Hầu hết người lao động không nghiên cứu kỹ các quy trình cho việc được nhận chế độ ốm đau. Nắm bắt nhu cầu đó, luật minh mẫn chúng tôi xin gửi đến quý khách chuỗi bài viết liên quan đến các thủ tục để nhận được hoàn tiền trong trường hợp chế độ ốm đau.
1. Cơ sở pháp lý
– Bộ Luật lao động 2012 (sau đây gọi tắt là BLLĐ)
– Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sau đây gọi tắt là LBHXH)
– Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
– Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
– Thông tư 46/2016/TT-BYT Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
– Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 về Quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
2. Nội dung
2.1. Nghỉ ốm đau ngắn hạn
2.1.1. Những trường hợp được hưởng ốm đau
– Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
– Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
– Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
=> Căn cứ vào khoản 1 – Điều 3 của thông tư 59/2015.
Tuy nhiên, những trường hợp không được hưởng:
– Tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.
– Điều trị lần đầu do TNLĐ, BNN.
– Bị ốm đau, tai nạn trong thời gian: nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không lương, nghỉ hưởng chế độ thai sản.
=> Căn cứ vào khoản 2 – Điều 3 của thông tư 59/2015.
2.1.2. Thời gian hưởng:
Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Người lao động bị ốm đau, không phải bệnh dài ngày | Đóng BHXH dưới 15 năm | Đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm | Đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên |
Điều kiện làm việc bình thường | 30 ngày | 40 ngày | 60 ngày |
Điều kiện làm việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, PCKV 0.7 trở lên | 40 ngày | 50 ngày | 70 ngày |
=> Căn cứ vào khoản 1 – điều 26 của thông tư 59/2015.
* Đối với Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Danh mục này ví dụ: Tiêu chảy kéo dài; Uốn ván nặng và di chứng; Viêm gan vi rút B mạn tính… Quy định tại thông tư số 46/2016.
2.1.3. Mức hưởng :
+ Đối với người lao động nghỉ ốm đau bình thường và nuôi con nhỏ bị ốm:
Mức
hưởng chế độ ốm đau |
= |
Tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc |
X 75% |
Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau |
24 ngày |
* Số ngày nghỉ không tính số ngày nghỉ lễ, ngày tết. Căn cứ vào khoản 1 – điều 6 của thông tư 59/2015.
Ví dụ: Ông A có mức lương là 5 triệu vào tháng 05/2019 trước khi nghỉ ốm đau từ ngày 17/05 tới ngày 25/05/2019. Như vậy, số ngày được hưởng chế độ ốm đau của A là 07 ngày vì chủ nhật là ngày nghỉ.
Từ đó, mức hưởng chế độ ốm đau = (5.000.000 : 24) x 75%x 07 = 1.093.750 VNĐ.
* Đối với trường hợp người lao động nghỉ trông con dưới 07 tuổi:
Thời gian hưởng: Đối với một người là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi, 15 ngày làm việc nếu con từ 3 đến dưới 7 tuổi. Căn cứ vào khoản 1 – điều 27 của LBHXH.
- Nếu cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người để luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con vẫn theo quy định dành cho một người.
+ Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau ốm đau:
Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi người lao động trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa hồi phục.
Thời gian hưởng |
Mức hưởng 01 ngày = 30% lương cơ sở |
|
Bệnh dài ngày | 10 ngày | |
Bệnh phải phẫu thuật | 7 ngày | |
Trường hợp khác | 5 ngày |
Từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng (tăng 100.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành) theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
Ví dụ: Ông A sau thời gian điều trị bệnh là 30 ngày bị viêm phổi, sau đó nghỉ tiếp 09 ngày để hồi phục thì ông A được nhận thêm số tiền là:
Mức hưởng = 1.490.000 x 30% x 09 = 4.023.000 VNĐ
=> Mức hưởng 30% trên dựa trên quy định tại điều 29 của LBHXH.
2.1.4. Các loại hồ sơ hưởng chế độ
+ Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau
Thành phần hồ sơ:
- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
- Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập.
=> Quy định tại điều 100 của LBHXH.
+ Thời gian giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản
- Trong thời hạn 45 ngày kể từngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của LBHXH cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của LBHXH và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của LBHXH nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;
- Trường hợpcơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
=> Như vậy, tổng thời gian mà người lao động nhận được số tiền hưởng chế độ ốm đau là từ 21 ngày cho đến 65 ngày tùy vào sự triển khai nhanh hay chậm của các bên có liên quan. Căn cứ vào điều 101 của LBHXH.
+ Thời gian giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏesau ốm đau người sử dụng lao động lập danh sách và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chứcchi trả cho người lao động; trường hợpkhông giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
=> Như vậy, thời gian tối đa người lao động được giải quyết là 20 ngày. Căn cứ vào điều 103 của LBHXH.
2.1.5. Cơ quan giải quyết chi trả
+ Bộ phận giải quyết:
Bộ phận kế hoạch tài chính của cơ quan bảo hiểm xã hội có thể chi trả thông qua một trong hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Chi trả qua người lao động nếu người lao động có đăng ký thông tin tài khoản với bộ phận này
Trường hợp 2: Chi trả qua người sử dụng lao động nếu người lao động không có đăng ký thông tin tài khoản với bộ phận này. Sau đó người sử dụng lao động phải chuyển khoản vô tài khoản của người lao động.
+ Thời gian giải quyết:
Trường hợp đơn vị Sử dụng lao động đề nghị: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Trường hợp người lao động, thân nhân người lao động nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH: Tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
=> Căn cứ vào quy định tại khoản 2 và 4 – điều 5 của Quyết định 166/2019.
3. Kết Luận
Khi người lao động bị ốm đau thì với việc tham gia bảo hiểm xã hội thì sẽ được chi trả tiền bảo hiểm tùy vào từng trường hợp mà số tiền là khác nhau và cách chi trả cũng khác. Tuy nhiên, người lao động nên cố gắng nghiên cứu các quy định của pháp luật về lao động để thực hiện đúng quy trình.
Trên đây là bài viết điều khoản về thủ tục để nhận chế độ ốm đau trong chuỗi bài viết về hợp đồng lao động của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng. Trong trường hợp quý khách muốn được chúng tôi hỗ trợ, tư vấn, thực hiện về các thủ tục liên quan đến bảo hiểm thì vui lòng liên hệ:
Ms. Minh Hiền
Email: minhhien@luatminhman.vn
SĐT: 0909216116.