Ghi USD trong hợp đồng được không?

Các chính sách, quy định pháp luật Việt Nam đang dần “nới lỏng” đối với nhà đầu tư nước ngoài cùng với xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy, gia tăng các giao dịch có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời theo các thống kê, nền kinh tế Mỹ đứng đầu thế giới, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ khá thấp nên có thêm lý do để các bên có nhu cầu cao trong việc sử dụng USD trong nhiều giao dịch nhằm hạn chế “thất thoát”.

Ghi USD trong hợp đồng được không?
Ghi USD trong hợp đồng được không?

Vậy việc sử dụng USD trong Hợp đồng có vi phạm pháp luật không?

Theo quy định tại Điều 22, Pháp lệnh ngoại hối 2005; Khoản 13, Pháp lệnh ngoại hối 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối 2013:

Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

Dựa theo quy định trên thì việc sử dụng USD trong mọi giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam là vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Các hình thức sử dụng USD bị cấm theo quy định trên:

+ Thanh toán: ghi giá là Đồng Việt Nam nhưng thanh toán bằng USD là vi phạm.

+ Niêm yết: là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Khoản 6, Điều 4, Luật giá 2012).

Ngoài quy định cấm tại Pháp lệnh ngoại hối thì theo quy định tại Điều 18, Nghị định 117/2013/NĐ-CP yêu cầu Đồng tiền niêm yết giá là Đồng Việt Nam”.

+ Quảng cáo: là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

+ Báo giá: báo giá qua email, tin nhắn điện thoại hay thông qua mạng xã hội hoặc bất kỳ hình thức nào khác đều vi phạm.

+ Định giá: là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ.

+ Ghi giá

+ Thỏa thuận và các hình thức tương tự khác: ghi giá bằng Đồng Việt Nam, ghi tương đương USD là vi phạm điều này.

Pháp luật cấm nhưng nếu sử dụng USD thì có hậu quả/chế tài không?

+ Chế tài dân sự: Giao dịch sử dụng USD giữa các bên bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 128, BLDS 2005. Nguyên tắc khi giao dịch vô hiệu, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, bồi thường (nếu có).

Giao dịch sử dụng USD giữa các bên không bị vô hiệu nếu căn cứ theo Điều 123, BLDS 2015. BLDS 2015 đã điều chỉnh giao dịch bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật thay vì vi phạm điều cấm của pháp luật. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 4, Luật ban hành xây dựng văn bản pháp luật 2015 thì Pháp lệnh không phải là Luật.Vì vậy, các bên giao dịch sử dụng USD giữa các bên không bị vô hiệu.

+ Chế tài hành chính:  Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đối với cá nhân; phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 3 và Điểm n, Khoản 4, Điều 23, Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

Như vậy theo quy định mới của BLDS 2015, giao dịch sử dụng USD không bị vô hiệu nhưng các bên sẽ bị phạt hành chính với số tiền tối đa là 100.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

Huỳnh Điều

Ghi USD trong hợp đồng được không?