Một công trình lớn thì rất khó để một nhà thầu có thể đảm nhiệm được hết tất cả các hạng mục nên rất cần sự giúp sức của Nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ là gì? Quyền và nghĩa vụ ra sao? Bài viết này sẽ cung cấp những phân tích liên quan đến nhà thầu phụ.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
– Fidic về điều kiện hợp đồng xây dựng 2010
2. Nội dung
“Nhà thầu phụ là nhà thầu ký kết hợp đồng xây dựng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu” theo quy định tại khoản 12 – Điều 2 của nghị định 37/2015.
Dưới đây là điều khoản mẫu:
Điều 14. Nhà thầu phụ
14.1. Khi ký hợp đồng thầu phụ, Nhà thầu phải thực hiện theo các quy định sau:
a) Đối với các nhà thầu phụ không có trong danh sách thầu phụ kèm theo Hợp đồng thì phải được Chủ đầu tư chấp thuận;
b) Nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và sai sót của mình và các công việc do các Nhà thầu phụ thực hiện;
c) Nhà thầu không được giao lại toàn bộ công việc theo Hợp đồng cho Nhà thầu phụ thực hiện.
=> Quy định trên là hoàn toàn hợp lý để tránh trường hợp nhà thầu trúng thầu một gói thầu tốt hơn rồi bán lại gói thầu của chủ đầu tư hiện tại cho nhà thầu phụ nhằm trục lợi cho mình. Chủ đầu tư với việc là bên đi thuê thi công, họ đã phải bỏ thời gian, công sức để tham gia dự thầu với mục đích tìm được nhà thầu phù hợp. Thế nên, nếu cho nhà thầu phụ làm toàn bộ công việc thì sẽ là bất công cho những nhà thầu đã tham gia đấu thầu cũng như chủ đầu tư có nguy cơ gặp phải một nhà thầu không đủ năng lực. Nhà thầu chính nếu muốn đề xuất một nhà thầu phụ khác trong trường hợp khách quan và cần thiết thì phải đề xuất với chủ đầu tư để chủ đầu tư xem xét, nếu đồng ý thì nhà thầu chính mới được ký hợp đồng với nhà thầu phụ, cũng như sử dụng nhà thầu này.
Hơn thế nữa, cái khái niệm nhà thầu phụ đã nói lên tất cả đối với nhà thầu này. Công việc của nhà thầu phụ chỉ là phụ nhà thầu chính xây một phần của công trình. Nhà thầu phụ là do nhà thầu chính đề xuất trong hợp đồng nên nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm đối với nhà thầu phụ. Nhà thầu phải triển khai các nguyên tắc về bảo vệ môi trường, an toàn lao động để nhà thầu phụ biết và tuân thủ. Bên cạnh đó, có trách nhiệm giám sát hoạt động của nhà thầu phụ.
14.2. Nhà thầu phụ do Chủ đầu tư chỉ định (nếu có)
a) Nhà thầu phụ do Chủ đầu tư chỉ định là một nhà thầu được Chủ đầu tư chỉ định cho Nhà thầu thuê làm Nhà thầu phụ để thực hiện một số phần việc chuyên ngành có yêu cầu kỹ thuật cao hoặc khi Nhà thầu không đáp ứng được tiến độ thực hiện hợp đồng sau khi Chủ đầu tư đã yêu cầu.
b) Nhà thầu có quyền từ chối nhà thầu phụ do Chủ đầu tư chỉ định nếu công việc Nhà thầu đang thực hiện vẫn tuân thủ đúng các thỏa thuận trong Hợp đồng hoặc có đầy đủ cơ sở cho rằng nhà thầu phụ do Chủ đầu tư chỉ định không đáp ứng được các yêu cầu theo Hợp đồng.
=> Chủ đầu tư thường sẽ chỉ đề xuất nhà thầu chỉ định cho chủ đầu tư đối với một số công trình đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt. Ví dụ như xây hầm lớn bắt qua sông, xây tuyến đường tàu điện ngầm. Các nhà thầu này thường là các nhà thầu đến từ nước ngoài với những trình độ kỹ thuật cao.
Ngoài ra, nếu như nhà thầu chứng minh được khả năng có thể làm được hoặc tự mình tìm nhà thầu phụ thì chủ đầu tư phải tôn trọng quyết định này. Mặc khác, nhà thầu chính cũng có thể chứng minh nhà thầu phụ mà chủ đầu tư chỉ định không có khả năng thực hiện hợp đồng.
14.3. Chủ đầu tư có thể thanh toán trực tiếp cho Nhà thầu phụ trên cơ sở đề xuất thanh toán của Nhà thầu (hoặc theo thoả thuận khác của các bên).
=> Việc thanh toán này có hai mặt. Mặc lợi là nhà thầu chính sẽ đỡ phải tiến hành hạch toán riêng cho nhà thầu phụ, mặc bất lợi là nhà thầu phụ có thể lợi dụng để lấy đi mối làm ăn của nhà thầu chính. Về phía chủ đầu tư thì sẽ mất thời gian thanh toán lần 02.
Về điều khoản liên quan đến nhà thầu phụ thì tại điều 4.4 về nhà thầu phụ của Fidic 2010 cũng có đề cập như sau:
(c) Nhà thầu phải gửi thông báo cho Nhà tư vấn không ít hơn 28 ngày trước
ngày dự định bắt đầu công việc của mỗi Nhà thầu phụ, và ngày bắt đầu thực hiện công việc đó trên Công trường
=> Thời gian này là rất phù hợp để chủ đầu tư có thể sắp xếp người đại diện hoặc thảo thuận với nhà tư vấn nhằm đưa ra cách thức để giám sát công trình của nhà thầu phụ.
(d) mỗi hợp đồng thầu phụ phải có các điều khoản cho phép Chủ đầu tư yêu
cầu chuyển nhượng lại hợp đồng thầu phụ cho Chủ đầu tư theo Khoản 4.5
[Nhượng lại Lợi ích của Hợp đồng Thầu phụ] (nếu hoặc khi có thể áp dụng
được) hoặc trong trường hợp chấm dứt theo Khoản 15.2 [Chấm dứt hợp
đồng bởi Chủ đầu tư].
=> Điều 4.5 của Fidic 2010 quy định như sau:
Nếu các nghĩa vụ của Nhà thầu phụ kéo dài đến sau ngày hết hạn của Thời gian
Thông báo Sai sót tương ứng, trước ngày hết hạn này, Nhà tư vấn chỉ dẫn cho Nhà
thầu nhượng lại lợi ích của các nghĩa vụ đó cho Chủ đầu tư, thì Nhà thầu phải thực hiện. Trừ khi có quy định khác trong việc chuyển nhượng, Nhà thầu sẽ không có nghĩa vụ pháp lý với Chủ đầu tư về công việc do Nhà thầu phụ thực hiện sau khi việc chuyển nhượng có hiệu lực.
Tức là nhà thầu chính phải ưu tiên đưa nghĩa vụ của nhà thầu phụ cho chủ đầu tư quyết định nếu có yêu cầu trong trường hợp nhà thầu phụ không thực hiện đúng hạn.
3. Kết Luận
Tóm lại, khi nhà thầu phụ tham gia vào ký kết hợp đồng nhà thầu phụ với nhà thầu chính thì nhà thầu phụ đó phải được ghi nhận rõ ràng trong hợp đồng thi công giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính. Nếu như nhà thầu chính muốn thay đổi thì phải nhận được sự chấp thuận của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, nhà thầu chính sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với chất lượng của các hạng mục mà nhà thầu phụ thi công kể cả về an toán lao động và vệ sinh môi trường. Chủ đầu tư có thể thanh toán trực tiếp cho nhà thầu phụ hoặc thông qua nhà thầu chính.
Chủ đầu tư có thể đề xuất nhà thầu phụ chỉ định trong một số trường hợp nhưng Chủ đầu tư thường sẽ chỉ đề xuất nhà thầu đối với một số công trình đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt. Ví dụ như xây hầm lớn bắt qua sông, xây tuyến đường tàu điện ngầm. Các nhà thầu này thường là các nhà thầu đến từ nước ngoài với những trình độ kỹ thuật cao. Ngoài ra, nếu như nhà thầu chứng minh được khả năng có thể làm được hoặc tự mình tìm nhà thầu phụ thì chủ đầu tư phải tôn trọng quyết định này. Mặc khác, nhà thầu chính cũng có thể chứng minh nhà thầu phụ mà chủ đầu tư chỉ định không có khả năng thực hiện hợp đồng. Nhà thầu phải gửi thông báo cho Nhà tư vấn không ít hơn 28 ngày trước ngày dự định bắt đầu công việc của mỗi Nhà thầu phụ, và ngày bắt đầu thực hiện công việc đó trên Công trường.
Mỗi hợp đồng thầu phụ phải có các điều khoản cho phép Chủ đầu tư yêu cầu chuyển nhượng lại hợp đồng thầu phụ cho Chủ đầu tư theo Khoản 4.5 [Nhượng lại Lợi ích của Hợp đồng Thầu phụ] (nếu hoặc khi có thể áp dụng được) hoặc trong trường hợp chấm dứt theo Khoản 15.2 [Chấm dứt hợp đồng bởi Chủ đầu tư].
Trên đây là bài viết điều khoản về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu phụ trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.