ĐIỀU KHOẢN VỀ TẠM NGỪNG VÀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG BỞI CHỦ ĐẦU TƯ (PHẦN 2)

Chủ đầu tư luôn mong muốn đạt được hợp đồng mà mình đã tốn công sức và thời gian để ký kết. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng đều thuận lợi. Sẽ có trường hợp các bên phải tạm ngừng thực hiện hợp đồng. Thậm chí dẫn đến chấm dứt hợp đồng. Bài viết này sẽ đưa ra những phân tích liên quan đến điều khoản tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng bởi chủ đầu tư.

1. Cơ sở pháp lý

– Luật xây dựng 2014

– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng

– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

– Fidic về điều kiện hợp đồng xây dựng 2010

2. Nội dung

Dưới đây là điều khoản mẫu:

Điều 17. Tạm ngừng và chấm dứt Hợp đồng bởi Chủ đầu tư

17.1. Tạm ngừng thực hiện công việc của Hợp đồng bởi Chủ đầu tư

Nếu Nhà thầu không thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng, Chủ đầu tư có thể ra thông báo yêu cầu Nhà thầu phải thực hiện và sửa chữa các sai hỏng trong khoảng thời gian hợp lý cụ thể.

Chủ đầu tư quyết định ngừng thực hiện công việc trong Hợp đồng khi Nhà thầu không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo Hợp đồng đã ký kết.

Trước khi tạm dừng, Chủ đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản cho Nhà thầu không ít hơn … ngày và trong thông báo sẽ nêu rõ lý do tạm ngừng.

=> Điều khoản này có ý nghĩa rằng chủ đầu tư có quyền yêu cầu nhà thầu phải thực hiện và sửa chữa các sai hỏng trong quá trình thi công nhưng phải được thực hiện bằng văn bản, trong một khoảng thời gian cụ thể. Ngoài ra, nếu như đã nhắc nhở nhiều lần mà nhà thầu vẫn không khắc phục thì chủ đầu tư có quyền tạm ngừng thực hiện công việc và sẽ nêu rõ lý do bằng văn bản để cho nhà thầu một thời gian nhất định trong việc trở lại thực hiện công việc. Các lý do thông thường như: chậm tiến độ thi công dù đã nhắc nhở 03 lần, để xảy ra tai nạn với công nhân trong khu vực thi công mà lỗi do nhà thầu không tuân thủ các quy tắc về lao động.

Tại điều 8.8 của Fidic về tạm ngừng công việc có quy định:

“Nhà tư vấn vào bất cứ lúc nào đều có thể yêu cầu Nhà thầu tạm ngừng công việc của một bộ phận hay toàn bộ Công trình. Trong thời gian tạm ngừng đó, Nhà thầu phải bảo vệ, bảo quản và đảm bảo bộ phận hoặc Công trình đó không bị xuống cấp, mất mát hay bị hư hỏng”.

Về thời gian tạm ngừng hợp đồng thì tùy vào tính chất, lý do tạm dừng mà mỗi công trình sẽ có thời gian tạm dừng khác nhau. Tuy nhiên, tại điều 8.10 về Kéo dài tình trạng Tạm ngừng công việc quy định như sau:

“Nếu việc tạm ngừng công việc theo Khoản 8.8 [Tạm ngừng Công việc] đã diễn ra liên tục quá 84 ngày, Nhà thầu có thể yêu cầu Nhà tư vấn cho phép tiếp tục tiến hành công việc. Nếu Nhà tư vấn không cho phép trong vòng 28 ngày sau khi Nhà thầu đã yêu cầu như vây, Nhà thầu có thể thông báo cho Nhà tư vấn và coi như việc tạm ngừng công việc hết hiệu lực theo Điều 13 [Thay đổi và Điều chỉnh] của hạng mục Công trình bị ảnh hưởng. Nếu việc tạm ngừng công việc ảnh hưởng đến toàn bộ Công trình, Nhà thầu có thể thông báo kết thúc Hợp đồng theo Khoản

16.2 [Châm dứt Hợp đồng bởi Nhà thầu]”.

=> Như vậy, nếu thời gian tạm dừng là 112 ngày thì nhà thầu có quyền thông báo kết thúc hợp đồng với chủ đầu tư. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì nhà thầu đã phải trải qua một thời gian dài bảo quản các thiết bị phục vụ cho thi công, lại phải đảm bảo một số lượng nhân công để phục vụ cho việc công trình được thi công trở lại. Làm lỡ các mối làm ăn khác của nhà thầu. Tuy nhiên, nhà thầu phải thực hiện thông báo bằng văn bản.

 

17.3. xác định giá vào ngày chấm dứt hợp đồng      

Ngay khi thông báo chấm dứt theo khoản 17.2 của Hợp đồng [Chấm dứt Hợp đồng bởi Chủ đầu tư] có hiệu lực, Chủ đầu tư sẽ xem xét đồng ý hoặc xác định giá trị của công trình, vật tư, vật liệu và tài liệu của Nhà thầu và các khoản tiền phải thanh toán cho Nhà thầu cho các công việc được thực hiện theo đúng Hợp đồng.

=> Khi tiến hành điều này thì chủ đầu tư, nhà tư vấn và nhà thầu sẽ cùng nhau tính toán để xác định khối lượng công việc mà nhà thầu đã thực hiện.

 

17.4.Thanh toán sau khi chấm dứt Hợp đồng

Sau khi thông báo chấm dứt Hợp đồng theo khoản 17.2 của Hợp đồng này [Chấm dứt Hợp đồng bởi Chủ đầu tư] có hiệu lực, Chủ đầu tư có thể:

a) Không thanh toán thêm cho Nhà thầu cho đến khi chi phí thi công, hoàn thành và sửa chữa các sai sót và hư hỏng do chậm trễ trong thời gian hoàn thành (nếu có) và các chi phí khác mà Chủ đầu tư chấp thuận đã được xác định;

=> Điều này có nghĩa, nếu nhà thầu muốn nhận được thanh toán từ chủ đầu tư thì nhà thầu cần phải liệt kê một cách cụ thể và chính xác nhất tất cả các khoản chi phí mà nhà thầu đã bỏ ra.

b) Thu lại từ Nhà thầu các phí tổn do hư hỏng, mất mát mà Chủ đầu tư phải chịu và các chi phí thêm khác của việc hoàn thành công trình, sau khi tính đến bất kỳ một khoản nợ nào đối với Nhà thầu. Sau khi đã thu hồi lại từ các mất mát, hư hỏng và các chi phí thêm, Chủ đầu tư sẽ thanh toán phần tiền cân đối còn lại cho Nhà thầu.

=> Điều khoản này là hoàn toàn hợp lý vì khó khăn lắm, chủ đầu tư mới tìm ra được một nhà thầu thích hợp với dự án của mình. Vì thế, khi nhà thầu là nguyên nhân khiến chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng đã khiến cho chủ đầu tư bị mất thời gian để tìm kiếm lại nhà thầu, chậm đưa dự án vào hoạt động, mất tiền để thuê nhà thầu mới có thể với giá cao hơn. Ngoài ra, còn tạo tâm lý hoang mang cho chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư của mình. Trên thực tế, chủ đầu tư không hề mong muốn điều này xảy ra.

 

3. Kết Luận

Như vậy, trong một số trường hợp thì chủ đầu tư có thể tạm ngừng việc thực hiện hợp đồng nếu xét thấy nhà thầu có một số vi phạm liên quan đến chất lượng công trình và an toàn lao động dù đã nhắc nhở nhiều lần mà nhà thầu vẫn không khắc phục.

Nếu thời gian tạm dừng là 112 ngày thì nhà thầu có quyền thông báo kết thúc hợp đồng với chủ đầu tư bằng văn bản vì nhà thầu đã phải trải qua một thời gian dài bảo quản các thiết bị phục vụ cho thi công, lại phải đảm bảo một số lượng nhân công để phục vụ cho việc công trình được thi công trở lại. Làm lỡ các mối làm ăn khác của nhà thầu.

Nếu nhà thầu muốn nhận được thanh toán từ chủ đầu tư thì nhà thầu cần phải liệt kê một cách cụ thể và chính xác nhất tất cả các khoản chi phí mà nhà thầu đã bỏ ra.

Khi nhà thầu là nguyên nhân khiến chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng thì đã khiến cho chủ đầu tư bị mất thời gian để tìm kiếm lại nhà thầu, chậm đưa dự án vào hoạt động, mất tiền để thuê nhà thầu mới có thể với giá cao hơn. Ngoài ra, còn tạo tâm lý hoang mang cho chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư của mình. Trên thực tế, chủ đầu tư không hề mong muốn điều này xảy ra.

Trên đây là bài viết điều khoản về tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng bởi chủ đầu tư (phần 2)  trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

Dưới đây là Link của phần 1:

https://luatsuhopdong.com/dieu-khoan-ve-ta…hu-dau-tu-phan-1.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐIỀU KHOẢN VỀ TẠM NGỪNG VÀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG BỞI CHỦ ĐẦU TƯ (PHẦN 2)