Khi tham gia giao kết hợp đồng, đôi khi các bên sẽ có những thay đổi trong hợp đồng nhưng hợp đồng đã được ký và có hiệu lực, nếu lập lại hợp đồng mới thì sẽ rất mất thời gian, trong khi chỉ cần thay đổi một vài điều khoản nhất định. Từ đó, khái niệm phụ lục hợp đồng ra đời để giải quyết vấn đề đó. Bài viết này sẽ tập trung vào việc phụ lục hợp đồng có hiệu lực pháp lý như thế nào và ảnh hưởng đến hợp đồng chính ra sao.
1. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật dân sự 2015
– Luật lao động 2012
– Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động
2. Nội dung
2.1. Khái niệm
Tại điều 403 của bộ luật dân sự 2015 quy định
Điều 403. Phụ lục hợp đồng
- Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
Ví dụ: A ký hợp đồng để mua trọn gói các vật liệu xây dựng của B, A và B ngoài hợp đồng chính có quy định về thời gian, phương thức thanh toán, tên các loại vật liệu cần cho việc xây nhà thì hai bên còn ký thêm một phụ lục hợp đồng quy định chi tiết về tên, chủng loại và số lượng, xuất xứ của các loại vật liệu đó như: cát, xi măng, dàn giáo, gạch …
Vậy, đây cũng là một cách hiểu về phụ lục hợp đồng. Nó sinh ra là để quy định chi tiết hơn những nội dung của hợp đồng.
Một cách hiểu khác thì tại điều 24 của luật lao động như sau:
Điều 24. Phụ lục hợp đồng lao động
- Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
- Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Phụ lục hợp đồng ở đây đóng vai trò là một văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Ví dụ: A ký hợp đồng với B để thuê B làm việc trong vòng 02 năm với mức lương 5 triệu mỗi tháng, 6 tháng tăng lương một lần. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc thấy B làm việc có năng suất nên ngay tháng thứ 3, B đã được A tăng thêm 1 triệu và sẽ áp dụng tiếp tục chế độ 06 tháng tăng lương một lần kể từ thời điểm tăng thêm lương. Thế nên, A và B đã ký với nhau một phụ lục hợp đồng.
2.2. Hiệu lực pháp lý của phụ lục hợp đồng
Tại điều 403 của BLDS quy định
Điều 403. Phụ lục hợp đồng
- Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
- Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Ví dụ: A giao kết hợp đồng mua heo của B. Trong hợp đồng đã thỏa thuận việc vận chuyển do bên mua chịu trách nhiệm. Sau đó, A đề nghị B làm phụ lục hợp đồng quy định bên mua muốn bên bán chịa đôi chi phí vận chuyển do bên A phải đứng ra thuê bên thứ ba vận chuyển.
Trong ví dụ trên, nội dung của điều khoản là trái với quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, chỉ cần hai bên ghi nhận một điều khoản trong hợp đồng đó là: cả A và B đều đồng ý toàn bộ những quy định trong phụ lục hợp đồng sẽ bổ sung và sửa đổi những nội dung tương ứng trong hợp đồng thì điều khoản được quy định trong phụ lục hợp đồng đó sẽ được áp dụng.
Quy định về phụ lục hợp đồng tại bộ luật lao động 2012 chi tiết và khắt khe hơn
Điều 24. Phụ lục hợp đồng lao động
- Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
- Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
Ví dụ: Khi A ký hợp đồng để thuê B với thời hạn 2 năm và mức lương là 5 triệu đồng (điều số 5 của hợp đồng). Sau một thời gian làm việc, A thấy B làm việc năng suất nên đã ký phụ lục hợp đồng tăng lương lên 6 triệu đồng. Như vậy, để điều khoản trong phụ lục có hiệu lực thì trong phụ lục hợp đồng cần có một điều khoản ghi nhận mức lương tăng này và trước khi ghi nhận nội dung thay đổi này, hai bên cần ghi trong phụ lục rõ rằng điều này thay thế điều 5 của hợp đồng.
Từ những quy định trên, có thể thấy rằng: Nếu phụ lục hợp đồng bị vô hiệu thì hợp đồng vẫn có hiệu lực, nhưng nếu phụ hợp đồng bị vô hiệu thì phụ lục hợp đồng cũng không có giá trị pháp lý. Nếu hợp đồng bị vô hiệu từng phần thì phần sửa đổi của phụ lục hợp đồng cũng bị vô hiệu nếu trái với quy định của pháp luật (ví dụ: quy định mức tiền lương cơ bản thấp hơn quy định của pháp luật).
2.3. Số lượng phụ lục hợp đồng
Bộ luật dân sự không quy định về số lượng phụ lục hợp đồng. Tùy vào tính chất của từng loại hợp đồng, sự thay đổi theo thời gian mà các bên sẽ ký số lượng phụ lục khác nhau. Tuy nhiên, tại điều 5 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động quy định như sau:
Điều 5. Sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động
Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động.
Như vậy, đối với trường hợp người lao động muốn sửa đổi thời hạn hợp đồng lao đồng bằng phụ lục thì phải nhớ:
+ Chỉ được sửa đổi một lần.
+ Không làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết: theo điều 22 của Bộ luật lao động, có 3 loại là hợp đồng lao động theo mùa vụ (công việc dưới 12 tháng), Hợp đồng lao động xác định thời hạn (Từ 12 tháng đến 36 tháng), Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Tóm lại, phụ lục hợp đồng được áp dụng rộng rãi trong khi các bên tham gia ký kết hợp đồng. Có hiệu lực pháp lý khi nó bổ sung và sửa đổi một số điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, các bên cần đọc kỹ hướng dẫn của luật để tránh trường hợp phụ lục hợp đồng không có hiệu lực.