Đối với bất kỳ loại hợp đồng nào thì quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia luôn là điều mà các chủ thể rất quan tâm. Đối với những loại hợp đồng phức tạp như xây dựng thì điều này càng quan trọng hơn. Bài viết này sẽ cung cấp những phân tích về điều khoản quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn.

1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
– Thông tư 08/2016/TT-BXD hướng dẫn về hợp đồng tư vấn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
2. Nội dung
2.1. Quyền của nhà thầu tư vấn
Dưới đây là điều khoản mẫu:
Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn
1. Quyền của nhà thầu tư vấn:
a) Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ tư vấn và phương tiện làm việc theo thỏa thuận hợp đồng (nếu có).
b) Được đề xuất thay đổi điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn vì lợi ích của chủ đầu tư hoặc khi phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm tư vấn.
c) Từ chối thực hiện công việc không hợp lý ngoài phạm vi hợp đồng và những yêu cầu trái pháp luật của chủ đầu tư.
d) Được đảm bảo quyền tác giả theo quy định của pháp luật (đối với sản phẩm tư vấn có quyền tác giả).
đ) Được quyền yêu cầu bên giao thầu thanh toán đúng hạn, yêu cầu thanh toán các khoản lãi vay do chậm thanh toán theo quy định.
e) Đối với tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình: Kiến nghị chủ đầu tư tạm dừng thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không bảo đảm an toàn.
Điều khoản trên được tổng hợp dựa hoàn toàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và khoản 1 điều 14 của thông tư 08/2016 về Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu
+ Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin: Đây là quyền cơ bản vì nếu chủ đầu tư không cung cấp thông tin về địa điểm, diện tích cần thi công, các giấy tờ chứng minh chủ đầu tư có quyền thiết kế, thi công tại địa điểm đó thì nhà thầu tư vấn không thể nào thực hiện được nghĩa vụ khảo sát và thiết kế của mình. Đối với các nhà thầu chưa giàu kinh nghiệm thì nên tham khảo ý kiến của các luật sư về xây dựng hoặc nhà thầu có kinh nghiệm lâu năm về sự hợp pháp về các giấy tờ mà bên chủ đầu tư cung cấp.
+ Đề xuất thay đổi dịch vụ tư vấn vì lợi ích của chủ đầu tư: Chủ đầu tư đa số không có hiểu biết chuyên sâu về xây dựng thế nên họ thường đưa ra mong muốn không đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật. Một trường hợp khác, sau khi đã tiến hành đo đạc thực tế và báo cáo tới chủ đầu tư nhưng nếu trong thời hạn tư vấn mà bên nhà thầu phát hiện được thêm chi tiết nào thay đổi thì cần phải báo cho chủ đầu tư. Vì mục đích của nhà thầu ngoài việc kiếm được lợi nhuận từ chủ đầu tư mang lại thì sự hài lòng của chủ đầu tư trong và sau khi sử dụng dịch vụ tư vấn cũng rất quan trọng. Thế nên, các nhà thầu có thể mạnh dạng đề xuất những phương án thay đổi có lợi cho chủ đầu tư, nhưng tuyệt đối không được tự ý thay đổi nếu chưa hỏi ý kiến.
+ Từ chối thực hiện công việc ngoài hợp đồng và vi phạm pháp luật: Ví dụ chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải tư vấn tư vấn thêm về những dự án khác của chủ đầu tư thì nhà thầu có quyền từ chối. Mặc khác, nếu bên nhà thầu biết được mục đích của chủ đầu tư là xây nhà xưởng để chứa ma túy thì bên nhà thầu phải từ chối thi công dù giá cao cỡ nào.
+ Được đảm bảo quyền tác giả: khi thực hiện hoạt động tư vấn thì nhà thầu cần phải sử dụng những sản phẩm trí tuệ của mình như: bản vẽ thiết kế, bảng báo cáo kết quả khảo sát, … để phụ vụ cho công việc tư vấn. Những sản phẩm này có thể đã hoặc chưa được đăng ký quyền tác giả nhưng nhà thầu có quyền yêu cầu bên chủ đầu tư không được sử dụng những tài liệu mà bên nhà thầu cung cấp để sử dụng cho mục đích khác ngoài phạm vi công việc ghi nhận trong hợp đồng như: cung cấp cho một bên nhà thầu khác hay sử dụng để dùng làm bảng thiết kế riêng cho một công ty con khác.
+ Được yêu cầu thanh toán đúng hạn và toàn bộ lãi suất: Điều này là điều quan trọng nhất vì mục đích nhà thầu thực hiện công việc tư vấn cuối cùng cũng chỉ được nhận số tiền dịch vụ từ bên chủ đầu tư, nếu không được thực hiện thì toàn bộ những mục đích khác cũng trở nên vô nghĩa. Thế nên, nhà thầu tư vấn cũng cần cẩn trọng với các chủ đầu tư tuy giàu có về mặc tài chính nhưng sẵn sàng lợi dung những yếu tố khác để không thanh toán cho nhà thầu tư vấn sau khi nhà thầu tư vấn đã thực hiện xong toàn bộ nghĩa vụ của mình, một số chủ đầu tư khác thì lại không có tiềm lực tài chính thực hiện nên nhà thầu phải cân nhắc với những lời hứa hẹn dù đã được pháp luật bảo vệ nhưng việc kiện tụng phải mất chi phí ban đầu, mất thời gian. Tóm lại rằng, bên nhà thầu cần cẩn trọng trong việc thực hiên tư vấn cho một số chủ đầu tư có biểu hiện không tốt,
+ Đối với giám sát thi công thì đối với năng lực và kinh nghiệm của mình, nhà thầu có quyền yêu cầu bên thi công dừng nếu phát hiện có sai xót kỹ thuật, biện pháp thi công không an toàn. Đó cũng là trách nhiệm tối thiểu của bên giám sát để hạn chế ngay lập tức những thiệt hại cho chủ đầu tư cũng như những công nhân tham gia thi công.

2.2. Điều khoản về nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn
Dưới đây là điều khoản mẫu:
Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn
2. Nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn:
a) Hoàn thành công việc đúng tiến độ, chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng.
b) Đối với hợp đồng tư vấn thiết kế: Tham gia nghiệm thu công trình xây dựng cùng chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng, giám sát tác giả, trả lời các nội dung có liên quan đến hồ sơ thiết kế theo yêu cầu của chủ đầu tư.
c) Bảo quản và giao lại cho chủ đầu tư những tài liệu và phương tiện làm việc do chủ đầu tư cung cấp theo hợp đồng sau khi hoàn thành công việc (nếu có).
d) Thông báo ngay bằng văn bản cho chủ đầu tư về những thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện làm việc không đảm bảo chất lượng để hoàn thành công việc.
đ) Giữ bí mật thông tin liên quan đến dịch vụ tư vấn mà hợp đồng và pháp luật có quy định.
e) Thu thập các thông tin cần thiết để phục vụ cho công việc của hợp đồng:
Nhà thầu tư vấn phải thu thập các thông tin liên quan đến các vấn đề có thể ảnh hưởng đến tiến độ, giá hợp đồng hoặc trách nhiệm của bên nhận thầu theo hợp đồng, hoặc các rủi ro có thể phát sinh cho bên nhận thầu trong việc thực hiện công việc tư vấn xây dựng được quy định trong hợp đồng.
Trường hợp lỗi trong việc thu thập thông tin, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác của nhà thầu tư vấn để hoàn thành công việc tư vấn xây dựng theo các điều khoản được quy định trong hợp đồng thì bên nhận thầu phải chịu trách nhiệm.
g) Thực hiện công việc đúng pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho hợp đồng và đảm bảo rằng tư vấn phụ (nếu có), nhân lực của tư vấn và tư vấn phụ sẽ luôn tuân thủ luật pháp.
h) Nộp cho chủ đầu tư các báo cáo và các tài liệu với số lượng và thời gian quy định trong hợp đồng. Nhà thầu tư vấn thông báo đầy đủ và kịp thời tất cả các thông tin liên quan đến công việc tư vấn xây dựng có thể làm chậm trễ hoặc cản trở việc hoàn thành các công việc theo tiến độ và đề xuất giải pháp thực hiện.
i) Nhà thầu tư vấn có trách nhiệm trìnhbày và bảo vệ các quan điểm về các nội dung của công việc tư vấn xây dựng trong các buổi họp trình duyệt của các cấp có thẩm quyền do chủ đầu tư tổ chức.
k) Sản phẩm tư vấn xây dựng phải được thực hiện bởi các chuyên gia có đủ điều kiện năng lực hành nghề theo quy địnhcủa pháp luật. Nhà thầu tư vấn phải sắp xếp, bố trí nhân lực của mình hoặc của nhà thầu phụ có kinh nghiệm và năng lực cần thiết như danh sách đã được chủ đầu tư phê duyệt để thực hiện công việc tư vấn xây dựng.
l) Cử đại diện có đủ thẩm quyền, năng lực để giải quyết các công việc còn vướng mắc tại bất kỳ thời điểm theo yêu cầu của chủ đầu tư cho tới ngày nghiệm thu sản phẩm tư vấn xây dựng đối với tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi; ngày hoàn thành và bàn giao công trình đối với tư vấn thiết kế công trình xây dựng.
m) Cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho các cuộc họp, báo cáo, thẩm định,… với số lượng theo đúng thỏa thuận của hợp đồng tư vấn xây dựng đã ký kết.
n) Tuân thủ các yêu cầu và hướng dẫn của chủ đầu tư, trừ những hướng dẫn hoặc yêu cầu trái với luật pháp hoặc không thể thực hiện được.
q) Tham gia nghiệm thu các giai đoạn, nghiệm thu chạy thử thiết bị, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình và toàn bộ công trình khi có yêu cầu của chủ đầu tư đối với tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình và tư vấn thiết kế xây dựng công trình.
s) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện không đúng nội dung hợp đồng tư vấn xây dựng đã ký kết.
Điều khoản trên được tổng hợp dựa hoàn toàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và khoản 2 điều 14 của thông tư 08/2016 về Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu
Có thể chia thành các nhóm nghĩa vụ sau:
+ Về nghĩa vụ thực hiện công việc tư vấn: Nhà thầu cần phải thực hiện đúng, đầy đủ theo tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư trong hợp đồng. Phải cung cấp những tài liệu, hồ sơ theo yêu cầu của chủ đầu tư để phục vụ cho các cuộc họp, báo cáo, thẩm định, … số lượng theo đúng thỏa thuận của hợp đồng tư vấn xây dựng đã ký kết.
Bên cạnh đó, nhà thầu còn phải tuân theo những yêu cầu và hướng dẫn của chủ đầu tư trừ những yêu cầu trái với quy định của pháp luật. Đây cũng là nghĩa vụ cơ bản vì chủ đầu tư đã bỏ tiền ra cho nhà thầu với mong muốn thực hiện theo yêu cầu của mình trong khuôn khổ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Nhà thầu phải tham gia vào tất cả các công động trong nhiệm vụ của mình, đặc biệt là giai đoạn nghiệm thu. Thậm chí có yêu cầu từ một bên khác yêu cầu nghiệm thu sớm hơn thời hạn thì nếu cảm thấy sản phẩm chưa hoàn thiện thì có thể từ chối nghiệm thu.
Phải bố trí nhân sự phù hợp với trình độ chuyên môn mà công việc đó yêu cầu.
+ Về nghĩa vụ thông tin: Nhà thầu phải cung cấp các thông tin đầy đủ về tính hợp pháp của doanh nghiệp mình, các thông tin chứng minh năng lực tài chính của mình theo yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu cũng cần phải giữ bí mật thông tin của chủ đầu tư. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với chủ đầu tư.
+ Về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại: Nhà thầu cần phải chú ý để không bị rơi vào các trường hợp phải bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng trái với quy định, vi phạm nghĩa vụ thi công hoặc các nghĩa vụ khác. Bồi thường thiệt hại sẽ là thiệt hại thực tế và theo nguyên tắc của bộ luật dân sự là thiệt hại đến đâu sẽ phải bồi thường tới đó.

3. Kết luận
Đối với hợp đồng tư vấn xây thì các bên rất quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của mình. Bên nhận thầu cũng rất quan tâm vấn đề này. Quyền của bên nhà thầu tư vấn sẽ xoay quanh về quyền được nhận thanh toán và thanh toán tiền lãi từ việc chậm thanh toán của nhà thầu, quyền được cung đầy đủ thông tin, quyền được tôn trọng thông qua việc đề xuất ý kiến với chủ đầu tư, được từ chối nếu ngoài nghĩa vụ của hợp đồng hoạt trái với quy định của pháp luật, được từ chối nghiệm thu nếu nhân thấy công trình không đảm bảo. Cũng như sẽ được bảo mật thông tin, bảo vệ những sản phẩm trí tuệ.
Về nghĩa vụ, bên nhận thầu phải thực hiện đúng tiến độ thi công. Tôn trọng ý kiến của chủ đầu tư, tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật chung, không được nghiệm thu nếu chất lượng chưa đảm bảo, bố trí nhân sự phù hợp với công việc. Bên nhà thầu cũng phải cũng cấp đầy đủ thông tin cho chủ đầu tư về tư cách pháp nhân và năng lực tài chính, giữ thông tin bí mật cho chủ đầu tư. Cần tránh vi phạm những nghĩa vụ để không phải bồi thường thiệt hại.
Trên đây là bài viết về quyền và nghĩa vụ của nhà tư vấn trong chuỗi bài viết về hợp đồng tư vấn xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.