BẢO MẬT THÔNG TIN

Khi tham gia giao kết hợp đồng thì các bên luôn luôn mong muốn đạt được lợi ích cho mình. Tuy nhiên, có một nguyên tắc về giao kết đó là phải cho đi trước rồi mới được nhận lại. Do đó, khi giao kết hợp đồng thì các cá nhân, tổ chức phải đem toàn bộ thông tin cá nhân, nội bộ để chứng minh sự rõ ràng, năng lực thực hiện hợp đồng. Có những loại hợp đồng như xây dựng, lao động, các bên phải cống hiến trí tuệ, cơ cấu hoạt động của mình để giúp bên còn lại đạt được mục đích. Nhưng một điều rất quan trọng mà các bên cần chú ý sau khi hợp đồng chấm dứt. Đó chính là điều khoản bảo mật thông tin, bí mật kinh doanh trong hợp đồng. Bài viết này sẽ tập trung về bảo mật thông tin, bí mật kinh doanh giữa các bên khi tham gia ký kết hợp đồng.

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự 2015

– Luật thương mại 2005

– Luật lao động 2012

– Luật Việc Làm

2. Nội dung

2.1. Những quy định của pháp luật về chính sách bảo mật

Pháp luật về hợp đồng quy định rất rõ ràng về việc pháp luật bảo vệ cho những cá nhân, tổ chức bị xâm hại về bảo mật thông tin hay bí mật kinh doanh. Tại điều 387 của bộ luật dân sự 2015 quy định về thông tin trong giao kết hợp đồng như sau:

Điều 387. Thông tin trong giao kết hợp đồng

  1. Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.
  2. Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.
  3. Bên vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Vấn đề bảo mật được đề cập tại khoản 2 của điều 387 trên. Nếu như không có sự xuất hiện của khoản 2 thì các bên sẽ có thể sử dụng những bí mật của đối tác nhằm chuộc lợi cho bản thân. Dù biết được pháp luật bảo vệ nhưng các doanh nghiệp vẫn rất lo âu về vấn đề bảo mật vì để tham gia giao kết họ phải cung cấp những thông tin cần thiết của mình.

Ví dụ: tại điều 19 của Luật lao động 2012 quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin như sau:

Điều 19. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi giao kết hợp đồng lao động

  1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
  2. Người lao động phải cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khoẻ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

Từ đó, các bên phải quy định rất chặt chẽ trong hợp đồng ký kết với đối tác. Khi mà vấn đề về bảo mật thông tin và bí mật kinh doanh ngày càng được các bên chú trọng thì đa số các lĩnh vực mà các bên tham gia ký kết đều có điều khoản về bảo mật xuất hiện. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực phổ biến thường thấy đó là: Hợp đồng lao động, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng chuyên giao công nghệ. Mỗi loại hợp đồng sẽ có những điều khoản bảo mật riêng. Thậm chí có một số dự án lớn có đầu tư về công nghệ thì các bên còn ký với nhau cả hợp đồng bảo mật dự án.

2.2. Áp dụng thực tế

Lĩnh vực hợp đồng lao động là lĩnh vực rất dễ xảy ra tranh chấp giữa các bên. Đương cử như trường hợp tranh chấp giữa Công ty TNHH Recess (viết tắt là Recess – quận 1, TP HCM) và bà Đỗ Thị Mai Trang liên quan đến Thỏa thuận bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động. Cụ thể, ngày 10-10-2015, bà Trang ký HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng với Recess ở vị trí trưởng bộ phận tuyển dụng. Tiếp đó, ngày 21-10-2015, bà Trang ký tiếp Thỏa thuận bảo mật thông tin với Recess. Trong thỏa thuận này có điều khoản quy định trong thời gian 12 tháng sau khi chấm dứt tuyển dụng hoặc kết thúc việc làm với Recess, không xét đến nguyên nhân chấm dứt HĐLĐ, NLĐ không được làm những công việc tương tự ở các DN có cùng lĩnh vực kinh doanh, các đối thủ cạnh tranh hoặc những đơn vị liên kết, đối tác của công ty, nếu vi phạm, NLĐ sẽ phải bồi thường. Ngày 1-11-2016, bà Trang ký tiếp HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng với công ty và nghỉ việc vào ngày 18-11-2016.

Đến ngày 2-10-2017, phát hiện bà Trang đang làm việc cho một DN kinh doanh cùng lĩnh vực, công ty đã lập vi bằng và khởi kiện bà Trang tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), yêu cầu bồi thường 3 tháng tiền lương vì vi phạm Thỏa thuận bảo mật thông tin. Kết quả là trọng tài đã ra phán quyết buộc bà Trang phải bồi thường cho công ty Recess số tiền là hơn 205 triệu đồng. Sau đó, bà Trang kiện ra tòa án và cũng bị bác yêu cầu với lý do Thỏa thuận bảo mật thông tin không vi phạm điều cấm của pháp luật Việt Nam (điều 35 của Hiến pháp, điều 49 Bộ Luật Dân sự, điều 5 của Bộ Luật Lao động và điều 9 Luật Việc làm) về quyền làm việc, quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc, tự do làm việc cho bất kỳ NSDLĐ nào của NLĐ. Bởi tại điều 3.2 Bộ Luật Dân sự quy định: “Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó”.

Từ tình huống kia có thể thấy rằng, quy định bảo mật bí mật kinh doanh đã khiến người lao động rơi vào thế bí do khi tham gia ký kết rõ ràng họ là bên yếu thế nên buộc phải ký. Sau khi thấy công ty không còn hợp với nguyện vọng và đường lối phát triển của bản thân thì người lao động rời đi, cái mà họ có là kinh nghiệm tại công ty cũ, là công cụ duy nhất kiếm kế sinh nhai của họ nhưng với việc tuân thủ theo bảo mật trên thì người lao động sẽ bị lãng phí kinh nghiệm làm việc tại công ty cũ, có thể bị quên theo thời gian. Kể từ đó, rất khó để xin việc vào công ty tiếp theo. Rõ ràng, với góc độ bảo vệ người lao động thì các nhà làm luật nên quy định rõ ràng hơn về trường hợp nào bảo mật thì sẽ được cho phép trong hợp đồng lao động để cân bằng lợi ích của các bên.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, điều khoản về bảo mật là rất quan trọng trong việc đảm bảo bí mật kinh doanh, đôi khi quyết định sự tồn vong của một doanh nghiệp. Vì thế, các bên nên cân nhắc và đưa vào những điều khoản về bảo mật khi giao kết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trên đây là bài viết về điều khoản bảo mật dùng để sử dụng trong hợp đồng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn thực hiện tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BẢO MẬT THÔNG TIN