Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng

– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

– Fidic về điều kiện hợp đồng xây dựng 2010

 

2. Nội dung

Dưới đây là điều khoản mẫu:

Điều khoản dưới đây được trích từ hợp đồng thi công nhưng thực chất dựa vào quy định tại điều 17 của nghị định 09/2016

17.2. Chấm dứt Hợp đồng bởi Chủ đầu tư:

Chủ đầu tư sẽ được quyền chấm dứt Hợp đồng nếu Nhà thầu:

a) Không thực hiện theo bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc một thông báo theo khoản 17.1 của Hợp đồng này [Tạm ngừng thực hiện công việc của Hợp đồng bởi Chủ đầu tư];

=> Thực hiện bảo đảm thực hiện hợp đồng là một trong những nghĩa vụ cơ bản của nhà thầu trong thi thực hiện hợp đồng.

b) Bỏ dở công trình hoặc thể hiện rõ ràng ý định không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng;

=> Mục đích của chủ đầu tư là công trình được hoàn thành mà công trình không được thực hiện đã vi phạm đến quyền cơ bản của chủ đầu tư nên khi nhà thầu không thực hiện thì ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của chủ đầu tư. Bằng sự tính toán của mình thì chủ đầu tư có thể yêu cầu chấm dứt hợp đồng một cách hợp lý để tìm được nhà thầu khác.

C) Không có lý do chính đáng mà …. ngày liên tục không thực hiện công việc theo Hợp đồng;

=> Việc không thực hiện hợp đồng liên tục sẽ khiến cho những dự định của chủ đầu tư bị trì trệ, từ đó gây ra sự chậm đưa công trình vào sử dụng, gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Thế nên, chủ đầu tư để bảo vệ quyền lợi của mình thì có thể không tiếp tục thực hiện công việc theo hợp đồng nữa.

d) Giao thầu phụ toàn bộ công trình hoặc chuyển nhượng Hợp đồng mà không có sự thỏa thuận của Chủ đầu tư;

=> Chủ đầu tư đã phải bỏ thời gian để tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu vì thế việc tự ý giao thầu phụ toàn bộ công trình hoặc chuyển nhượng hợp đồng là hành vi không tôn trọng chủ đầu tư. Hơn thế nữa, chủ đầu tư cũng đã phải xem xét về yếu tố năng lực tài chính và chuyên môn thì mới chấp nhận nhà thầu chính mà nhà thầu chính lại giao lại hợp đồng cho nhà thầu khác thì có thể ảnh hưởng chất lượng của công trình. Nên việc tự ý chuyển giao hợp đồng được xem là hành vi “chuyển nhượng thầu”, đây là hành vi bị cấm trong xây dựng.

đ) Bị phá sản hoặc vỡ nợ, bị đóng cửa, bị quản lý tài sản, phải thương lượng với chủ nợ hoặc tiếp tục kinh doanh dưới sự giám sát của người quản lý tài sản, người được uỷ quyền hoặc người quản lý vì lợi ích của chủ nợ hoặc đã có hành động hoặc sự kiện nào xảy ra (theo các luật được áp dụng) có ảnh hưởng tương tự tới các hoạt động hoặc sự kiện này;

=> Trong kinh doanh, rất nhiều trường hợp khi công ty tham gia đấu thầu thì có nguồn tài chính rất mạnh nhưng sau khi trúng thầu vì một biến cố nào đó thì tài chính của họ bị sụt giảm, có thể dẫn đến vỡ nợ. Đặc biệt, những dự án phải thi công trong một thời gian dài từ 01 năm trở lên thì có thể gặp trường hợp nhà thầu rơi vào tình trạng đó vì trong 01 năm sẽ diễn ra rất nhiều biến cố. Vì thế, chủ đầu tư cần phải xem xét về năng lực tài chính thực sự của nhà thầu hoặc dự án mà nhà thầu đang tiến hành hoặc sẽ tiến hành trong tương lai. Từ đó, có thể dự báo về khả năng tài chính của nhà thầu khi suốt quá trình thực hiện hợp đồng.

Nếu có ở một trong những trường hợp này, Chủ đầu tư có thể, bằng cách thông báo cho Nhà thầu trước ….. ngày, chấm dứt Hợp đồng và trục xuất Nhà thầu ra khỏi công trường. Tuy nhiên, trong trường hợp của phần (đ) Chủ đầu tư có thể thông báo chấm dứt Hợp đồng ngay lập tức.

=> Như vậy, chủ đầu tư có thể trục xuất nhà thầu ra khỏi công trường nếu như đã thông báo và nêu rõ lý do. Việc trục xuất này phải được thực hiện nhanh chóng để chủ đầu tư có thể tìm ra được nhà thầu nhằm thực hiện tiếp tục công trình vì nếu để lâu thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công trình và lộ trình đưa công trình vào hoạt động.

Sự lựa chọn của Chủ đầu tư trong việc quyết định chấm dứt Hợp đồng sẽ không được làm ảnh hưởng đến các quyền lợi khác của Chủ đầu tư theo Hợp đồng.

Nhà thầu phải rời công trường và chuyển các vật tư, vật liệu cần thiết, các tài liệu của Nhà thầu và các hồ sơ thiết kế khác của Nhà thầu cho Chủ đầu tư. Tuy nhiên, Nhà thầu sẽ cố gắng hết mức để tuân thủ ngay lập tức các hướng dẫn hợp lý được nêu trong thông báo, bảo vệ tính mạng và tài sản hay cho sự an toàn của công trình.

=> Việc chấm dứt trong trường hợp trên là đúng với quy định của pháp luật, vì thế chủ đầu tư sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này. Tuy nhiên, vì để

Sau khi chấm dứt Hợp đồng, Chủ đầu tư có thể hoàn thành công trình và sắp đặt cho các đơn vị khác thực hiện. Chủ đầu tư và các đơn vị này khi đó có thể sử dụng bất cứ vật tư, vật liệu, tài liệu nào của Nhà thầu và các tài liệu thiết kế khác do Nhà thầu thực hiện hoặc do đại diện Nhà thầu thực hiện.

Chủ đầu tư sẽ thông báo rằng thiết bị của Nhà thầu và các công trình tạm thời sẽ được giải phóng cho Nhà thầu ở tại hoặc gần công trường. Nhà thầu sẽ ngay lập tức sắp xếp để chuyển đi, rủi ro và chi phí cho việc này sẽ do Nhà thầu chịu. Tuy nhiên, nếu đến lúc này mà Nhà thầu còn nợ Chủ đầu tư một khoản thanh toán nào thì Chủ đầu tư được quyền bán chúng để lấy lại tiền. Số tiền dư ra sẽ được trả cho Nhà thầu.

=> Việc nhà thầu nợ chủ đầu tư là việc hiếm thấy nhưng cũng có một số trường hợp hai bên thân quen thì nhà thầu sẽ được chủ đầu tư ứng trước cho một khoản tiền lớn. Nhưng trong quá trình thi công, nhà thầu mất khả năng thanh toán, dẫn đến phá sản do phải bồi thường cho một hoặc nhiều công trình khác. Tính đến thời điểm bị phá sản. Nhà thầu chỉ mới hoàn thành 60% giá trị của công trình, trong khi số tiền mà chủ đầu tư đưa là tới 80% công trình. Vì thế, pháp luật cho phép chủ đầu tư có thể bán tài sản của nhà thầu để lại trên công trình để thu về mình khoản tiền trên, còn dư bao nhiêu thì phải trả lại cho nhà thầu theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu thì bồi thường đến đó.

Trường hợp đặc biệt, Chủ đầu tư có quyền chấm dứt Hợp đồng vào bất cứ lúc nào thuận tiện cho Chủ đầu tư, bằng cách thông báo cho Nhà thầu việc chấm dứt Hợp đồng. Việc chấm dứt này sẽ có hiệu lực sau … ngày sau khi Nhà thầu nhận được thông báo này của Chủ đầu tư hoặc Chủ đầu tư trả lại bảo lãnh thực hiện. Chủ đầu tư sẽ không được chấm dứt Hợp đồng theo khoản này để tự thi công công trình hoặc sắp xếp để cho nhà thầu khác thi công công trình.

=> Trong trường hợp đặc biệt, chủ đầu tư có quyền chấm dứt Hợp đồng vào bất cứ lúc nào thuận tiện cho Chủ đầu tư. Thực chất, theo điều 15.5 của Fidic thì

“ Chủ đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng vào bất cứ lức nào thuận tiện cho Chủ đầu tư, bằng cách thông báo cho Nhà thầu việc chấm dứt hợp đồng. Việc chấm dứt này sẽ có hiệu lực trong vòng 28 ngày sau thời điểm đến sau của việc nhà thầu nhận được thông báo này của chủ đầu tư hoặc Chủ đầu tư trả lại Bảo lãnh thực hiên hợp đồng. Chủ đầu tư không được chấm dứt hợp đồng theo Khoản này để tự thi công Công trình hoặc giao cho nhà thầu khác thi công Công trình hoặc để tránh việc chấm dứt Hợp đồng bởi Nhà thầu theo Điều 16.2 [Chấm dứt hợp đồng bởi Nhà thầu]. Sau khi chấm dứt hợp đồng, Nhà thầu phải thực hiện theo Khoản 16.3 [Tạm ngừng Công việc và Di dời Thiết bị của Nhà thầu] và sẽ được thanh toán theo Khoản 16.4 [Thanh toán khi Chấm dứt hợp đồng].

=> Như vậy, chỉ cần báo trước thì chủ đầu tư có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng nhưng không được giao cho một người khác hoặc tự thực hiên nó. Trường hợp chấm dứt này thường rơi vào trường hợp: Chủ đầu tư chuyển nơi công tác đột xuất qua một địa phương khác, mất khả năng thanh toán.

3. Kết luận

Đối với trường hợp chủ đầu tư muốn chấm dứt hợp đồng với đơn vị nhà thầu thì cần phải được thỏa thuận rõ trong hợp đồng khi nào được chấm dứt. Các bên nên tham khảo những quy định của pháp luật về các trường hợp chủ đầu tư được quyền chấm dứt hợp đồng để có thể quy định đúng trong hợp đồng. Chủ đầu tư có thể kết thúc hợp đồng khi nhà thầu không thực hiện bảo đảm thực hiện hợp đồng là một trong những nghĩa vụ cơ bản của nhà thầu trong khi thực hiện hợp đồng.

Để bảo vệ quyền lợi của mình khi nhà thầu chậm trễ thi công, trì hoãn liên tục thì chủ đầu có thể không tiếp tục thực hiện công việc theo hợp đồng nữa.

Việc tự ý chuyển giao hợp đồng được xem là hành vi “chuyển nhượng thầu”, đây là hành vi bị cấm trong xây dựng. Thế nên, chủ đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng với nhà thầu trong trường hợp này.

Chủ đầu tư cần phải xem xét về năng lực tài chính thực sự của nhà thầu hoặc dự án mà nhà thầu đang tiến hành hoặc sẽ tiến hành trong tương lai. Từ đó, có thể dự báo về khả năng tài chính của nhà thầu trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng để tránh trường hợp nhà thầu đang thi công thì bị tuyên phá sản.

Trong quá trình thi công, khi nhà thầu bị phá sản thì Pháp luật cho phép chủ đầu tư có thể bán tài sản của nhà thầu để lại trên công trình để thu về mình khoản tiền trên, còn dư bao nhiêu thì phải trả lại cho nhà thầu theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu thì bồi thường đến đó.

Ngoài ra, chủ đầu tư có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng với nhà thầu bất cứ lúc nào chỉ cần báo trước. Tuy nhiên, trong trường hợp đó thì chủ đầu tư không được giao cho một người khác hoặc tự thực hiên nó.

Trên đây là bài viết điều khoản về “Tạm ngừng và chấm dứt Hợp đồng bởi chủ đầu tư” trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

Dưới đây là Link bài viết của phần 2:

https://luatsuhopdong.com/dieu-khoan-ve-tam-ngung-va-cham-dut-hop-dong-boi-chu-dau-tu-phan-2.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐIỀU KHOẢN VỀ TẠM NGỪNG VÀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG BỞI CHỦ ĐẦU TƯ (PHẦN 1)