Theo thỏa thuận trong hợp đồng, các bên phải thực hiện, tuân thủ đúng và đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết. Nếu không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì bên vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường, phạt vi phạm và các nghĩa vụ khác được nêu trong hợp đồng.
Tuy nhiên pháp luật cho phép miễn trừ trách nhiệm dân sự và một số trách nhiệm khác đối với bên vi phạm khi có Sự kiện bất khả kháng.

Sự kiện bất khả kháng là gì?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 156, Bộ luật dân sự 2015 “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Căn cứ theo quy định trên, Sự kiện bất khả kháng cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Sự kiện xảy ra một cách khách quan: sự kiện nằm ngoài hành vi kiểm soát của các bên. Sự kiện này có thể là sự kiện tự nhiên như bão, lũ lụt, động đất, dịch bệnh nhưng cũng thể là do con người gây ra như chiến tranh, đình công, hỏa hoạn…
+ Sự kiện xảy ra không thể lường trước được: sự kiện nằm ngoài dự đoán của các bên. Tại thời điểm ký kết hoặc trong quá trình thực hiện Hợp đồng các bên không thể lường trước được sự kiện này sẽ xảy ra.
+ Đã dùng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng vẫn không thể khắc phục được.
Cần làm gì khi Sự kiện bất khả kháng xảy ra:
+ Thông báo Sự kiện bất khả kháng đến bên bị vi phạm hoặc có khả năng bị vi phạm biết về sự kiện.
+ Nổ lực, dùng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để khắc phục.
+ Trường hợp đã dùng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để khắc phục hoặc để hạn chế nhưng vẫn không được, bên vi phạm thông báo đến bên bị vi phạm.
Lợi gì khi quy định điều khoản Bất khả kháng trong Hợp đồng?
+ Miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định Bộ luật dân sự 2015.
+ Kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ Hợp đồng: nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả. (Luật thương mại 2005).
+ Miễn trách nhiệm: phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại (Luật thương mại 2005).
Dựa trên những lợi ích trên và hạn chế rủi ro, thiệt hại không đáng có các bên nên quy định điều khoản Bất khả kháng trong hợp đồng.
Huỳnh Điều