Giám đốc hay đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng?

Thẩm quyền ký kết Hợp đồng là một trong những điều kiện tiên quyết để một Hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Hôm nay, Hãng Luật Minh Mẫn cung cấp một số thông tin pháp lý quan trọng để xác định Giám đốc hay người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thẩm quyền ký kết Hợp đồng.

Giám đốc hay đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng?
Giám đốc hay đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng?

Tầm quan trọng của việc xác định ai có thẩm quyền ký kết hợp đồng.

Theo quy định tại Điều 142, BLDS 2015:

“Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụđối với người được đại diện (trừ một số trường hợp khác do pháp luật quy định).

Theo đó, các quyền và nghĩa vụ đã được các bên cam kết thực hiện trong Hợp đồng không được thi theo quy định trên.

Ví dụ: Công ty A (Bên bán) – Công ty B (Bên mua) ký kết Hợp đồng mua bán hàng hóa. Người đại diện của công ty A trong Hợp đồng không có quyền ký kết Hợp đồng.

Hợp đồng quy định: trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký kết Hợp đồng Công ty A có nghĩa vụ giao hàng cho Công ty B (Công ty B đã ký kết Hợp đồng mua bán hàng hóa để bán hàng hóa cho công ty C sau khi nhận được hàng từ Công ty A). Sau 10 ngày làm việc, vì một lý do nào đó mà giá cả của hàng hóa tăng đột biến (ví dụ như giá khẩu trang trong đại dịch Coronavirus), Công ty A không giao hàng theo đúng nghĩa vụ trong Hợp đồng với lý do người đại diện ký kết Hợp đồng không đúng nên không làm phát sinh nghĩa vụ của công ty A. Công ty B không có hàng hóa để giao cho Công ty C.

Đại diện theo pháp luật là ai?

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, và nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. (Khoản 1, Điều 13, Luật Doanh nghiệp 2014).

Căn cứ theo quy định trên, người đại diện theo pháp luật thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch (Hợp đồng) có nghĩa là Hợp đồng đã được xác lập trước khi người đại diện theo pháp luật có quyền.

Như vậy, người đại diện theo pháp luật không có quyền đại diện xác lập Hợp đồng.

Giám đốc là ai và quyền của giám đốc như thế nào?

Giám đốc là ai?

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết của Hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần); chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên); chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty (đối với công ty TNHH 1 thành viên).

Quyền của Giám đốc về việc xác lập giao dịch/Hợp đồng.

Theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 64, Luật Doanh nghiệp 2014, giám đốc có quyền ký kết Hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên (Công ty TNHH 2 thành viên trở lên).

Theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 81, Luật Doanh nghiệp 2014, giám đốc có quyền ký kết Hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty (Công ty TNHH 1 thành viên).

Theo quy định tại điểm a, e; Khoản 3, Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2014, giám đốc có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị; quyền được tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty.

Dựa vào các quy định trên, giám đốc có quyền ký kết/xác lập Hợp đồng thay vì người đại diện theo pháp luật.

Vậy tại sao chúng ta hay thấy nhiều Hợp đồng được người đại diện theo pháp luật ký kết mà Hợp đồng không vô hiệu?

Giải đáp thắc mắc này, Hãng Luật Minh Mẫn cung cấp một số trường hợp như sau:

  1. Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép doanh nghiệp được phép chọn ai là đại diện theo pháp luật (trừ những trường hợp cấm theo quy định); vì vậy nhiều doanh nghiệp đã chọn Giám đốc là người đại diện theo pháp luật.

Trong trường hợp này, Hợp đồng không vô hiệu là người xác lập Hợp đồng là giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

  1. Người được đại diện đã công nhận giao dịch (Khoản 1, Điều 142, BLDS 2015);

Đối với Hợp đồng mà giám đốc có quyền ký kết/xác lập; giám đốc đã công nhận giao dịch do người đại diện theo pháp luật ký kết.

  1. Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý (Khoản 1, Điều 142, BLDS 2015).

Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng, giám đốc là người có quyền ký kết/xác lập Hợp đồng đã không phản đối.

  1. Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện. (Khoản 1, Điều 142, BLDS 2015).

Giám đốc là người có quyền ký kết/xác lập Hợp đồng đã có lỗi dẫn đến việc bên còn lại trong Hợp đồng không biết và không thể biết về việc người đại diện theo pháp luật đã xác lập với mình là không có thẩm quyền.

  1. Đối với Hợp đồng lao động, người đại diện theo pháp luật là người đại diện nhân danh công ty ký kết Hợp đồng lao động với người lao đồng, thay vì là giám đốc theo quy định của pháp luật lao đồng. Cụ thể tại khoản 1, Điều 3, Nghị định 05/2015/NĐ-CP; khoản 1, Điều 1, Nghị định 148/2018/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định như sau:

“Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã;

…”

Hãng Luật Minh Mẫn hi vọng với một số thông tin pháp lý quan trọng về thẩm quyền ký kết Hợp đồng trên có thể giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có trong quá trình các bên bên xác lập và thực hiện Hợp đồng.

Huỳnh Điều

Giám đốc hay đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng?