PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN VÀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Mục đích cuối cùng mà bên bán trong giao kết hợp đồng mong muốn đó là số tiền nhận được. Với tình hình kinh tế xã hội đang phát triển như hiện nay thì các bên đã có rất nhiều những phương thức được sử dụng để thanh toán trong hợp đồng. Thêm vào đó, bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức tổng quát về các biện pháp bảo đảm trong hợp đồng.

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật dân sự 2015

– Luật thương mại 2005

2. Nội dung

2.1. Các phương thức thanh toán

Dưới đây là điều khoản mẫu về phương thức thanh toán

Điều 8: Phương thức thanh toán

  1. Bên A thanh toán cho bên B bằng hình thức …………….. trong thời gian ……………………………
  2. Bên B thanh toán cho bên A bằng hình thức …………….. trong thời gian ……………………………

Về phương thức thanh toán thì quy định tại điều 433 của Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 433. Giá và phương thức thanh toán

  1. Giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.
  2. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá, phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường, phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.

Như vậy, các bên có thể tự thỏa thuận phương thức thanh toán trong hầu hết các trường hợp trường hợp. Nhưng theo tập quán bình thường thì các bên sẽ dùng tiền mặt để trao đổi, còn đối với những giao dịch có giá trị từ 20 triệu trở lên thì sẽ tiến hành chuyển khoản.

quy định tại Điều 6 của thông tư Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC về hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 6. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

  • Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
    Mặt khác, căn cứ khoản 2, Khoản 3, Điều 15, Mục 1, Chương III Thông tư số 219/2013/TT-BTCngày 31/12/2013 Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng hướng dẫn điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

“2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hoá nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

 

  1. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán (tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế) mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi, uỷ nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán nếu tài khoản này đã được đăng ký giao dịch với cơ quan thuế).­­­­”

 

Dựa vào hai quy định nêu trên thì nếu Doanh nghiệp có mua hàng hóa dịch vụ của một nhà cung cấp trên 20 triệu, hoặc dưới 20triệu nhưng mua nhiều lần trong ngày có tổng trị giá từ 20 triệu trở lên thì doanh nghiệp phải chuyển khoản.

+ Xét về mặt thời gian thì thông thường bên mua sẽ chuyển khoản trong vòng 03 ngày sau khi đã hoàn thành các thủ tục nhận hàng.Còn đối với tiền mặt, thì bên bán thường sẽ nhận số tiền tương ứng với lần giao hàng đó.

Như vậy, phương thức thanh toán có thể bằng nhiều hình thức: tiền mặt, séc, uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi, uỷ nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử). Các bên có thể thỏa thuận về phương thức thanh toán qua hình thức nào, tuy nhiên cần chú ý đến hóa đơn trên 20 triệu hoặc dưới 20triệu nhưng mua nhiều lần trong ngày có tổng trị giá từ 20 triệu trở lên thì doanh nghiệp phải chuyển khoản. Về thời gian thanh toán thì cũng sẽ do các bên tự thỏa thuận, thông lệ thường là giao tiền ứng với số lượng hàng hóa được nhận, hoặc chuyển tiền trong vòng 03 ngày kể từ thời điểm hoàn tất thủ tục giao hàng.

2.2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện hiện hợp đồng   

Mặt dù đã ký kết hợp đồng, tuy nhiên, đối với những loại hợp đồng mà giá trị của nó lên đến hàng chục triệu, hàng trăm triệu thì cần phải có những biện pháp bảo đảm để thực hiện hợp đồng. các biện pháp này nhằm đảm bảo cho các bên tham gia sẽ tin tưởng vào sự thành công của bản hợp đồng mà mình ký, cũng như tránh trường hợp đối tác lật lọng thì bản thân cũng đã được đền bù mất mát một phần nào đó.

Dưới đây là điều khoản mẫu về biện pháp đặt cọc,một trong những biên pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo bộ luật dân sự 2015:

+ Đặt cọc

Điều 9: Đặt cọc

  1. Bên A phải đặt cọc sô tiền 5.000.000 VNĐ (năm triệu Việt Nam đồng) để bên B vận chuyển 200 kg tôm sú tới nhà kho chứa tôm của bên B. Số tiền này sẽ được bên A giao cho bên B ngay sau khi ký kết hợp đồng này.
  2. Trong trường hợp bên A không thực hiện nghĩa vụ nhận tôm hoặc thanh toán, bên A sẽ mất tiền cọc. Trong trường hợp bên B đã nhận tiền cọc nhưng không giao hàng như đã thỏa thuận thì sẽ phải trả lại tiền cọc, cộng với số tiền phạt cọc thêm 10.000.000 VNĐ.

Xét xem điều khoản trên có hợp lý hay không, ta cần xem xét quy định của pháp luật về đặt cọc. Quy định của đặt cọc tại điều 328 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 328. Đặt cọc

  1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
  2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, việc các bên quy định như vậy là trái với quy định của pháp luật về đặt cọc. Điều khoản phải được sửa thành số tiền phạt cọc là 5.000.000 VNĐ thì mới đúng với quy định của pháp luật.

Ngoài đặt cọc thì bộ luật dân sự còn ghi nhận những biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng như sau:

Điều 292. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

  1. Cầm cố tài sản.
  2. Thế chấp tài sản.
  3. Đặt cọc.
  4. Ký cược.
  5. Ký quỹ.
  6. Bảo lưu quyền sở hữu.
  7. Bảo lãnh.
  8. Tín chấp.
  9. Cầm giữ tài sản.

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa thường sử dụng các biên pháp bảo đảm như:

Ví Dụ: Đặt cọc, Bảo lưu quyền sở hữu, Bảo lãnh, Cầm giữ tài sản.

+ Bảo lưu quyền sở hữu

Trong đó, bảo lưu quyền sở hữu được quy định tại điều 331 của bộ luật dân sự 2015

Điều 331. Bảo lưu quyền sở hữu

  1. Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.
  2. Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán.
  3. Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Sự bảo lưu quyền sở hữu này thường sẽ giúp cho bên bán bảo lưu được quyền sở hữu của mình khi bên mua chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình bởi vì theo quy định của điều 332 về quyền đòi lại tài sản của bộ luật dân sự như sau:

Điều 332. Quyền đòi lại tài sản

Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Như vậy, với quyền bảo lưu này, bên bán sẽ yên tâm hơn trong việc bên mua phải thanh toán đầy đủ theo nghĩa vụ của mình.

+ Bảo lãnh

Quy định về bảo lãnh được quy định tại điều 335 của bộ luật dân sự 2015

Điều 335. Bảo lãnh

  1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
  2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Quy định trên quy định rõ ràng, bên bảo lãnh chỉ thực hiện bảo lãnh nếu bên được bảo lãnh không có khả năng để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Bên bảo lãnh thông thường chính là ngân hàng. Vì ngân hàng là một tổ chức có tiềm lực tài chính nên việc thuê ngân hàng là bên bão lãnh là rất hợp lý.

+ Cầm giữ tài sản

Tại điều 346 của bộ luật dân sự 2015 quy định về cầm giữ tài sản

Điều 346. Cầm giữ tài sản

Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Tiến hành cầm giữ tài sản ở đây có thể được áp dụng trong trường hợp hai bên có thỏa thuận.

Ví dụ: Bên A ký hợp đồng mua 200kg tôm sú của bên B, chia thành hai đợt thanh toán là ngày 30/03/2019 và 04/05/2019, trong đó bên B sẽ giao cho bên A tất cả 200kg tôm sú đó trong ngày 04/05/2019, sau khi bên A hoàn thành đợt thanh toán cuối cùng. Nếu như bên A không thanh toán đủ số tiền thì bên B có quyền cầm giữ lượng tôm sú đó.

Như vậy, khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên cần phải chú ý về hình thức thanh toán, thường thì sẽ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Để các bên có thể đảm bảo việc thực hiện hợp đồng thì các bên cần phải thỏa thuận về các biện pháp thực hiện hợp đồng. Các biện pháp thường được sử dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa là: Đặt cọc, Bảo lưu quyền sở hữu, Bảo lãnh, Cầm giữ tài sản. Các phương pháp này nếu đơn giản có thể ghi nhận thành điều khoản trong hợp đồng, nếu không thì phải lập thành một văn bản riêng.

Bài viết phân tích chi tiết về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa sẽ được viết sau  bài viết này.

Trên đây là bài viết về điều khoản phương thức thanh toán và các biên pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng của hợp đồng dùng để sử dụng trong hợp đồng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn và thực hiện tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN VÀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG