ĐIỀU KHOẢN TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN TRONG HĐ MUA BÁN HÀNG HÓA

Khi tham gia giao kết hợp đồng, không phải lúc nào các bên cũng thực hiện đúng theo những gì đã cam kết trong hợp đồng. Thế nên, cần phải có những cam kết đền bù thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng của các bên. Hơn thế nữa, khi xảy ra tranh chấp thì các bên sẽ tiến hành đưa ra phương án giải quyết tranh chấp. Hai điều khoản này thường được các bên đưa vào hợp đồng từ trước. Bài viết này sẽ cung cấp những quy định về trách nhiệm vật chất trong việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật dân sự 2015

– Luật thương mại 2005

2. Nội dung

2.1. Trách nhiệm vật chất trong việc thực hiện hợp đồng

Dưới đây là điều khoản mẫu:

Điều 10: Trách nhiệm vật chất trong việc thực hiện hợp đồng

  1. Hai bên cam kết thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã thỏa thuận trên, không được đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, bên nào không thực hiện hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt tới ………… % giá trị của hợp đồng bị vi phạm (cao nhất là 8%).
  2. Bên nào vi phạm các điều khoản trên đây sẽ phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy địnfh của các văn bản pháp luật có hiệu lực hiện hành về phạt vi phạm chất lượng, số lượng, thời gian, địa điểm, thanh toán, bảo hành v.v… mức phạt cụ thể do hai bên thỏa thuận dựa trên khung phạt Nhà nước đã quy định trong các văn bản pháp luật về hợp đồng kinh tế.
  3. Nếu có xảy ra bồi thường thì bên gây ra thiệt hại phải bồi thường 100% giá trị thiệt hại thực tế và lợi nhuận lẽ ra sẽ có đối với bên bị thiệt nếu bên gây thiệt hại không gây ra thiệt hại.

 

+ Thực tế thì trong một hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường sẽ không ghi nhận quyền và nghĩa vụ của các bên bởi lẽ quyền và nghĩa vụ đã được lồng vào các điều khoản về phương thức thanh toán, giá cả, … Đó là những điều khoản cơ bản. Ví dụ: điều khoản phương thức thanh toán ghi nhận hai bên thỏa thuận bên mua sử dụng hình thức chuyển khoản 2 đợt thì cũng ghi nhận bên bán phải giao hàng hóa như đã thỏa thuận ứng với mỗi đợt giao hàng đó. Thêm vào đó từ điều 34 đến điều 62 của luật thương mại 2005 ghi nhận về: Giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa, địa điểm giao hàng, nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hoá … thuộc mục “QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA” nên điều khoản về trách nhiệm vật chất thường ghi nhận một lần nữa các cam kết “Bên nào vi phạm các điều khoản trên đây sẽ phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực hiện hành về phạt vi phạm chất lượng, số lượng, thời gian, địa điểm, thanh toán, bảo hành v.v… mức phạt cụ thể do hai bên thỏa thuận dựa trên khung phạt Nhà nước đã quy định trong các văn bản pháp luật về hợp đồng kinh tế”.

+ Về điều khoản ghi nhận thỏa thuận về mức phạt hợp đồng giữa hai bên. Mức phạt ở đây là do hai bên thỏa thuận nhưng chiếu theo điều 301 của luật thương mại thì “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”.

 

+ Ngoài thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng thì còn quy định về bồi thường thiệt hại. Đối với bồi thường thiệt hại thì chúng ta cần xem quy định bồi thường 100% có đúng theo quy định của pháp luật hay không thì quy định tại điều 585 của bộ luật dân sự 2015.

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

  1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
  3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
  4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Như vậy hai bên thỏa thuận bồi thường 100% giá trị thiệt hại thực tế và lợi nhuận lẽ ra sẽ có đối với bên bị thiệt nếu bên gây thiệt hại không gây ra thiệt hại là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.

 

2.2. Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Đươi đây là điều khoản mẫu:

Điều 11: Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng

  1. Hai bên cần chủ động thông báo cho nhau tiến độ thực hiện hợp đồng. Nếu có vấn đề gì bất lợi phát sinh các bên phải kịp thời thông báo cho nhau biết và tích cực bàn bạc giải quyết (cần lập biên bản ghi toàn bộ nội dung).
  2. Nếu thương lượng không thành sẽ mang ra hòa giải thương mại tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC). Nếu không thành công thì sẽ đưa ra trọng tại thương mại tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC). Trường hợp không thể giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, các bên mới đưa vụ tranh chấp ra tòa án.

+ Về quy định các bên cần thông báo cho nhau biết và tích cực bàn bạc giải quyết khi có vấn đề phát sinh thể thiện nguyên tắc thiện chí của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng. Đây là quy định rất hợp lý và cần có ở trong hợp đồng. Hơn thế nữa, các bên cần ghi nhận lại bằng văn bản có chứ ký của các bên, điều này sẽ giúp cho các bên có trách nhiệm thực hiện thương lượng của mình, tránh tình trạng có bên lật lọng những gì đã cam kết với nhau.

+ Về quy định thỏa thuận chọn cơ quan giải quyết tranh chấp ghi nhận ở trên: “Nếu thương lượng không thành sẽ mang ra hòa giải thương mại tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC). Nếu không thành công thì sẽ đưa ra trọng tại thương mại tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC). Trường hợp không thể giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, các bên mới đưa vụ tranh chấp ra tòa án”.

Đây là quy định rất chặt chẽ, vì theo đúng trình tự cơ bản của một điều khoản ghi nhận thứ tự sử dụng phương án để giải quyết tranh chấp: Đầu tư các bên cần giữ hòa khí và tiết kiệm chi phí thông qua việc thương lượng, tiếp đó mới sử dụng hòa giải viên thương mại – đây là một hình thức giải quyết tranh chấp rất mới mẻ ở Việt Nam ta nhưng lại rất tiết kiệm và thủ tục tương đối đơn giản so với trọng tài thương mại và tòa án. Giá hiện nay chỉ bằng một nửa so với trọng tài thương mại. Sau khi sử dụng hòa giải viên, các bên vẫn chưa đồng ý với thỏa thuận đó thì có thể sử dụng  trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp. Để có thể sử dụng điều khoản trọng tài thì phải tuân theo điều kiện quy định tại điều 5 của luật trọng tài thương mại 2010.

Điều 5. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

  1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
  2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
  3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Như vậy, điều khoản này đã được lập trước về thỏa thuận chọn trọng tài thương mại, thậm chí còn chỉ rõ các bên sẽ sử dụng trung tâm trọng tài nào để giải quyết tranh chấp. Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC) là một trong những trung tâm giải quyết tranh chấp nổi tiếng và có uy tín, giá cả cũng khá mềm so với những trung tâm trọng tài khác.

Nếu phán quyết của trung tâm trọng tài không được một trong hai bên thỏa mãn thì các bên có thể tiếp tục nộp đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền để xử lý. Thủ tục này để được giải quyết thì thời gian sẽ khá là lâu, chưa kể chi phí cũng không phải là thấp nên các bên cần cân nhắc khi lựa chọn phương án này.

Về các vấn đề cụ thể liên quan đến các phương án giải quyết tranh chấp thì quý đọc giả có thể tham khảo bài viết liên quan đến các phương án giải quyết tranh chấp của chúng tôi dưới đây:

https://luatsuhopdong.com/phuong-an-giai-quyet-tranh-chap.html

3. Kết luận

Như vậy, các bên cần phải quy định về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong đó, ghi nhận như một lời cam kết thực hiện những quyền và nghĩa vụ cơ bản giữa các bên về phương thức thanh toán, giá cả, địa điểm thanh toán. Thêm vào đó, các bên cũng sẽ quy định về khoản phạt hợp đồng và cơ chế bồi thường thiệt hại nhưng phải tuân theo quy định tại bộ luật dân sự 2015 và luật thương mại 2005.

Hai bên cũng cần phải thỏa thuận ngay từ đầu về phương án giải quyết tranh chấp: thứ tự là thương lượng, hòa giải thương mại, trọng tài thương mại và tòa án. Trong đó, hòa giải và trọng tài là hai điều khoản cần phải được ghi nhận trong thỏa thuận trước một cách rõ ràng rằng các bên sẽ lựa chọn trung tâm nào để giải quyết tranh chấp. Có như vậy, khi xảy ra tranh chấp, các bên mới không cuốn cuồng để tìm phương án giải quyết tranh chấp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐIỀU KHOẢN TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN TRONG HĐ MUA BÁN HÀNG HÓA