CƠ CHẾ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG HỢP ĐỒNG

Trong giao lưu dân sự, sẽ có trường hợp một bên hoặc các bên có sự vi phạm. Từ đó, phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Bài viết này sẽ tập trung vào việc, những hậu quả sẽ xảy ra và mức bồi thường thiệt hại khi có bên bị vi phạm hợp đồng.

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật dân sự 2015

– Luật thương mại 2005

2. Nội dung

2.1. Khái niệm về bồi thường thiệt hại

Tại điều 13 của BLDS có quy định về khái niệm bồi thường thiệt hại

Điều 13. Bồi thường thiệt hại

Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Dĩ nhiên, đây là khái niêm chung cho tất cả các đối tượng điều chỉnh của BLDS nhưng nó cho ta một cái nhìn khái quát nhất của tất cả các trường hợp bồi thường đó là bù đắp những thiệt hại xảy ra và thể hiện ý chí rằng, thiệt hại đến đâu thì bồi thường đến đó.

Trong mối quan hệ hợp đồng thì các loại hợp đồng đều có quy định về việc bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: tại Điều 516. Quyền của bên sử dụng dịch vụ như sau:

Điều 516. Quyền của bên sử dụng dịch vụ

 

  1. Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.

 

  1. Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

2.2. Bồi thường thiệt hại hợp đồng trong luật thương mại

Trong các loại hợp đồng thì hợp đồng thương mại với sự điều chỉnh của luật thương mại quy định cụ thể nhất về bồi thường thiệt hại

Điều 302. Bồi thường thiệt hại

  1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
  2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm

Từ khái niệm trên cho thấy, khi một bên vi phạm thì giá trị bồi thường thiệt hại dành cho bên bị thiệt hại  được chia làm hai phần: Thiệt hại thực tế xảy ra và khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm

Thực tế, rất khó để chứng minh khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng. Bởi lẽ nó đôi khi mang tính chất phỏng đoán. Ví dụ: A mua 100 con gà của B nhưng bị bệnh và chết chỉ sau 1 ngày. Lúc này thiệt hại lẽ ra được hưởng rất khó xác định. Vì A mua là để phục vụ cho đám giỗ của gia đình.

2.3. Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại xảy ra

Đối với phần thiệt hại thực tế xảy ra thì căn cứ dựa vào điều 303.

Điều 303 quy định cụ thể như sau:

Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

  1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
  2. Có thiệt hại thực tế;
  3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Như vậy, căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường không xét yếu tố lỗi bởi cho dù là lỗi cố ý hay vô ý thì cũng đã sự thiệt hại xảy ra. Chỉ cần thỏa 3 yếu tố trên thì bên bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường

Ví dụ: A ký hợp đồng mua 90 chiếc xe ô tô cho B, mỗi chiếc 400 triệu đồng và hai bên đã thỏa thuận là sẽ  giao hàng vào sáng ngày 11/04. A có ký thêm một hợp đồng trước đó với C, D, E để giao xuống mỗi bên 30 chiếc xe, mỗi chiếc trị giá 500 triệu đồng và A sẽ giao cùng ngày 12/04. Tuy nhiên, do kiếm được một bên trả giá xe là 500 triệu một chiếc nên tới ngày giao, bên B đã không giao xe như đúng thời hạn.

Trong tình huống trên, thiệt hại mà B gây ra cho A là 90×100=9 tỷ đồng.

+ Trường hợp 1: nếu như C,D,E cũng có một hợp đồng với các bên khác thì 3 chủ thể này sẽ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, như thế, A sẽ không thể nhận được đầy đủ tiền bồi thường thiệt hại như ở trên. Thêm vào đó, nếu như tổng số tiền thiệt hại mà C,D,E liệt kê là 9 tỷ thì A cuối cùng chẳng nhận được bất kỳ một số tiền bồi thường nào.

+  Trường hợp 2: Còn nếu như cũng ở tình huống trên mà A chỉ đem về và bán lẻ tại cửa hàng thì việc chứng minh thiệt hại là vô cùng khó khăn

Thêm nữa, tại điều 304 của luật thương mại quy định

Điều 304. Nghĩa vụ chứng minh tổn thất

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Vì thế, các bên phải cẩn thận, không trông chờ vào việc được bồi thường đầy đủ trước khi ký kết hợp đồng. Việc nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên bị vi phạm cũng có lý do của nhà làm luật nhưng họ bị thiệt hại mà còn phải đi chứng mình thì theo chúng tôi điều này không thỏa đáng. Dĩ nhiên, họ sẽ phải nêu lên ý kiến, liệt kê những khoản thiệt hại thực tế nhưng bên gây ra thiệt hại phải chứng minh là mình không có lỗi thì sẽ thỏa đáng hơn.

Ở trường hợp 2 thật khó để chứng minh thiệt hại mà B đã gây ra cho A. Cho nên, việc bồi thường thiệt hại thường không được chấp nhận khi các bên kiện ra tòa. Một lời khuyên cho các bên đó là nên bổ sung thêm điều khoản về mức phạt vi phạm hợp đồng là 8% vì tại điều 307 của luật thương mại có quy định:

Điều 307. Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại

  1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
  2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Như thế, nếu có ghi nhận về điều khoản phạt 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm thì bên A có thể được bù đắp 8% của 9 tỷ đồng trên. Ngoài ra, dù được nhận phần phạt vi phạm thì A vẫn có thể được nhận tiếp phần được bồi thường thiệt hại.

Tóm lại, nguyên tắc về bồi thường thiệt hại đó là thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó, kể cả phần lợi tức phát sinh lẽ ra nhận được. Tuy nhiên, nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về bên bị vi phạm. Cho nên, các bên nên ghi nhận thêm mức phạt vi phạm hợp đồng là 8% khi giao kết hợp đồng để đảm bảo lợi ích của mình.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CƠ CHẾ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG HỢP ĐỒNG