Khi ký kết hợp đồng thi công, các bên cần phải quan tâm đến thời gian và tiến độ thực hiện thi công. Nếu như tiến độ thi công có chậm trễ thì các bên cần phải có phương án dự liệu trước trong hợp đồng hoặc phương hướng giải quyết tranh chấp. Bài viết này sẽ cung cấp những phân tích liên quan đến vấn đề này.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
– Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng
– Thông tư 26/2016/TT-BXD quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
2. Nội dung
Dưới đây là điều khoản mẫu:
Điều 7. Thời gian và tiến độ thực hiện Hợp đồng
7.1. Ngày khởi công, thời gian thực hiện Hợp đồng:
Ngày khởi công công trình là ngày … tháng … năm …(hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên thoả thuận).
Nhà thầu sẽ bắt đầu tiến hành thi công xây dựng công trình (ngay sau ngày khởi công) và sẽ thực hiện thi công xây dựng công trình đúng thời gian thực hiện Hợp đồng mà không được chậm trễ.
Nhà thầu phải hoàn thành toàn bộ công việc theo nội dung của Hợp đồng trong khoảng thời gian … ngày kể từ ngày Hợp đồng có hiệu lực.
=> Theo điều 8.1 về bắt đầu Công việc của Fidic thì trừ khi có quy định khác trong các Điều kiện Riêng của Hợp đồng, ngày bắt đầu công việc sẽ là ngày mà các điều kiện tiên quyết dưới đây đã được đáp ứng và nhà thầu đã nhận được thông báo của Nhà tư vấn có ghi nhận thỏa thuận của hai Bên về sự đáp ứng đó và chỉ dẫn bắt đầu Công việc:
(a) cả hai Bên đều đã ký vào Thỏa thuận Hợp đồng, và nếu được yêu cầu, cần
có sự phê duyệt Hợp đồng của các cơ quan chức năng thích hợp của Nước
sở tại;
(b) đã chuyển cho Nhà thầu bằng chứng thích đáng về sự Thu xếp Tài chính
của Chủ đầu tư (theo Khoản 2.4 [Thu xếp Tài chính của Chủ đầu tư]);
(c) trừ khi được quy định khác trong Dữ liệu Hợp đồng, tuyến đường ra vào
thuận tiện và quyền sở hữu Công trường phải được giao cho Nhà thầu
cùng với (các) giấy phép theo mục (a) của Khoản 1.13 [Tuân thủ Luật pháp]
theo yêu cầu để bắt đầu Công việc;
(d) xác nhận của Nhà thầu về việc đã nhận được Khoản Tạm ứng theo Khoản
14.2 [Tạm ứng] với điều kiện là Nhà thầu đã chuyển giấy bảo lãnh của ngân
hàng tương ứng.
Nếu Nhà thầu không nhận được chỉ dẫn đó của Nhà tư vấn trong vòng 180 ngày
kể từ ngày Nhà thầu nhận được Thư Chấp thuận, Nhà thầu có Quyền Chấm dứt
hợp đồng theo Khoản 16.2 [Chấm dứt hợp đồng bởi Nhà thầu].
Nhà thầu phải bắt đầu tiến hành thi công Công trình nhanh nhất có thể một cách
hợp lý sau Ngày Bắt đầu công việc, và phải xây dựng Công trình đúng thời hạn
không được chậm trễ.
=> Theo thông lệ, nhà thầu sẽ bắt đầu công việc thi công ngay khi nhận được các tài liệu đã liệt kê ở trên, trong đó giấy phép xây dựng và tiền tạm ứng là hai loại giấy tờ quan trọng nhất. Có giấy phép xây dựng, nhà thầu có thể tự nhiên mà thi công, có tiền tạm ứng, nhà thầu có thể sử dụng nó để mua vật liệu và trả tiền nhân công. Tuy nhiên, nhà thầu cần bắt tay vào ngay và luôn sau khi nhận được những loại giấy tờ đã được nêu ở trên.
7.2.Tiến độ thực hiện Hợp đồng
Căn cứ vào thời gian thực hiện Hợp đồng Nhà thầu phải lập tiến độ chi tiết để trình cho Chủ đầu tư trong vòng … ngày sau ngày khởi công. Nhà thầu cũng phải trình tiến độ thi công đã được sửa đổi nếu tiến độ thi công trước đó không phù hợp với tiến độ thực tế hoặc không phù hợp với nghĩa vụ của Nhà thầu. Trừ khi được quy định khác trong Hợp đồng, mỗi bản tiến độ thi công sẽ bao gồm:
a) Trình tự thực hiện công việc của nhà thầu và thời gian thi công cho mỗi giai đoạn chính của công trình;
b) Quá trình và thời gian kiểm tra, kiểm định;
c) Báo cáo tiến độ Nhà thầu phải thể hiện:
– Biện pháp tổ chức thi công trên công trường và các giai đoạn chính trong việc thi công công trình;
– Nhà thầu được phép điều chỉnh tiến độ chi tiết theo tuần, tháng nhưng phải phù hợp với tiến độ tổng thể của Hợp đồng.
Nhà thầu phải thực hiện theo tiến độ thi công và nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng. Nếu bản tiến độ thi công này không phù hợp với Hợp đồng thì Chủ đầu tư sẽ thông báo cho Nhà thầu trong vòng … ngày sau khi nhận được bản tiến độ thi công của Nhà thầu. Chủ đầu tư sẽ được phép dựa vào bản tiến độ thi công này để yêu cầu Nhà thầu thực hiện theo tiến độ của Hợp đồng.
Nhà thầu phải thông báo cho Chủ đầu tư về các tình huống cụ thể có thể xảy ra trong tương lai có tác động xấu hoặc làm chậm việc thi công công trình hay làm tăng giá hợp đồng. Trong trường hợp đó, Chủ đầu tư hoặc Nhà tư vấn có thể yêu cầu Nhà thầu báo cáo về những ảnh hưởng của các tình huống trong tương lai và đề xuất theo khoản 7.3 [Gia hạn thời gian hoàn thành]. Nhà thầu phải nộp cho Chủ đầu tư một bản tiến độ thi công sửa đổi phù hợp với khoản này.
=> Điều này có nghĩa, nhà thầu phải nộp tiến độ thi công chi tiết cho bên chủ đầu tư, sau khi chủ đầu tư chấp nhận thì nhà thầu sẽ tiến hành thi công. Nhà thầu phải thi công theo đúng tiến độ đã được cam kết ban đầu, luật cho phép nhà thầu có thể gia hạn thời gian hoàn thành nếu như nhà thầu đã lường trước được các rủi ro xảy ra cũng như nhà thầu có thể đề xuất phương án để khắc phục những rủi ro đó. Dĩ nhiên phải được nhà tư vấn kiểm tra về tính hợp lý cũng như được phê duyệt bởi chủ đầu tư.
Điều 8.6 của Fidic quy định như sau: Trừ khi Nhà tư vấn có thông báo khác, Nhà thầu sẽ áp dụng những biện pháp đã được sửa đổi này, trong đó có thể yêu cầu làm thêm giờ và/hoặc tăng Nhân lực của nhà thầu và/hoặc tăng Hàng hóa, mà Nhà thầu phải chịu rủi ro và mọi chi phí.
7.3. Gia hạn Thời gian hoàn thành
Nhà thầu được phép theo Điều 22 [Khiếu nại và xử lý các tranh chấp] gia hạn thời gian hoàn thành nếu do một trong những lý do sau đây:
a) Có sự thay đổi phạm vi công việc, thiết kế, biện pháp thi công theo yêu cầu của Chủ đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Hợp đồng.
b) Do ảnh hưởng của các trường hợp bất khả kháng như: ảnh hưởng của động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hoả hoạn, địch hoạ hoặc các sự kiện bất khả kháng khác;
c) Sự chậm trễ, trở ngại trên công trường do Chủ đầu tư, nhân lực của Chủ đầu tư hay các nhà thầu khác của Chủ đầu tư gây ra như: việc bàn giao mặt bằng không đúng với các thoả thuận trong Hợp đồng, các thủ tục liên quan ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Hợp đồng mà không do lỗi của Nhà thầu gây ra.
=> Điều khoản này cho phép nhà thầu có thể thay đổi tiến độ nhưng không phải lỗi ở bên đơn vị nhà thầu mà đó phải từ nguyên nhân khách quan: nguyên nhân từ chỗ chủ đầu tư như yêu cầu thay đổi bản vẽ công trình, các biện pháp thi công, bàn giao mặt bằng không đúng như thỏa thuận ban đầu, cản trở từ chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư, các sự kiện bất khả kháng.
Các thủ tục liên quan thường sẽ dính tới cơ quan công quyền hợp pháp quy định rất rõ trong điều 8.4 của Fidic như sau:
Nếu những điều kiện sau đây được áp dụng, cụ thể:
- Nhà thầu đã thực hiện đúng các thủ tục do các cơ quan công quyền hợp pháp tại Nước sở tại quy định,
- Nhà chức trách này làm chậm trễ hoặc gián đoạn công việc của Nhà thầu, và
- Việc chậm trễ hoặc gián đoạn công việc đó đã Không lường trước được.
khi đó việc chậm trễ hoặc gián đoạn này sẽ được coi là nguyên nhân gây chậm trễ theo mục (b) của Khoản 8.4 [Gia hạn Thời gian Hoàn thành].
7.4. Khắc phục tiến độ chậm trễ
Khi tiến độ đã bị chậm hơn so với tiến độ thi công như các bên đã thoả thuận trong Hợp đồng của công việc đó mà không phải do những nguyên nhân đã nêu trong khoản 7.3 [Gia hạn thời gian hoàn thành], khi đó Chủ đầu tư yêu cầu Nhà thầu trình một bản tiến độ thi công được sửa đổi để thực hiện tiến độ hoàn thành trong thời gian yêu cầu.
=> Điều luật trên quy định vẫn chưa rõ một số những vấn đề, thế nên chúng ta cần tham khảo quy định tại điều 8.7 của Fidic về thiệt hại do chậm trễ.
“Nếu Nhà thầu không tuân thủ Khoản 8.2 [Thời gian Hoàn thành], Nhà thầu phải
theo thông báo theo Khoản 2.5 [Khiếu nại của Chủ đầu tư], trả cho Chủ đầu tư đối
với những thiệt hại do chậm trễ này. Những thiệt hại do chậm trễ này sẽ là số tiền
được nêu trong Dữ liệu Hợp đồng, sẽ được trả cho tất cả số ngày trong khoảng
thời gian giữa Thời gian Hoàn thành và ngày đã nêu trong Chứng chỉ Nghiệm thu
công trình. Tuy nhiên, tổng số tiền theo Khoản này sẽ không vượt quá tổng số tiền
tối đa do thiệt hại vì chậm trễ gây ra (nếu có) được nêu trong Dữ liệu Hợp đồng”. Tức thay vì để xảy ra thiệt hại thì hai bên mối đưa nhau ra tòa để tính toán thiệt hại, thay vào đó, các bên có thể tự mình lường trước được những thiệt hại có thể gây ra do chậm tiến độ.
Ví dụ: Công ty A có doanh thu là 1 triệu đồng một ngày ở chi nhánh B, nay A tiến hành ký hợp đồng thuê C để thi công công trình tại chi nhánh D. Hai bên thỏa thuận là tới một ngày nào đó, C phải hoàn thành 80% tiến độ, tuy nhiên đến hạn mà C chỉ mới hoàn thành 60% thì C sẽ phải chịu một khoản bồi thường thiệt hại tương ứng với mỗi ngày chậm trễ.
3. Kết Luận
Khi các bên tham gia ký kết hợp đồng thi công, các bên sẽ phải xác định rõ thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng thông qua việc quy định rõ ràng với nhau về thời gian và tiến độ thực hiện như thế nào.
Nhà thầu sẽ bắt đầu công việc thi công ngay khi nhận được các tài liệu đã liệt kê ở điều 8.1 về bắt đầu Công việc của Fidic, trong đó giấy phép xây dựng và tiền tạm ứng là hai loại giấy tờ quan trọng nhất. Có giấy phép xây dựng, nhà thầu có thể tự nhiên mà thi công, có tiền tạm ứng, nhà thầu có thể sử dụng nó để mua vật liệu và trả tiền nhân công. Tuy nhiên, nhà thầu cần bắt tay vào ngay và luôn sau khi nhận được những loại giấy tờ đã được nêu ở trên.
Nhà thầu phải thi công theo đúng tiến độ đã được cam kết ban đầu, luật cho phép nhà thầu có thể gia hạn thời gian hoàn thành nếu như nhà thầu đã lường trước được các rủi ro xảy ra cũng như nhà thầu có thể đề xuất phương án để khắc phục những rủi ro đó. Dĩ nhiên phải được nhà tư vấn kiểm tra về tính hợp lý cũng như được phê duyệt bởi chủ đầu tư.
Nhà thầu có thể thay đổi tiến độ nhưng sự thay đổi này không phải lỗi ở bên đơn vị nhà thầu mà đó phải từ nguyên nhân khách quan: nguyên nhân từ chỗ chủ đầu tư như yêu cầu thay đổi bản vẽ công trình, các biện pháp thi công, bàn giao mặt bằng không đúng như thỏa thuận ban đầu, cản trở từ chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư, các sự kiện bất khả kháng.
Nhà thầu phải áp dụng những biện pháp cần thiết như tăng cường nhân lực, tăng ca đối với nhân viên để kịp tiến độ thi công sau khi đã bị chậm trễ. Hơn thế nữa, nhà thầu vẫn phải chịu một khoản bồi thường thiệt hại do việc chậm tiến độ.
Trên đây là bài viết điều khoản về trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.