Khi tham gia ký kết hợp đồng, các bên rất quan tâm đến vấn đề về quyền và nghĩa vụ của bên còn lại. So với các loại hợp đồng khác thì hợp đồng thi công xây dựng đòi hỏi quyền và nghĩa vụ của nhà thầu nhiều hơn các loại hợp đồng xây dựng còn lại. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ phải tiến hành phân chia bài viết thành 03 bài để chúng tôi có dịp phân tích kỹ hơn. Bài viết này sẽ tiến hành phân tích những quyền và nghĩa vụ của nhà thầu chính.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
– Thông tư 07/2016/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
– Fidic về điều kiện hợp đồng xây dựng 2010
2. Nội dung
Dưới đây là điều khoản mẫu:
Điều 11. Quyền và nghĩa vụ chung của Nhà thầu
11.1. Quyền của Nhà thầu
a) Được quyền đề xuất với Chủ đầu tư về khối lượng phát sinh ngoài Hợp đồng; từ chối thực hiện công việc ngoài phạm vi Hợp đồng khi chưa được hai bên thống nhất và những yêu cầu trái pháp luật của Chủ đầu tư;
b) Được thay đổi các biện pháp thi công sau khi được Chủ đầu tư chấp thuận nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả công trình trên cơ sở giá Hợp đồng đã ký kết;
=> Quyền này của nhà thầu là một quyền rất cơ bản vì nguyên tắc của ký kết hợp đồng là tự nguyện và bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện những nghĩa vụ trong phạm vi của mình. Cho nên yêu cầu này là rất đúng đắn. Những công việc trái với pháp luật có thể kể đến như: thi công nhằm chứa ổ mại dâm mà nhà thầu đã biết trước hoặc, buộc phải biết trước, thông đồng với chủ đầu tư nhằm ăn bớt vật liệu công trình. Tiếp đến là được tiến hành biện pháp thi công,
Sau khi được chủ đầu tư chấp thuận thì điều này lại càng hợp lý vì nhà thầu là đơn vị có trình độ chuyên môn, Vì thế, họ có thể biết được trong thực tế xây dựng cần những bước nào và bỏ bước nào, ngoài ra để xây dựng tại các vùng biển thì sẽ ảnh hưởng đến bảo hành công trình nên họ cũng có thể đề xuất với chủ đầu tư về sự thay đổi nguyên liệu và biện pháp thi công để hợp với thổ nhưỡng tại đó. Tiếp đến là quyền được tiếp cận công trường,
c) Tiếp cận công trường:
– Chủ đầu tư phải bàn giao cho Nhà thầu mặt bằng thi công công trình để Nhà thầu thực hiện Hợp đồng.
– Trường hợp, Nhà thầu không nhận được mặt bằng thi công công trình do sự chậm trễ của Chủ đầu tư và phải gánh chịu chi phí phát sinh trong thời gian này thì Nhà thầu phải được thanh toán chi phí phát sinh và cộng thêm vào trong giá hợp đồng.
Nếu do sai sót hoặc sự chậm trễ của Nhà thầu thì Nhà thầu sẽ không được quyền hưởng việc gia hạn thời gian, chi phí này.
=> Việc được giao mặt bằng thi công là quyền cơ bản vì nếu không có mặt bằng thi công thì nhà thầu không thể tiến hành thi công công trình, lúc đó vật tư cũng sẽ bị xuống cấp, nhà thầu phải chịu chi phí thuê nhân công. Đối với những nhà thầu có chất lượng, họ thường sẽ được mời để xây dựng rất nhiều công trình, các dự án diễn ra liên tục, thế nên, nếu chủ đầu tư chậm trễ trong việc bàn giao hợp đồng thì sẽ khiến hỗ trợ hạn thực hiện hợp đồng với bên khác thế nên chủ đầu tư cần phải bàn giao công trình thật sớm, nếu có mong muốn sửa đổi các vấn đề liên quan bản vẽ, chất liệu thì không được gián đoạn quá lâu.

11.2. Nghĩa vụ của Nhà thầu:
Nhà thầu phải cung cấp nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị thi công và các điều kiện vật chất liên quan khác đủ số lượng và chủng loại theo Hợp đồng để thực hiện các công việc theo nội dung Hợp đồng đã ký kết;
=> Việc đảm bảo số lượng nhân lực là rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ liên quan đến hợp đồng. Còn việc ăn bớt vật tư không những khiến chủ đầu tư phải nhận sản phẩm thiếu chất lượng mà còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của những người sử dụng sau này. Việc quy định như vậy sẽ làm cản trở đi suy nghĩ về việc nhận thầu, rồi bóp số lượng nhân công, vật tư ít lại nhằm thu về mình số tiền nhiều hơn. Vì trừ những trường hợp khác, đa số nhà tư vấn với trình độ hiểu biết của mình thì sẽ nhanh chóng phát hiện ra hành vi gian dối này. Tiếp theo là nhà thầu phải,
Thi công xây dựng công trình đúng thiết kế, tiêu chuẩn dự án, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ;
=> Việc thi công đúng thiết kế thể hiện sự tôn trọng, việc xây dựng đúng tiêu chuẩn dự án, quy chuẩn, tiêu chuẩn thể hiện sự trung thực của chủ đầu tư. Sự bảo đảm chất lượng, tiến độ thể hiện sự uy tín của chủ đầu tư. Về việc an toàn, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ không những thể hiện sự cẩn trọng, làm việc một cách có tâm của nhà thầu mà còn thể hiện trách nhiệm của nhà thầu đối với những người lao động và môi trường. Thế nên, nhà thầu cần phải bảo đảm tất cả các nội dung trên.
Tại điều 4.1 của Fidic về nghĩa vụ chung của nhà thầu thì quy định “Nhà thầu phải thiết kế (trong phạm vi được xác định trong Hợp đồng), thi công và hoàn thành Công trình theo Hợp đồng và theo chỉ dẫn của Nhà tư vấn, phải sửa chữa bất kỳ sai sót nào trong Công trình“.
Thêm vào đó, điều 4.1 còn quy định „ Bất kỳ khi nào Nhà tư vấn có yêu cầu, Nhà thầu phải trình kế hoạch chuẩn bị và các biện pháp thi công chi tiết mà Nhà thầu đề xuất áp dụng cho việc thi công Công trình. Không được thay đổi đáng kể những kế hoạch và các biện pháp này nếu không thông báo trước cho nhà tư vấn“.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của nhà tư vấn giám sát trong việc thi công công trình xây dựng. Nhà thầu phải tuân theo theo đồng ký kết và chỉ dẫn kỹ thuật của nhà tư vấn này. Về biện pháp tổ chức thi công,
Nhà thầu phải lập biện pháp tổ chức thi công, ghi nhật ký thi công xây dựng công trình, lập hồ sơ thanh toán, lập hồ sơ hoàn công, lập quyết toán Hợp đồng, thí nghiệm vật liệu, kiểm định thiết bị, sản phẩm xây dựng theo đúng quy định của Hợp đồng;
Nhà thầu phải giữ bí mật thông tin liên quan đến Hợp đồng hoặc Pháp luật có quy định liên quan đến bảo mật thông tin.
=> Quy định này nhằm giúp cho chính nhà thầu ghi nhận được tiến độ của công việc mỗi ngày, qua đó có thể tự điều điều chỉnh nhân lực và vật liệu, kỹ thuật xây dựng sao cho có thể kịp tiến độ hợp đồng. Ngoài ra, còn giúp nhà tư vấn dễ dàng theo dõi, điều chỉnh những sai sót kỹ thuật của nhà thầu ngay và luôn. Hơn thế nữa,
Việc thi công sẽ xuất hiện nhiều yếu tố khác với nội dung đã ký kết trong hợp đồng, thế nên nhà thầu phải lập hồ sơ thanh toán trong từng giai đoạn để nhà tư vấn kiểm tra, đối chiếu việc danh sách yêu cầu thanh toán của nhà thầu là có thỏa đáng hay không. Thêm vào đó, sau khi hoàn thành công trình thì cũng cần phải làm hồ sơ hoàn công để chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu đăng ký quyền sở hữu cho mình. Việc thí nghiệm, kiểm định vật liệu phải được tiến hành trong một căn phòng đặc biệt, với số lượng mẫu thử như luật định, qua đó sẽ đảm bảo được chất lượng công trình và hạn chế tại nạn, bảo hành sau này. Một vấn đề nữa là,
Nhà thầu phải trả lời bằng văn bản các đề nghị hay yêu cầu của Chủ đầu tư trong khoảng thời gian ….ngày, nếu trong khoảng thời gian này mà Nhà thầu không trả lời thì được coi như Nhà thầu đã chấp nhận đề nghị hay yêu cầu của Chủ đầu tư.
=> Việc trả lời bằng văn bản các đề nghị của chủ đầu tư là thể hiện sự thiện chí của nhà thầu, điều này sẽ giúp hai bên hợp tác vui vẻ, công trình sẽ diễn ra thuận lợi, đúng chất lượng và tiến độ. Tuy nhiên, nếu không có hồi âm cho chủ đầu tư thì nhà thầu coi như đã chấp nhận yêu cầu và phải làm theo.
11.3. Nhân lực của Nhà thầu:
Nhân lực của Nhà thầu phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp về nghề nghiệp, công việc của họ. Chủ đầu tư có thể yêu cầu Nhà thầu sa thải (hay tác động để sa thải) bất cứ nhân lực nào ở công trường hay công trình, kể cả đại diện của Nhà thầu nếu những người đó: có thái độ sai trái hoặc thiếu cẩn thận; thiếu năng lực hoặc bất cẩn; không tuân thủ bất kỳ điều khoản nào của Hợp đồng; gây phương hại đến an toàn, sức khoẻ hoặc bảo vệ môi trường. Khi đó, Nhà thầu sẽ chỉ định (hoặc buộc phải chỉ định) một người khác thích hợp để thay thế. Nhà thầu phải luôn đảm bảo trật tự, an toàn cho người và tài sản trên công trường.
=> Lĩnh vực về xây dựng là một lĩnh vực đặc thù vì nó sẽ tác động đến tình hình phát triển của nền kinh tế của cả một khu vực, xã hội. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng đến sự an toàn của nhân lực tham gia xây dựng, kéo dài cho đến những người sử dụng, di chuyển bên trong khuôn viên của công trình xây dựng đó. Thế nên nhà thầu phải lựa chọn những nhân lực có trình độ kỹ thuật tương ứng để đảm nhiện vị trí phù hợp.
11.4. Báo cáo về nhân lực và thiết bị của Nhà thầu:
Nhà thầu phải trình cho Chủ đầu tư những chi tiết về số lượng nhân lực tối thiểu, thiết bị chủ yếu của Nhà thầu trên công trường.
=> Việc báo cáo như vậy thể hiện sự thiện chí, trung thực của nhà thầu đối với chủ đầu tư. Giúp cho chủ đầu tư gián tiếp hành dung, dự đoán được tiến độ thực hiện của công trình. Xác định được chất lượng của các nhân lực đang thực hiện thi công trên công trình của mình.
3. Kết luận
Khi tham gia ký kết hợp đồng thi công xây dựng thì chủ đầu tư và đơn vị nhà thầu cần phải chú ý về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu chính.
Xét về quyền, nhà thầu có quyền chỉ làm những công việc đã ghi nhận trong hợp đồng, không được trái với pháp luật. Nhà thầu có thể được đề xuất thay đổi các biện pháp thi công sau khi được chủ đầu tư chấp thuận. Chủ đầu tư cần phải bàn giao công trình thật sớm, nếu có mong muốn sửa đổi các vấn đề liên quan bản vẽ, chất liệu thì không được gián đoạn quá lâu.
Xét về nghĩa vụ của nhà thầu chính, việc đảm bảo số lượng nhân lực là rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ liên quan đến hợp đồng. Sự bảo đảm chất lượng, tiến độ thể hiện sự uy tín của chủ đầu tư. Về việc an toàn, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ không những thể hiện sự cẩn trọng, làm việc một cách có tâm của nhà thầu mà còn thể hiện trách nhiệm của nhà thầu đối với những người lao động và môi trường. Hơn thế nữa, nhà thầu phải chịu sự giám sát của nhà thầu tư vấn bằng cách nhà thầu phải lập biện pháp tổ chức thi công, ghi nhật ký thi công xây dựng công trình, lập hồ sơ thanh toán, lập hồ sơ hoàn công, lập quyết toán Hợp đồng, thí nghiệm vật liệu, kiểm định thiết bị, sản phẩm xây dựng theo đúng quy định của Hợp đồng để nhà tư vấn kiểm định. Nhà thầu phải lựa chọn những nhân lực có trình độ kỹ thuật tương ứng để đảm nhiệm vị trí phù hợp.
Việc lập báo cáo tiến độ thi công hằng ngày thể hiện sự thiện chí, trung thực của nhà thầu đối với chủ đầu tư. Giúp cho chủ đầu tư gián tiếp hình dung, dự đoán được tiến độ thực hiện của công trình. Xác định được chất lượng của các nhân lực đang thực hiện thi công trên công trình của mình.
Trên đây là bài viết điều khoản về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu chính phần 1 trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.
Dưới đây là điều khoản phần 02 của bài viết:
https://luatsuhopdong.com/dieu-khoan-ve-qu…hau-chinh-phan-2.html