ĐIỀU KHOẢN VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NHÀ THẦU CHÍNH (PHẦN 2)

Cả nhà thầu và chủ đầu tư rất quan tâm đến vấn đề về quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhau trong hợp đồng thi công xây dựng. Bài viết này sẽ tiến hành phân tích tiếp tục quyền và nghĩa vụ của nhà thầu chính trong hợp đồng thi công xây dựng.

1. Cơ sở pháp lý

– Luật xây dựng 2014

– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng

– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

– Thông tư 07/2016/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

– Fidic về điều kiện hợp đồng xây dựng 2010

2. Nội dung

Dưới đây là điều khoản mẫu:

11.5. Hợp tác:

Nhà thầu phải có trách nhiệm thực hiện việc hợp tác trong công việc đối với: nhân lực của Chủ đầu tư; các nhà thầu khác do Chủ đầu tư thuê;

Các dịch vụ cho những người này và các nhà thầu khác có thể bao gồm việc sử dụng thiết bị của Nhà thầu, các công trình tạm hoặc việc bố trí đường vào công trường là trách nhiệm của Nhà thầu. Trường hợp các dịch vụ này làm phát sinh chi phí ngoài giá Hợp đồng thì các bên xem xét thoả thuận bổ sung chi phí này.

Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về các hoạt động thi công xây lắp của mình trên công trường, phải phối hợp các hoạt động của mình với hoạt động của các nhà thầu khác ở phạm vi (nếu có) được nêu rõ trong hồ sơ mời thầu (hoặc hồ sơ yêu cầu) của Chủ đầu tư.

=> Điều khoản này nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa nhà thầu và chủ đầu tư giúp cho công trình sẽ nhanh chóng được hoàn thành. Tăng cường sự hợp tác giữa các bên, thúc đẩy thị trường xây dựng trong và ngoài nước. Chủ đầu tư thông thường sẽ cử đại diện để thường xuyên túc trực tại công trình với nhiệm vụ thay mặt chủ đầu tư tham khảo ý kiến của nhà tư vấn, nhà thầu và cùng với chủ đầu tư kiểm tra hoạt động xây dựng của nhà thầu mỗi ngày. Ngoài ra, nhà thầu sẽ phải sắp xếp đường xá để giúp các đơn vị khác có ghi nhận trong hợp đồng để giúp họ có thể dễ dàng thực hiện nhiệm vụ của mình trên công trường.

11.6. Định vị các mốc:

Nhà thầu phải định vị công trình theo các mốc và cao trình tham chiếu được xác định trong Hợp đồng. Nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm về việc định vị đúng tất cả các hạng mục của công trình và phải điều chỉnh sai sót về vị trí, cao độ, kích thước hoặc căn tuyến của công trình.

Chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót nào về việc cung cấp thông tin trong các mục được chỉ ra trên đây hoặc các thông báo để tham chiếu đó (các điểm mốc, tuyến và cao trình chuẩn), nhưng Nhà thầu phải cố gắng để kiểm chứng độ chính xác của chúng trước khi sử dụng.

Trường hợp, Nhà thầu bị chậm trễ và phải chịu chi phí mà không phải do lỗi của mình gây ra, thì  Nhà thầu sẽ thông báo cho Chủ đầu tư và có quyền thực hiện theo Điều 22 của Hợp đồng [Khiếu nại và xử lý các tranh chấp].

=> Đầu tiên, chủ đầu tư phải cung cấp một cách chính xác nhất về vị trí của công trình cần phải thi công, không được sai sót vì chỉ cần diện tích bị sai lệch thì không những ảnh hưởng chất lượng thi công mà còn dễ xảy ra tranh chấp với hàng xóm liền kề.Thế nên, thực hiện định vị các cột mốc, cao trình tham chiếu phải được nhà thầu thực hiện một cách kỹ càng trên cơ sở kết hợp với chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn giám sát. Nhà làm luật cũng bắt chủ đầu tư phải chịu thiệt hại nếu như sự sai sót của nhà thầu hoặc sự chậm trễ có nguyên nhân trự tiếp từ chủ đầu tư.

11.7. Điều kiện về công trường:

Nhà thầu được coi là đã thẩm tra và xem xét công trường, khu vực xung quanh công trường, các số liệu và thông tin có sẵn nêu trên, và đã được thoả mãn trước khi nộp thầu, bao gồm:

a) Địa hình của công trường, bao gồm cả các điều kiện địa chất công trình;

b) Điều kiện địa chất thủy văn và khí hậu;

c) Mức độ và tính chất của công việc và vật liệu cần thiết cho việc thi công, hoàn thành công trình và sửa chữa sai sót.

d) Các quy định của pháp luật về lao động;

e) Các yêu cầu của Nhà thầu về đường vào, ăn, ở, phương tiện, nhân lực, điều kiện giao thông, nước và các dịch vụ khác.

Nhà thầu được coi là đã thoả mãn về tính đúng và đủ của điều kiện công trường để xác định giá hợp đồng.

Nếu Nhà thầu gặp phải các điều kiện địa chất bất lợi mà Nhà thầu cho là không lường trước được, thì Nhà thầu phải thông báo cho Chủ đầu tư biết một cách sớm nhất có thể. Thông báo này sẽ mô tả các điều kiện địa chất sao cho Chủ đầu tư có thể kiểm tra được và phải nêu lý do tại sao Nhà thầu coi các điều kiện địa chất đó là không lường trước được. Nhà thầu phải tiếp tục thi công xây dựng công trình, sử dụng các biện pháp thoả đáng và hợp lý và thích ứng với điều kiện địa chất đó, và phải tuân theo bất kỳ chỉ dẫn nào mà Chủ đầu tư có thể đưa ra. Nếu một chỉ dẫn tạo ra sự thay đổi, thì áp dụng theo Điều 20 của Hợp đồng [Rủi ro và bất khả kháng].

=> Thực tế, việc xác định điều kiện tự nhiên, thủy văn sẽ ảnh hưởng đến quá trình chọn vật tư phù hợp, ảnh hưởng đến bảo hành của công trình và thậm chí quyết định cả việc công trình này có được xây dựng ở đây hay không vì nếu không đáp ứng đủ điều kiện mà vẫn được xây thì có thể gây ra tai nạn sau này. Sau khi bằng kinh nghiệm của mình, nhà thầu xác định được điều kiện tự nhiên của khu vực xây dựng thì nhà thầu phải đề xuất vật tư phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đấy.

11.8. Đường đi và phương tiện

Nhà thầu phải chịu toàn bộ chi phí và lệ phí cho các quyền về đường đi lại chuyên dùng hoặc tạm thời mà Nhà thầu cần có, bao gồm lối vào công trường. Nhà thầu cũng phải có thêm các phương tiện khác bên ngoài công trường cần cho công việc bằng sự chịu rủi ro và kinh phí của mình.

Nhà thầu phải nỗ lực để tránh làm hư hỏng đường hoặc cầu do việc sử dụng, đi lại của Nhà thầu hoặc người của Nhà thầu gây ra. Những nỗ lực này phải bao gồm việc sử dụng đúng các phương tiện và tuyến đường thích hợp.

Trừ khi được quy định khác trong các điều kiện và điều khoản này:

a) Nhà thầu không được sử dụng và chiếm lĩnh toàn bộ đường đi, vỉa hè bất kể nó là công cộng hay thuộc quyền kiểm soát của Chủ đầu tư hoặc những người khác.

b) Nhà thầu (trong quan hệ giữa các bên) sẽ phải chịu trách nhiệm sửa chữa nếu Nhà thầu làm hỏng khi sử dụng các tuyến đường đó;

c) Nhà thầu phải cung cấp các biển hiệu, biển chỉ dẫn cần thiết dọc tuyến đường và phải xin phép nếu các cơ quan liên quan yêu cầu cho việc sử dụng các tuyến đường, biển hiệu, biển chỉ dẫn;

d) Chủ đầu tư không chịu trách nhiệm về bất cứ khiếu nại nào có thể nảy sinh từ việc sử dụng hoặc các việc liên quan khác đối với các tuyến đường đi lại;

đ) Chủ đầu tư không bảo đảm sự thích hợp hoặc sẵn có các tuyến đường riêng biệt nào;

e) Chi phí do sự không thích hợp hoặc không có sẵn các tuyến đường cho yêu cầu sử dụng của Nhà thầu, sẽ do Nhà thầu chịu.

=> Việc quy định chi phí đi lại do nhà thầu chịu là hoàn toàn hợp lý vì khi tham gia đấu thầu, nhà thầu đã đưa ra giá để tham gia thầu. Từ đó, nhà thầu đã tính toán các chi phí về phương tiện di chuyển trong giá của hợp đồng. Nhà thầu chỉ được thực hiện những công việc trong phạm vị công trường mà mình thi công. Việc nhà thầu xâm phạm phần diện tích khác ngoài hợp đồng là không được phép vì vi phạm quyền sử dụng đất của người sở hữu diện tích đó. Nếu gây thiệt hại thì cũng phải bồi thường vì chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu làm việc này và việc này cũng không có ghi nhận trong hợp đồng.

3. Kết luận

Như vậy, khi tham gia giao kết hợp đồng thi công nhà thầu cần lưu ý đến nghĩa vụ của mình. Trong có các điều kiện như Hợp tác, định vị các mốc, điều kiện về công trường, đường đi và phương tiện.

Điều khoản hợp tác nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa nhà thầu và chủ đầu tư giúp cho công trình sẽ nhanh chóng được hoàn thành. Tăng cường sự hợp tác giữa các bên, thúc đẩy thị trường xây dựng trong và ngoài nước. Việc xác định điều kiện tự nhiên, thủy văn sẽ ảnh hưởng đến quá trình chọn vật tư phù hợp, ảnh hưởng đến bảo hành của công trình và thậm chí quyết định cả việc công trình này có được xây dựng ở đây hay không vì nếu không đáp ứng đủ điều kiện mà vẫn được xây thì có thể gây ra tai nạn sau này. Bằng kinh nghiệm của mình, nhà thầu phải xác định được điều kiện tự nhiên của khu vực xây dựng thì nhà thầu phải đề xuất vật tư phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đấy.

Việc quy định chi phí đi lại do nhà thầu chịu là hoàn toàn hợp lý vì khi tham gia đấu thầu, nhà thầu đã tính toán các chi phí về phương tiện di chuyển trong giá của hợp đồng.

Nhà thầu chỉ được thực hiện những công việc trong phạm vi công trường mà mình thi công. Việc nhà thầu xâm phạm phần diện tích khác ngoài hợp đồng là không được phép vì vi phạm quyền sử dụng đất của người sở hữu diện tích đó. Nếu gây thiệt hại thì cũng phải bồi thường vì chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu làm việc này và việc này cũng không có ghi nhận trong hợp đồng.

Chủ đầu tư phải cung cấp một cách chính xác nhất về vị trí của công trình cần phải thi công, không được sai sót vì chỉ cần diện tích bị sai lệch thì không những ảnh hưởng chất lượng thi công mà còn dễ xảy ra tranh chấp với hàng xóm liền kề.

Trên đây là bài viết điều khoản về quyền và nghĩa vụ của nghĩa vụ của nhà thầu phần 2  trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.

Dưới đây là phần 03 của bài viết:

ĐIỀU KHOẢN VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NHÀ THẦU CHÍNH (PHẦN 3)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐIỀU KHOẢN VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NHÀ THẦU CHÍNH (PHẦN 2)