QUY ĐỊNH VỀ ĐẶT CỌC KHI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG

Khi tham gia giao kết hợp đồng thì các bên ban đầu đều mong muốn hướng đến những lợi ích cuối cùng cho cả hai bên. Tuy nhiên, các bên cũng cần phải có sự thỏa thuận về phương án để đảm bảo giao kết được thành công. Đặc biệt là những giao dịch có số lượng lớn và cần chia thành nhiều đợt để thanh toán. Vì thế, bài viết này sẽ tập trung vào việc pháp luật quy định như thế nào về việc đặt cọc.

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ Luật Dân sự 2015

– Pháp lệnh ngoại hối 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2013

2. Nội dung

2.1. Bản chất của đặt cọc

Điều 292 của BLDS quy định cụ thể như sau:

Điều 292. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

  1. Cầm cố tài sản.
  2. Thế chấp tài sản.
  3. Đặt cọc.
  4. Ký cược.
  5. Ký quỹ.
  6. Bảo lưu quyền sở hữu.
  7. Bảo lãnh.
  8. Tín chấp.
  9. Cầm giữ tài sản.

Từ quy định đó, có thể thấy bản chất của đặt cọc là để đảm bảo các bên tham gia ký kết hợp đồng sẽ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với nhau.

Ví dụ: A làm văn bản đặt cọc 100 triệu đồng để mua mảnh đất của B với giá 1 tỷ đồng, dự kiến sẽ tăng giá một thời gian sau. Trường hợp này, văn bản ghi nhận đặt cọc được lập riêng. A ký văn bản đặt cọc để được đặt chỗ cho việc mua mãnh đất của B, để đảm bảo A sẽ không bán cho người khác, B nhận cọc của A để đảm bảo có người đã đặt chỗ để mua mảnh đất đó.

Đặt cọc có thể là một điều khoản trong hợp đồng hoặc được lập thành một văn bản riêng.

 

2.2. Loại tài sản nào được đặt cọc

Tại khoản 1 – Điều 328 của BLDS quy định như sau:

Điều 328. Đặt cọc

  1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Như vậy tiền, kim cương, đá quý, vàng đều có thể được dùng để đặt cọc nhưng quyền tài sản, bất động sản thì không được phép như trong các biện pháp bảo đảm khác.

Và các tài sản phải thuộc sở hữu của bên đặt cọc hoặc của người khác với điều kiện người đó cho phép sử dụng để đặt cọc. Các tài sản này cũng không bị cấm trong lưu thông hoặc hạn chế lưu thông.

Ngoài ra, các bên không được dùng tiền là ngoại tệ để đặt cọc vì theo quy định tại Điều 22 của pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi bổ sung năm 2013

“Điều 22. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối

Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

2.3. Hậu quả pháp lý của việc không thực hiện tiếp hợp đồng sau khi đã đặt cọc

Tại khoản 2 – điều 328 BLDS quy định:

Điều 328. Đặt cọc

  1. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ví dụ: A ký hợp đồng mua 10 máy Scan trị giá 1,5 triệu của công ty B để phục vụ cho công việc ở văn phòng mới. Và A đã đặt cọc trước 3 triệu. Do hồ sơ của A thuộc trường hợp không được tiến hành hoạt động ở khu vực thành phố nên A đã chuyển hồ sơ về tỉnh lẻ. Trong trường hợp này A sẽ phải mất toàn bộ tiền cọc nêu trên nếu không thực hiện tiếp hợp đồng.

Mặt khác, về phía trường hợp người nhận đặt cọc không thực hiện tiếp hợp đồng.

Ví dụ: A ký hợp đồng mua đất của B trị giá 1 tỷ đồng với số vàng dùng để đặt cọc là 30 chỉ vàng.

Trường hợp 1: B có thể trả lại cho A 30 chỉ vàng sau khi A thanh toán 1 tỷ đồng. Cũng có thể quy đổi giá trị và khấu trừ vào 1 tỷ đồng đó

Trường hợp 2: Vì B thấy C trả giá cao hơn nên đã thông báo với A là sẽ không bán cho A nữa. Vì thế, B phải đưa thêm 30 chỉ vàng nữa nên tổng giá mà B phải đưa lại cho A là 60 chỉ vàng, B cũng có thể quy đổi thành tiền để trả cho A.

Tóm lại, đặt cọc có thể được xem là một hợp đồng vì là sự thỏa thuận của hai bên, hợp đồng đặt cọc cũng không bắt buộc phải được lập bằng văn bản nhưng để tránh tranh cải các bên cần lập hợp đồng đặt cọc. Nếu bên đưa cọc không thực hiện hợp đồng thì sẽ bị mất cọc, bên nhận cọc không thực hiện hợp đồng thì sẽ phải trả lại bên đưa cọc số tiền đặt cọc, cũng như thêm một số tiền tương đương.

Cảm ơn quý đọc giả đã đón đọc. Công ty Luật Minh Mẫn của chúng tôi hi vọng với những kiến thức này thì sẽ mang lại cho quý đọc giả những lợi ích pháp lý nhất định.

 

 

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH VỀ ĐẶT CỌC KHI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG