Khi ký kết hợp đồng thi công xây dựng, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều rất quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của nhau. Bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức liên quan quyền và nghĩa vụ của nhà thầu chính.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
– Thông tư 07/2016/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
– Fidic về điều kiện hợp đồng xây dựng 2010
2. Nội dung
Dưới đây là điều khoản mẫu:
11.9. Vận chuyển vật tư thiết bị
Trừ khi có quy định khác:
a) Nhà thầu phải thông báo cho Chủ đầu tư không muộn hơn … ngày, trước ngày mà mọi vật tư, thiết bị được vận chuyển tới công trường (bao gồm cả đóng gói, xếp hàng, vận chuyển, nhận, dỡ hàng, lưu kho và bảo vệ vật tư thiết bị);
b) Nhà thầu phải bồi thường và gánh chịu thiệt hại cho Chủ đầu tư đối với các hư hỏng, mất mát và chi phí (kể cả lệ phí và phí tư pháp) do việc vận chuyển vật tư thiết bị của Nhà thầu.
=> Điều khoản này quy định rất hợp lý vì chủ đầu tư là người có quyền đối với công trình xây dựng. Thế nên, nhà thầu phải báo trước cho chủ đầu tư để chủ đầu sắp xếp người giám sát, hướng dẫn việc dựng các vật liệu xây dựng hoặc đường vào công trường một cách thuận tiện nhất nhưng không làm thiệt hại đến công trình hoặc tài sản của khu vực xung quanh. Vì những công trình xây dựng thường sử dụng những vật liệu rất nặng nên rất dễ xảy ra va chạm gây thiệt hại nên các bên cần thống nhất với nhau về việc này.
Khi nhà thầu tiến hành di chuyển các trang thiết bị phục vụ cho xây dựng thì có thể xảy ra va chạm làm hư chính vật liệu của nhà thầu hoặc hư đồ dùng, công trình xây dựng của khu vực kế bên. Trong trường hợp đó, nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm vì lỗi là do nhà thầu gây ra.
11.10. Thiết bị Nhà thầu
Nhà thầu phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ thiết bị của mình. Khi được đưa tới công trình, thiết bị của Nhà thầu phải dùng riêng cho việc thi công công trình. Nhà thầu không được di chuyển ra khỏi công trường bất kỳ một loại thiết bị chủ yếu nào nếu không được sự đồng ý của Chủ đầu tư. Tuy nhiên, không yêu cầu phải có sự đồng ý của Chủ đầu tư đối với các xe cộ vận chuyển vật tư thiết bị hoặc nhân lực của Nhà thầu ra khỏi công trường.
=> Điều khoản này là rất hợp lý bởi vì các trang thiết bị mà nhà thầu mang đến đều đã được ghi nhận trong hợp đồng thi công. Khi chủ đầu tư đọc hồ sơ của nhà thầu thì đã xem xét những vật tư mà nhà thầu sử dụng: Có dùng vật liệu đúng tiêu chuẩn không, số lượng có đảm bảo để hoàn thành công trình hay không, các máy móc sử dụng có hiện đại và tốt hay không, từ đó mới xem xét để trao dự án cho nhà thầu. Vì thế, để dự trù trường hợp chính đơn vị nhà thầu sử di chuyển vật liệu, máy móc để phục vụ cho một dự án khác hoặc nhằm thay thế bằng một vật liệu có tiêu chuẩn thấp hơn thì luật không cho phép đơn vị nhà thầu di chuyển các vật liệu, thiết bị ra khởi nơi thi công. Hơn thế nữa, có những trường hợp mà nhân viên của nhà thầu bán đi các nguyên vật liệu nhằm mục đích tư lợi thì việc quy định như vậy cũng nhằm hạn chế trường hợp này.
11.11. Thiết bị và vật liệu do Chủ đầu tư cấp (nếu có)
a) Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đối với thiết bị của mình cấp cho Nhà thầu;
b) Nhà thầu phải chịu trách nhiệm đối với từng thiết bị của Chủ đầu tư trong khi người của Nhà thầu vận hành, lái, điều khiển quản lý hoặc kiểm soát nó.
Số lượng thích hợp và số tiền phải trả (với giá đã nêu) để sử dụng thiết bị của Chủ đầu tư đã được thoả thuận trong Hợp đồng. Nhà thầu phải thanh toán số tiền này cho Chủ đầu tư.
Chủ đầu tư phải cung cấp, miễn phí, “các vật liệu do mình cung cấp” (nếu có) theo các chi tiết nêu trong các yêu cầu của Chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải chịu rủi ro và dùng chi phí của mình, cung cấp những vật tư này tại thời điểm và địa điểm được quy định trong Hợp đồng. Nhà thầu phải kiểm tra những vật liệu này và phải thông báo kịp thời cho Chủ đầu tư về sự thiếu hụt, sai sót hoặc không có của những vật liệu này. Trừ khi hai bên có thoả thuận khác, Chủ đầu tư phải xác định ngay sự thiếu hụt, sai sót như đã được thông báo.
Sau khi được kiểm tra, vật liệu do Chủ đầu tư cấp sẽ phải được Nhà thầu bảo quản và giám sát cẩn thận. Trách nhiệm kiểm tra, bảo quản của Nhà thầu không tách Chủ đầu tư khỏi trách nhiệm đối với sự thiếu hụt, sai sót, lỗi không thấy rõ khi kiểm tra.
=> Trong thực tế, để có thể giảm thiểu tiền thanh toán hoặc bản thân chủ đầu tư có những thiết bị đặc thù thì hoàn toàn có thể giao cho nhà thầu để hỗ trợ nhà thầu trong việc vận chuyển các trang thiết bị. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải bằng biên bản ghi nhận rõ danh sách các vật liệu xây dựng có trả tiền hoặc miễn phí để nhà thầu nhận diện và sử dụng cũng như quản lý. Và kể từ thời gian đó, trừ những sai sót, thiếu hụt không thấy rõ khi kiểm tra thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm quản lý những vật tư trên.
Quy định trên dựa vào quy định 4.20 của Fidic 2010 về Thiết bị của chủ đầu tư và vật liệu cấp miễn phí. Ngoài ra điều 4.20 của Fidic cũng quy định:
Chủ đầu tư phải cung cấp, không tính phí, “Vật liệu cấp miễn phí” (nếu có) theo chi tiết nêu trong Chỉ dẫn kỹ thuật. Chủ đầu tư, bằng rủi ro và chi phí của mình, phải cung cấp những vật liệu này tại thời điểm và địa điểm được quy định trong Hợp đồng.
Nhà thầu phải kiểm tra bằng mắt những vật liệu này, và phải thông báo kịp thời cho Nhà tư vấn về bất kỳ sự thiếu hụt, sai sót hoặc không chuẩn nào của những Vật liệu này. Trừ khi hai bên có thỏa thuận khác, Chủ đầu tư phải khắc phục ngay sự thiếu hụt, sai sót, không chuẩn như đã được thông báo. Sau khi được kiểm tra bằng mắt, vật liệu cấp miễn phí phải được Nhà thầu cất giữ và giám sát cẩn thận”.
Như vậy, quy định cũng bắt buộc chủ đầu tư phải giao những vật liệu theo chỉ dẫn kỹ thuật của nhà tư vấn nếu có.
3. Kết Luận
Như vậy, khi giao kết hợp đồng thi công xây dựng, nhà thầu cần phải xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong đó có những vấn đề như: Vận chuyển vật tư thiết bị, thiết bị Nhà thầu, thiết bị và vật liệu do Chủ đầu tư cấp (nếu có)
Về việc vận chuyển vật tư thiết bị thì nhà thầu phải báo trước cho chủ đầu tư để chủ đầu sắp xếp người giám sát, hướng dẫn việc dựng các vật liệu xây dựng hoặc đường vào công trường một cách thuận tiện nhất nhưng không làm thiệt hại đến công trình hoặc tài sản của khu vực xung quanh
Khi nhà thầu tiến hành di chuyển các trang thiết bị phục vụ cho xây dựng nếu xảy ra va chạm làm hư chính vật liệu của nhà thầu hoặc hư đồ dùng, công trình xây dựng của khu vực kế bên thì nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm vì lỗi là do nhà thầu gây ra.
Quy định về thiết bị nhà thầu nhằm dự trù trường hợp chính đơn vị nhà thầu sử di chuyển vật liệu, máy móc để phục vụ cho một dự án khác hoặc nhằm thay thế bằng một vật liệu có tiêu chuẩn thấp hơn thì luật không cho phép đơn vị nhà thầu di chuyển các vật liệu, thiết bị ra khởi nơi thi công.
Việc sử dụng thiết bị và vật liệu do Chủ đầu tư cấp có thể giảm thiểu tiền thanh toán hoặc bản thân chủ đầu tư có những thiết bị đặc thù thì hoàn toàn có thể giao cho nhà thầu để hỗ trợ nhà thầu trong việc vận chuyển các trang thiết bị. Trừ những sai sót, thiếu hụt không thấy rõ khi kiểm tra thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm quản lý những vật tư trên.
Nhà thầu phải kiểm tra bằng mắt những vật liệu này, và phải thông báo kịp thời cho Nhà tư vấn về bất kỳ sự thiếu hụt, sai sót hoặc không chuẩn nào của những Vật liệu này. Trừ khi hai bên có thỏa thuận khác, Chủ đầu tư phải khắc phục ngay sự thiếu hụt, sai sót, không chuẩn như đã được thông báo. Sau khi được kiểm tra bằng mắt, vật liệu cấp miễn phí phải được Nhà thầu cất giữ và giám sát cẩn thận.
Trên đây là bài viết điều khoản về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu chính phần 3 trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.
Dưới đây là bài viết của phần 4:
https://luatsuhopdong.com/dieu-khoan-ve-qu…hau-chinh-phan-4.html