Có những điều khoản mà các bên ít khi chú ý đến để mà ghi nhận trong hợp đồng. Đó chính là trường hợp bất khả kháng và hiệu lực của hợp đồng. Bài viết này sẽ cung cấp cho quý khách những quy định về trường hợp sự kiện bất khả kháng và hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa.
1. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật dân sự 2015
– Luật thương mại 2005
2. Nội dung
2.1. Trường hợp sự kiện bất khả kháng
Dưới đây là điều khoản mẫu về trường hợp sự kiến bất khả kháng
Điều 13: Trường hợp sự kiện bất khả kháng
- Bên bán sẽ không chịu trách nhiệm về việc chậm trễ giao hàng hay không thực hiện các nghĩa vụ trong Hợp đồng này hay cho các tổn thất trực tiếp hoặc gián tiếp do các sự kiện bất khả kháng gây ra ngoài tầm kiểm soát của bên bán; bao gồm thiên tai, trộm cắp, bạo loạn, chiến tranh, khủng bố, cấm vận, đình công, trì hoãn từ nhà sản xuất, hạn chế nhập khẩu hoặc xuất khẩu, trưng thu, các chính sách nhà nước hoặc chính quyền.
- Bên bán sẽ giao hàng hóa; và Khách hàng đồng ý chấp nhận hàng hóa khi các sự kiện bất khả kháng kết thúc. Trong thời gian các sự kiện bất khả kháng xảy ra, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng này sẽ được bảo lưu và sẽ được tái lập ngay sau khi sự kiện bất khả kháng kết thúc.
Tại điều 156 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về khái niệm sự kiến bất khả kháng như sau:
Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
Điều khoản trên đã ghi nhận một cách rất đầy đủ về một điều khoản ghi nhận sự kiện bất khả kháng. Bao gồm cả sự kiện do thiên nhiên tạo ra lẫn cho con người làm nên. Chi tiết về sự kiện bất khả kháng đã được chúng tôi phân tích rất kỹ qua bài viết sau:
https://luatsuhopdong.com/su-kien-bat-kha-khang.html
2.2. Hiệu lực hợp đồng
Dưới đây là điều khoản mẫu về hiệu lực của hợp đồng
Điều 13: Hiệu lực của hợp đồng
- Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày … đến khi các bên hoàn tất tất cả các nghĩa vụ của mình trừ điều khoản về bảo hành hàng hóa.
- Hai bên sẽ tổ chức họp và lập biên bản thanh lý hợp đồng này sau khi hết hiệu lực không quá 10 ngày. Bên ……….. có trách nhiệm tổ chức và chuẩn bị thời gian địa điểm thanh lý.
- Hợp đồng này được làm thành …………… bản, có giá trị như nhau. Mỗi bên giữ ……… bản.
Không những hợp đồng mua bán hàng hóa mà bất cứ hợp đồng nào thì các bên cũng cần phải lưu tâm về tính hiệu lực của hợp đồng.
Hiệu lực của hợp đồng quy định tại điều 401 của bộ luật dân sự 2015
Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng
- Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
- Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa là do các bên sẽ tự thỏa thuận với nhau, các bên thường sẽ ghi nhận thời gian có hiệu lực của nó là sau khi giao kết. Đối với những trường hợp mà các bên có sử dụng biên pháp bảo đảm để thực hiện hợp đồng thì hai bên có thể thỏa thuận hợp đồng có hiệu lực kể từ khi cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi nhận sự đăng ký vào sổ đăng ký. Điều quan trọng là các bên cần phải lưu ý sau khi hợp đồng có hiệu lực thì các bên cần phải tuân thủ những gì đã cam kết, tranh thủ thực hiện hợp những nghĩa vụ của mình để được hưởng quyền như đã cam kết. Khi có một trong hai bên có nguyện vọng muốn ký bổ sung phụ lục hay sửa đổi, hủy bỏ nó thì các bên có thể thỏa thuận về việc có nên thay đổi nó hay không.
Tuy nhiên, ở quy định ở điều khoản mẫu là: “1. Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày … đến khi các bên hoàn tất tất cả các nghĩa vụ của mình trừ điều khoản về bảo hành hàng hóa”.
Điều này có nghĩa là ngoài quy định về thời điểm có hiệu lực có hợp đồng thì các bên còn phải quy định về thời điểm hết hiệu lực của hợp đồng. Thông thường trong giao lưu hàng hóa, các bên thường sẽ có điều khoản về bảo hành, điều này sẽ giúp bên mua an toàn hơn về chất lượng bảo hành và cam kết của bên bán. Cũng như bên bán cảm thấy cần có trách nhiệm đảm bảo về chất lượng hàng hóa cho bên mua nếu như không muốn mất uy tín và thời gian bảo hành.
+ Về việc tổ chức thanh lý hợp đồng thì các bên có thể thỏa thuận hoặc là không. Thường thì với các hợp đồng có giá trị lớn hàng trăm triệu thì các bên ghi nhận điều khoản này ngoài việc để thanh lý hợp đồng thì còn mục đích tạo điều kiện cho các bên có thể gặp mặt để an mừng cho việc các bên đã đạt được tất cả các nguyện vọng của mình khi tham gia ký kết hợp đồng này.
+ Về việc các bên phải lập thành bao nhiêu bản thì do các bên thỏa thuận nhưng thông thường sẽ được lập thành 02 bản để mỗi bên giữ một bản là căn cứ để các bên ghi nhớ nghĩa vụ phải thực hiện hợp đồng của mình.
Ngoài ra, khi giao kết hợp đồng, cho dù các bên đã nghiên cứu luật để áp dụng nhưng cũng không thể ghi nhận được hết tất cả các điều khoản. Thế nên, cách tốt nhất đó là các bên nên ghi nhận thêm một điều khoản như sau:
Điều 12: Các thỏa thuận khác (nếu cần)
Các điều kiện và điều khoản khác không ghi trong này sẽ được các bên thực hiện theo quy định hiện hành của các văn bản pháp luật về hợp đồng kinh tế. Căn cứ chính sẽ dựa vào quy định tại luật thương mại 2005.
Tức là các điều khoản về chuyển giao rủi ro khi giao nhận hàng thì có thể căn cứ vào luật thương mại. Để có thể ra được một văn bản luật chuyên ngành như vậy thì Quốc Hội đã phải sử dụng rất nhiều nguồn tài nguyên về trí tuệ con người cũng như tiền bạc, thời gian để cho ra đời nó. Cho nên, nhà làm luật cũng đã cố gắng hết sức để cân bằng lợi ích cho các bên thông qua quy định các điều luật. Việc áp dụng pháp luật là rất cần thiết, nên các bên có thể ghi nhận điều khoản trên trong hợp đồng.
3. Kết Luận
Khi tham gia giao kết hợp đồng các bên cần lưu ý tất cả các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng vì nó sẽ có một giá trị nhất định. Việc các bên quy định về sự kiện bất khả kháng sẽ giúp cho các bên có đường hướng để giải quyết khi các sự kiện này diễn ra trên thực tế. Đặc biệt, nó còn càng cần thiết đối với các bên tham gia ở miền trung Việt Nam hoặc lưu vực Đồng Bằng sông Cửu Long. Đối với trường hợp các hợp đồng mua bán quốc tế thì các đối tác đến từ Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a rất hay xảy ra động đất, núi lửa nên nếu không ghi nhận điều khoản này các bên rất dễ dẫn đến bế tắc khi gặp các trường hợp bất khả kháng ở trên.
Một vấn đề nữa cần phải lưu tâm đó là hiệu lực của hợp đồng. Hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa thường được xác lập sau khi ký kết hợp đồng, ngoài ra các bên còn cần phải ghi nhận về ngày hết hiệu lực của hợp đồng, thường thì sẽ sau khi các bên hoàn tất toàn bộ những nghĩa vụ của mình với bên còn lại. Sau khi phải ghi nhận về việc mỗi bên giữ một bản. Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian cũng như khó dự liệu được hết các điều khoản thì các bên cần ghi nhận điều khoản các thỏa thuận khác về việc “Các điều kiện và điều khoản khác không ghi trong này sẽ được các bên thực hiện theo quy định hiện hành của các văn bản pháp luật về hợp đồng kinh tế. Căn cứ chính sẽ dựa vào quy định tại luật thương mại 2005”.
Trên đây là bài viết về điều khoản về sự kiện bất khả kháng và hiệu lực của hợp đồng dùng để sử dụng trong hợp đồng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn và thực hiện tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.