TỔNG QUAN VỀ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Xây dựng là một trong những lĩnh vực rất quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế của nước nhà. Nó là một trong những thước đo để cho thấy trình độ phát triển trí tuệ của con người. Trong thời buổi nền kinh tế thị trường đang phát triển, Việt Nam không những là thành viên của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), ASIA (Hiệp hội các quốc gia châu á), mà còn là thành viên của hàng loạt các FTA (Hiệp định tự do thương mại song phương được ký kết giữa hai bên) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Tuy nhiên, trừ những hợp đồng xây dựng quá lớn, những loại hợp đồng xây dựng có giá trị dưới 1 tỷ đồng thường ít được các bên chú ý về các điều khoản pháp lý. Vì thế, các bên soạn thảo hợp đồng sơ sài, không thuê luật sư tư vấn hoặc tham khảo từ những nguồn tài liệu khác. Bài viết này sẽ giới thiệu một cách tổng quát về các loại hợp đồng trong xây dựng.

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật dân sự 2015

– Luật xây dựng 2014

– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng

– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

– Thông tư 07/2016/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

– Thông tư 08/2016/TT-BXD hướng dẫn về hợp đồng tư vấn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

– Thông tư 30/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình xây dựng

– Công văn 10254/BTC-ĐT năm 2015 hướng dẫn mức tạm ứng đối với công việc của dự án được thực hiện theo hợp …

 

2. Nội dung

2.1. Những loại hợp đồng xây dựng

Dựa vào quy định tại điều 3 của Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng thì hợp đồng xây dựng có những loại như sau:

  1. Hợp đồng tư vấn xây dựng (viết tắt là hợp đồng tư vấn) là hợp đồng để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc tư vấn trong hoạt động đầu tư xây dựng;
  2. Hợp đồng thi công xây dựng công trình (viết tắt là hợp đồng thi công xây dựng) là hợp đồng để thực hiện việc thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình hoặc phần việc xây dựng theo thiết kế xây dựng công trình; hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng công trình là hợp đồng thi công xây dựng để thực hiện tất cả các công trình của một dự án đầu tư;
  3. Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ (viết tắt là hợp đồng cung cấp thiết bị) là hợp đồng thực hiện việc cung cấp thiết bị để lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ; hợp đồng tổng thầu cung cấp thiết bị công nghệ là hợp đồng cung cấp thiết bị cho tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
  4. Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Engineering – Construction viết tắt là EC) là hợp đồng để thực hiện việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình là hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
  5. Hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ (tiếng Anh là Engineering – Procurement viết tắt là EP) là hợp đồng để thực hiện việc thiết kế và cung cấp thiết bị để lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ; hợp đồng tổng thầu thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ là hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ cho tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
  6. Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Procurement – Construction viết tắt là PC) là hợp đồng để thực hiện việc cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình là hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
  7. Hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Engineering – Procurement – Construction viết tắt là EPC) là hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
  8. Hợp đồng chìa khóa trao tay là hợp đồng xây dựng để thực hiện toàn bộ các công việc lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
  9. Hợp đồng cung cấp nhân lực, máy và thiết bị thi công là hợp đồng xây dựng để cung cấp kỹ sư, công nhân (gọi chung là nhân lực), máy, thiết bị thi công và các phương tiện cần thiết khác để phục vụ cho việc thi công công trình, hạng mục công trình, gói thầu hoặc công việc xây dựng theo thiết kế xây dựng;

Nhìn vào 09 loại hợp đồng được liệt kê ở trên, chúng ta có thể tóm gọn lại về lĩnh vực hợp đồng xây dựng sẽ có những công việc lớn như sau: Lập dự án, tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình. Việc chính phủ chỉ cho ra các loại thông tư như: hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng thi công xây dựng công trình, hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình so với 09 loại hợp đồng ở trên là điều dễ hiểu vì các bên nếu muốn chọn một trong 09 loại hợp đồng nói trên thì các bên có thể tìm kiếm thông tư hướng dẫn tương ứng của loại hợp đồng đó để đưa vào nội dung của hợp đồng. Ngoài ra còn có bộ sách viết về hợp đồng là FIDIC do Liên đoàn quốc tế về kỹ sư tư vấn, thường được gọi là FIDIC, được thành lập vào 1913, tại Bỉ soạn thảo. Vì thế, chúng tôi sẽ tiến hành cho ra đời những bài viết bình luận về 03 loại hợp đồng được điều chỉnh bởi những thông tư trên.

 

 

2.2. Giới thiệu những chủ thể tham gia vào hợp đồng xây dựng

Các bên tham gia vào ký kết hợp đồng xây dựng như: chủ đầu tư, nhà thầu (chính, phụ, nước ngoài), giám sát.

+ Chủ đầu tư:
Chủ đầu tư xây dựng công trình là người (hoặc tổ chức) sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình. Chủ đầu tư là người phải chịu trách nhiệm toàn diện trước người quyết định đầu tư và pháp luật về các mặt chất lượng, tiến độ, chi phí vốn đầu tư và các quy định khác của pháp luật. Chủ đầu tư được quyền dừng thi công xây dựng công trình và yêu cầu khắc phục hậu quả khi nhà thầu thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn và vệ sinh môi trường.

+ Nhà thầu xây dựng:

Là tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng khi tham gia quan hệ hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Có các loại nhà thầu xây dựng như:

  • Nhà thầu chính: trong hoạt động xây dựng là nhà thầu ký kết hợp đồng nhận thầu trực tiếp với chủ đầu tư xây dựng công trình để thực hiện phần việc chính của một loại công việc của dự án đầu tư xây dựng công trình.
  • Nhà thầu phụ: trong hoạt động xây dựng là nhà thầu ký kết hợp đồng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu xây dựng để thực hiện một phần công việc của nhà thầu chính hoặc tổng thầu xây dựng.

Hiện nay có xuất hiện cả tổng thầu xây dựng thường được nhắc tới trong những loại hợp đồng có giá trị lớn, đòi hỏi nhiều vốn và diện tích, cơ sở vật chất để thực hiện.

Tổng thầu xây dựng là đơn vị, tổ chức ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư xây dựng công trình để nhận thầu toàn bộ một loại công việc hoặc toàn bộ công việc của dự án đầu tư xây dựng công trình sau khi đã dành được gói thầu.

Tổng thầu xây dựng có trách nhiệm với các phương tiện và biện pháp thi công được sử dụng, thực hiện trong quá trình thi công xây dựng công trình, có trách nhiệm cung cấp toàn bộ vật liệu, nhân công và mọi dịch vụ cần thiết. Để làm được việc này trong những hợp đồng có giá trị lớn, thông thường các tổng thầu sẽ ký tiếp hợp đồng nữa với các “nhà thầu phụ” để thực hiện công việc thi công chuyên ngành: thiết kế, thi công, cung cấp thiết bị công nghệ.

Tổng thầu xây dựng bao gồm các hình thức chủ yếu sau:

  • Tổng thầu thiết kế
  • Tổng thầu thi công xây dựng công trình
  • Tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình
  • Tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình
  • Tổng thầu lập dự án đầu tư xây dựng công trình và thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình.

Nhà thầu nước ngoài là nhà thầu thuộc các trường hợp trên nhưng chủ thể có quốc tịch nước ngoài.

+ Giám sát:

Giám sát xây dựng là chỉ các công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và đánh giá công việc những người tham gia công trình. Nó lấy hoạt động của hạng mục công trình xây dựng làm đối tượng; lấy pháp luật, quy định, chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan, văn bản hợp đồng công trình làm chỗ dựa, lấy quy phạm thực hiện công việc, lấy nâng cao hiệu quả xây dựng làm mục đích. Trong mọi hoạt động xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình đều cần có sự giám sát.

Giám sát thi công xây dựng công trình là một trong hoạt động giám sát xây dựng để theo dõi, kiểm tra về chất lượng, khối lượng, tiến độ xây dựng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình theo đúng hợp đồng kinh tế, thiết kế được duyệt và các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, các điều kiện kỹ thuật của công trình. Giám sát thi công xây dựng giúp phòng ngừa các sai sót dẫn đến hư hỏng hay sự cố. Giám sát thi công xây dựng công trình có nhiệm vụ theo dõi – kiểm tra – xử lý – nghiệm thu – báo cáo các công việc liên quan tại công trường.

3. Kết Luận

Hợp đồng xây dựng có 09 loại hợp đồng được liệt kê ở trên, chúng ta có thể tóm gọn lại về lĩnh vực hợp đồng xây dựng sẽ có những công việc lớn như sau: Lập dự án, tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, giám sát xây dựng. Có 03 loại thông tư để hướng dẫn về hợp đồng xây dựng bên cạnh Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng như: hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng thi công xây dựng công trình, hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình. Ngoài ra còn có bộ sách viết về hợp đồng là FIDIC do Liên đoàn quốc tế về kỹ sư tư vấn, thường được gọi là FIDIC, được thành lập vào 1913, tại Bỉ soạn thảo.

Các bên tham gia vào ký kết hợp đồng xây dựng như: chủ đầu tư, nhà thầu (chính, phụ, nước ngoài), giám sát.

Chủ đầu tư xây dựng công trình là người (hoặc tổ chức) sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình. Chủ đầu tư là người phải chịu trách nhiệm toàn diện trước người quyết định đầu tư và pháp luật về các mặt chất lượng, tiến độ, chi phí vốn đầu tư và các quy định khác của pháp luật

Nhà thầu là tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng khi tham gia quan hệ hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Có các loại nhà thầu xây dựng như: Nhà thầu chính, nhà thầu phụ, tổng thầu xây dựng.

Giám sát xây dựng là chỉ các công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và đánh giá công việc những người tham gia công trình. Nó lấy hoạt động của hạng mục công trình xây dựng làm đối tượng; lấy pháp luật, quy định, chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan, văn bản hợp đồng công trình làm chỗ dựa, lấy quy phạm thực hiện công việc, lấy nâng cao hiệu quả xây dựng làm mục đích.

Trên đây là bài viết tổng quan về hợp đồng xây dựng trong chuỗi bài viết về các loại hợp đồng xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn và thực hiện tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TỔNG QUAN VỀ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG