Trong giao lưu dân sự bình thường, hợp đồng vay tài sản là khá thông dụng, trong đó có hợp đồng vay tiền. Bên vay vay nhằm giải quyết những nhu cầu đời sống cấp bách của bản thân. Bên cho vay thì muốn có một ít lãi suất từ số tiền nhàn rỗi của mình. Từ đó, hai bên tiến hành xác lập hợp đồng mua bán tài sản. Bài viết này sẽ tập trung vào việc cung cấp những kiến thức liên quan đến hợp đồng vay tài sản. Chúng tôi còn đính kèm mẫu hợp đồng vay tiền ở cuối bài viết.
1. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật dân sự 2015
2. Nội dung
2.1. Các điều khoản thường có trong hợp đồng vay tài sản
Trong cuộc sống đôi khi gặp khó khăn hoặc cần thêm tiền để làm ăn, chúng ta cần phải đi vay tiền. Đa số các cuộc giao dịch bình thường về vay tài sản chính là vay tiền, thậm chí các bên còn không lập hợp đồng vay mà chỉ giao kết bằng lời nói. Thế nên, việc bị bên vay không trả tiền là chuyện thường ngày trong giao dịch này. Chúng tôi khuyến cáo với những hợp đồng vay từ 10 triệu trở lên, các bên nên lập hợp đồng cho dù đó là số tiền cho người thân vay. Để tránh mất tiền lẫn mất luôn mối quan hệ với người thân.
Hợp đồng vay tài sản do bộ luật dân sự 2015 điều chỉnh, cụ thể điều 463 quy định như sau:
Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Đối với hợp đồng vay tiền thì cũng có những điều khoản cơ bản như những loại hợp đồng khác như: chủ thể vay, đối tượng của Hợp đồng, thời hạn và phương thức vay, nghĩa vụ của hai bên, biện pháp bảo đảm hợp đồng, những cam kết chung, hiệu lực của hợp đồng.
Thì còn xuất hiện những điều khoản riêng biệt khác như: Lãi suất, sử dụng tiền vay, biện pháp bảo đảm hợp đồng, trách nhiệm chi trả những phí tổn có liên quan đến hợp đồng.
Trong đó lãi suất sẽ bao gồm cả lãi suất thỏa thuận ban đầu và lãi suất chậm trả. Còn về điều khoản sử dụng tiền vay, tức là bên vay phải nêu rõ mục đích để vay tiền là để làm gì.
2.2. Giới thiệu một số điều khoản riêng biệt trong hợp đồng vay tiền
+ Điều khoản sử dụng tài sản vay:
Theo quy định của pháp luật tại điều 467 về sử dụng tài sản vay như sau:
Điều 467. Sử dụng tài sản vay
Các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
Điều này quy định là rất hợp lý. Vì bộ luật dân sự quy định về lãi suất khá thấp, với số tiền dành dụm của mình thì bên cho vay có thể tiến hành đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đem về nhiều lợi nhuận hơn so với việc đầu tư cho bên vay vay tiền. Đa phần họ cho vay là vì muốn giúp đỡ bên vay làm ăn hoặc vượt qua một giai đoạn khó khăn nào đó. Suy ra, yêu cầu được kiểm soát mục đích sử dụng tiền của bên cho vay là hoàn toàn hợp lý.
Dưới đây là điều khoản mẫu trong hợp đồng vay tiền
Điều 6: Sử dụng tiền vay
Bên B vay bên A nhằm mục đích đầu tư kinh doanh quán bánh canh giò heo; bên A có quyền kiểm tra việc sử dụng tiền vay và có quyền đòi lại tiền vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên B vẫn sử dụng tiền vay trái mục đích.
+ Điều khoản lãi suất:
Dưới đây là điều khoản mẫu về lãi suất
Điều 3: Lãi suất
3.1 Bên B đồng ý vay số tiền trên với lãi suất 2 % một tháng tính từ ngày nhận tiền vay.
3.2 Tiền lãi được trả hàng tháng đúng vào ngày thứ 30 tính từ ngày vay, lãi trả chậm bị phạt 2 % tháng.
3.3 Trước khi hợp đồng này đáo hạn 03 ngày; nếu bên B muốn tiếp tục gia hạn phải được Sự thỏa thuận trước tại nhà của A
3.4 Trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực không thay đổi mức lãi suất cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng này.
3.5 Khi nợ đáo hạn, bên B không trả đủ vốn và lãi cho bên A, tổng số vốn và lãi còn thiếu sẽ chuyển sang nợ quá hạn, và chịu lãi suất tính theo nợ quá hạn là 5% một tháng.
3.6 Thời hạn thanh toán nợ quá không quá 03 ngày nếu không có sự thỏa thuận nào khác của hai bên.
Điều khoản ở trên đã nêu lên lãi suất thỏa thuận, lãi suất chậm trả, lãi suất nợ quá hạn, thời gian trả nợ. Về lãi suất thì chúng ta sẽ căn cứ quy định của pháp luật để biết được rằng hai bên thỏa thuận có đúng với quy định hay không:
Điều 468. Lãi suất
- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Tính ra, lãi suất mà hai bên thỏa thuận là vượt quá quy định của pháp luật 24%/năm so với 20%/năm nên số tiền vay sẽ được tính là 1,6%/tháng.
Các phân tích liên quan đến các lãi suất chậm trả và phương thức trả tiền sẽ có trong những bài viết sau.
3. Kết Luận
Như vậy, khi tham gia ký kết hợp đồng vay tiền thì các bên nên lập thành văn bản để cảm thấy có trách nhiệm với những gì mình đã cam kết trong hợp đồng, có một căn cứ để nếu một trong các bên lật lọng thì vẫn có bằng chứng để khởi kiện ra tòa án đòi lại tiền.
Hợp đồng vay tiền ngoài những điều khoản chung cho các loại hợp đồng như: chủ thể vay, đối tượng của Hợp đồng, thời hạn và phương thức vay, nghĩa vụ của hai bên, biện pháp bảo đảm hợp đồng, những cam kết chung, hiệu lực của hợp đồng. Thì còn xuất hiện những điều khoản riêng biệt khác như: Lãi suất, sử dụng tiền vay, biện pháp bảo đảm hợp đồng, trách nhiệm chi trả những phí tổn có liên quan đến hợp đồng. Các bên cần nghiên cứu các quy định của bộ luật dân sự trước khi xác lập giao kết này.
Trên đây là bài viết về tổng quan của hợp đồng vay tiền dùng để sử dụng trong hợp đồng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn và thực hiện tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.
Mẫu hợp đồng vay tài sản: