Ở bài viết trước, chúng ta đã có những phân tích về 04 khoản trong điều 6 của yêu cầu về chất lượng sản phẩm, Yêu cầu về chất lượng sản phẩm và nghiệm thu, bàn giao sản phẩm Hợp đồng thi công xây dựng. Bài viết này sẽ tập trung phân tích 04 điều khoản còn lại của điều khoản trên.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng
– Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
– Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng
– Thông tư 26/2016/TT-BXD quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
2. Nội dung
Dưới đây là điều khoản mẫu:
Do điều khoản rất dài, nên quý khách sẽ tải về đầy đủ ở đây:
Đối với nội dung yêu cầu này thì bao gồm 08 nội dung tổng quát:
- Yêu cầu về chất lượng sản phẩm của Hợp đồng thi công xây dựng
- Kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư
- Nghiệm thu sản phẩm các công việc hoàn thành
- Chạy thử của công trình
- Nghiệm thu, bàn giao công trình và các hạng mục công trình
- Trách nhiệm của Nhà thầu đối với các sai sót
- Các kiểm định thêm
- Những nghĩa vụ chưa được hoàn thành
Dưới đây là 04 điều khoản cần phân tích
Điều 6. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm và nghiệm thu, bàn giao sản phẩm Hợp đồng thi công xây dựng
6.5. Nghiệm thu, bàn giao công trình và các hạng mục công trình:
Sau khi các công việc theo Hợp đồng được hoàn thành, công trình chạy thử (nếu có) đáp ứng yêu cầu của Hợp đồng thì Nhà thầu sẽ thông báo cho Chủ đầu tư để tiến hành nghiệm thu công trình.
Nhà thầu thông báo cho Chủ đầu tư để nghiệm thu công trình không sớm hơn … ngày trước khi công trình được hoàn thành và sẵn sàng để bàn giao. Nếu công trình được chia thành các hạng mục, Nhà thầu có thể đề nghị nghiệm thu theo hạng mục.
Sau khi công trình đủ điều kiện để nghiệm thu, hai bên lập biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành theo Hợp đồng. Nếu có những công việc nhỏ còn tồn đọng lại và các sai sót về cơ bản không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng công trình thì những tồn đọng này được ghi trong biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình và Nhà thầu phải có trách nhiệm hoàn thành những tồn đọng này bằng chi phí của mình.
Trường hợp công trình chưa đủ điều kiện để nghiệm thu, bàn giao; các bên xác định lý do và nêu cụ thể những công việc mà Nhà thầu phải làm để hoàn thành công trình.
=> Điều khoản này đã nêu rõ các bên nhà thầu có trách nhiệm phải tiến hành thông báo đến chủ đầu tư về việc công trình đã hoàn thành, điều này cũng sẽ được gửi trước khi công trình hoàn thành từ 03 cho đến 05 ngày để chủ đầu tư sắp xếp thời gian tiến hành nghiệm thu công trình, trong Fidic 2010 thì quy định là trước khi công trình hoàn thành 14 ngày. Các bên cũng có thể thỏa thuận để nghiệm thu theo từng hạng mục đối với những công trình có nhiều hạng mục. Trong quá trình nghiệm thu nếu thấy có sự sai xót và tồn đọng mà sự sai sót này không đáng kể thì bên nhà thầu sẽ tiếp tục hoàn thiện và hai bên sẽ nghiệm thu lại vào thời gian khác. Dĩ nhiên chi phí này phải do bên nhà thầu tự chịu trách nhiệm.
Điều 11.2 về chi phí sửa chữa sai sót trong Fidic quy định như sau:
Tất cả công việc được nêu trong mục (b) Khoản 11.1 [Hoàn thành Công việc còn Tồn đọng và Sửa chữa Sai sót] phải được tiến hành với rủi ro và chi phí của nhà thầu nếu và ở mức độ công việc được quy cho là:
(a) bất kỳ thiết kế nào mà Nhà thầu chịu trách nhiệm
(b) Thiết bị, Vật liệu hoặc tay nghề không phù hợp với Hợp đồng, hoặc
(c) Nhà thầu không tuân thủ bất kỳ nghĩa vụ nào khác.
Như vậy, các bên có thể tham khảo quy định này để cho hợp đồng được chi tiết hơn, nhà thầu cũng sẽ không có cơ hội để chối bỏ trách nhiệm khi có sai sót xảy ra.
6.6.Trách nhiệm của Nhà thầu đối với các sai sót
a) Bằng kinh phí của mình Nhà thầu phải:
Hoàn thành các công việc còn tồn đọng vào ngày đã nêu trong biên bản nghiệm thu, bàn giao trong khoảng thời gian hợp lý mà Chủ đầu tư yêu cầu.
=> Điều khoản này cho phép nhà thầu phải chịu trách nhiệm về những sai sót do mình gây ra. Chủ đầu tư và nhà thầu có thể thỏa thuận về thời gian mà nhà thầu được phép hoàn thành những sai sót trên nhưng trong một số trường hợp mà chủ đầu tư đã lên kế hoạch để đưa nó vào sử dụng thì nhà thầu phải hoàn thành các sai sót vào đúng ngày mà chủ đầu tư yêu cầu. Điều 11.1 của Fidic về hoàn thành công việc còn tồn đọng và Sửa chữa Sai sót thì cũng khuyến khích nhà thầu sẽ hoàn thành trước ngày chủ đầu tư đã thông báo là phải sửa chữa sai sót xong.
b) Trường hợp không sửa chữa được sai sót:
– Nếu Nhà thầu không sửa chữa được các sai sót hay hư hỏng trong khoảng thời gian hợp lý, Chủ đầu tư hoặc đại diện của Chủ đầu tư có thể ấn định ngày để sửa chữa các sai sót hay hư hỏng và thông báo cho Nhà thầu biết về ngày này.
– Nếu Nhà thầu không sửa chữa được các sai sót hay hư hỏng vào ngày đã được thông báo, Chủ đầu tư (tuỳ theo lựa chọn) có thể:
Tự tiến hành công việc hoặc thuê người khác sửa chữa và Nhà thầu phải chịu mọi chi phí, Nhà thầu sẽ không phải chịu trách nhiệm về công việc sửa chữa nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm tiếp tục nghĩa vụ của mình đối với công trình theo Hợp đồng.
=> Điều khoản này quy định nếu như vào lúc đó, nhà thầu không còn đủ nhân lực hoặc tiềm lực tài chính để sửa chữa những sai sót hợp lý mà chủ đầu tư đưa ra. Chủ đầu tư sẽ tự mình thực hiện (đối với những công ty, tập đoàn chuyên đầu tư thì họ sẽ có một bộ phận để thi công, thậm chí là giám sát công trình. Ví dụ như công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh) hoặc thuê một nhà thầu khác nhưng chi phí phải do nhà thầu trả do lỗi này do nhà thầu gây ra. Tuy nhiên, nhà thầu sẽ không phải chịu trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, khối lượng và chất lượng công trình.
Tại điểm b điều 11.4 của Fidic cũng quy định về việc không sửa chữa sai sót. Quy định ở trên cũng khá giống với quy định của Fidic nhưng có Fidic có những bổ sung chi tiết như sau:
Chủ đầu tư (tùy lựa chọn) có thể:
(b) yêu cầu Nhà tư vấn đồng ý hoặc quyết định khấu trừ hợp lý từ Giá Hợp
đồng theo Khoản 3.5 [Quyết định];
=> Theo Fidic thì chủ đầu tư thông qua sự tham khảo ý kiến từ nhà tư vấn sẽ đồng ý cho nhà thầu không phải trả chi phí cho việc sửa chữa mà sẽ khấu trừ vào tiền thanh toán cuối cùng với nhà thầu. Đây cũng là một giải pháp tốt vì chủ đầu tư có thể chấm dứt hoàn toàn với nhà thầu không có uy tín và năng lực này.
c) Nếu sai sót hoặc hư hỏng dẫn đến việc Chủ đầu tư bị mất toàn bộ lợi ích từ công trình hay phần lớn công trình, sẽ chấm dứt toàn bộ Hợp đồng hay phần lớn công trình không thể đưa vào sử dụng cho mục đích đã định. Khi đó, theo Hợp đồng Nhà thầu sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Chủ đầu tư.
=> Điều khoản này là hoàn toàn hợp lý, bởi vì mục đích của chủ đầu tư thuê nhà thầu xây dựng là để sử dụng được công trình. Tuy nhiên, nếu công trình không thể sử dụng được thì xem như mục đích không đạt được, vì thế việc nhà thầu phải bồi thường thiệt hại từ việc chủ đầu tư không khai thác được công dụng của công trình là điều hoàn toàn đích đáng. Thiệt hại này phải thực tế, ví dụ: Chi phí thuê nhà thầu khác sửa chữa lại, lợi nhuận lẽ ra sẽ có nếu như công trình được hoàn thành đúng thời hạn và đáp ứng về chất lượng.
Theo điểm C Điều 11.4 của Fidic thì chủ đầu tư có quyền đòi lại toàn bộ số tiền đã trả cho công trình hoặc một phần công trình đó cộng thêm với phí tổn thất tài chính và chi phí tháo dỡ, dọn dẹp công trường và trả lại thiết bị, vật liệu cho nhà thầu.
d) Nếu sai sót hoặc hư hỏng không thể sửa chữa tốt ngay trên công trường được và được Chủ đầu tư đồng ý, Nhà thầu có thể chuyển khỏi công trường thiết bị hoặc cấu kiện bị sai sót hay hư hỏng để sửa chữa.
=> Điều khoản này này cho phép nhà thầu có thể đem những bộ phận bị hư hỏng ra khỏi công trình để sửa chữa nếu được chủ đầu tư đồng ý vì sau khi tiến hành nghiệm thu thì các tài sản trong phạm vi của công trình đều thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư. Tuy nhiên tại điểm c điều 11.4 của Fidic cũng có bổ sung chi tiết đối với trường hợp chủ đầu tư đồng ý như sau: “Sự đồng ý này của chủ đầu tư có thể yêu cầu Nhà thầu tăng số tiền Bảo lãnh Thực hiện hợp đồng bằng chi phí thay thế toàn bộ các hạng mục này, hay cung cấp sự bảo đảm phù hợp khác”.
6.7. Các kiểm định thêm:
Nếu việc sửa chữa sai sót hoặc hư hỏng làm ảnh hưởng đến sự vận hành của công trình, Chủ đầu tư có thể yêu cầu tiến hành lại bất cứ cuộc kiểm định nào nêu trong Hợp đồng, bao gồm cả các cuộc kiểm định khi hoàn thành và kiểm định sau khi hoàn thành. Yêu cầu này được thông báo trong khoảng thời gian …… ngày sau khi đã sửa chữa sai sót hoặc hư hỏng.
Các kiểm định này phải được tiến hành theo các điều kiện được áp dụng cho các kiểm định trước, chỉ khác là được tiến hành bằng kinh phí của Nhà thầu.
=> Quy định trên nhằm mục đích trao cho chủ đầu tư được theo sát công trình hơn sau khi đã cảm thấy mất niềm tin vào những sai sót mà nhà thầu đã gây ra đối với công trình. Kể cả sau khi đã sửa chữa sai sót thì nhà làm luật vẫn cho phép chủ đầu tư thử nghiệm bổ sung. Thời gian thử nghiệm bổ sung theo điều 11.6 của Fidic “Các yêu cầu này sẽ được thông báo trong vòng 28 ngày sau khi đã sửa chữa sai sót hoặc hư hỏng”.
6.8. Những nghĩa vụ chưa được hoàn thành
Sau khi đã cấp biên bản nghiệm thu, bàn giao; mỗi bên sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ vẫn chưa được thực hiện tại thời điểm đó. Hợp đồng vẫn được coi là có hiệu lực đối với nội dung và phạm vi của những nghĩa vụ chưa được hoàn thành.
=> Những nghĩa vụ có thể được kể đến như: nghĩa vụ bảo hành, bảo hiểm công trình trong một thời gian nhất định. Đối với thời gian bảo hành quy định tại khoản 2 Điều 35 của thông tư 46/2015 về yêu cầu bảo hành công trình xây dựng như sau:
- Không ít hơn 24 tháng đối với công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấpI;
- Không ít hơn 12 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp còn lại;
- Riêng đối với nhà ở, thời gian bảo hành theo quy định của pháp luật về nhà ở
Đối với bảo hành nhà ở thì quy định tại khoản 2 điều 85 của Luật Nhà Ở về bảo hành nhà ở như sau:
- Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;
- Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.
Tại điều 11.9 của FIDIC quy định về chứng nhận hoàn thành công trình có ghi nhận về sự việc, nhà thư vấn sẽ cấp chứng nhận Hoàn thành công trình và quy định rằng: “Chỉ có chứng nhận Hoàn thành công trình mới được xem là nghiệm thu toàn bộ công trình”.
Ở Việt Nam chúng ta thường được gọi là biên bản hoàn công hoặc biên bản hoàn thành nghiệm thu công trình. Là căn cứ để đăng ký quyền sở hữu công trình của chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình.
3. Kết Luận
Để có thể hoàn thành một công trình xây dựng thì nhà thầu phải trải qua một thời gian rất dài để thi công, trong quá trình thi công thì nhà thầu cũng đã phải chịu sự giám sát của chủ đầu tư, cũng như nhà tư vấn. Sau khi đã hoàn thành công trình thì cũng phải tiến hành nghiệm thu, sửa chữa sai sót và nhà thầu phải chịu hoàn toàn bằng chi phí của mình. Nếu không thể thực hiện chỉnh sửa sai sót ấy thì nhà thầu có thể thỏa thuận để được nghiệm thu và thanh toán ứng với số tiền ở những hạng mục đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu sau khi đã sửa chữa sai sót hoặc được thanh toán số tiền ở những hạng mục đã hoàn thành mà vẫn gây thiệt hại cho chủ đầu thì nhà thầu phải tiến hành bồi thường nếu thiệt hại đó xuất phát từ sai sót của nhà thầu.
Nhà thầu có thể đem những bộ phận bị hư hỏng ra khỏi công trình để sửa chữa nếu được chủ đầu tư đồng ý vì sau khi tiến hành nghiệm thu thì các tài sản trong phạm vi của công trình đều thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư. Tuy nhiên tại điểm c điều 11.4 của Fidic cũng có bổ sung chi tiết đối với trường hợp chủ đầu tư đồng ý thì chủ đầu tư có thể yêu cầu Nhà thầu tăng số tiền Bảo lãnh Thực hiện hợp đồng bằng chi phí thay thế toàn bộ các hạng mục này, hay cung cấp sự bảo đảm phù hợp khác
Quy định về kiểm định thêm nhằm mục đích trao cho chủ đầu tư được theo sát công trình hơn sau khi đã cảm thấy mất niềm tin vào những sai sót mà nhà thầu đã gây ra đối với công trình. Sau khi đã tiến hành sửa chữa những sai sót, các bên sẽ lập biên bản hoàn công hoặc biên bản hoàn thành nghiệm thu công trình. Là căn cứ để đăng ký quyền sở hữu công trình của chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình. Tuy nhiên, sau khi nhận biên bản này và đăng ký chủ sở hữu công trình thì những nghĩa vụ có thể được kể đến như: nghĩa vụ bảo hành, bảo hiểm công trình vẫn còn trong một thời gian nhất định.
Trên đây là bài viết điều khoản về chất lượng sản phẩm và nghiệm thu phần 2 trong chuỗi bài viết về hợp đồng thi công xây dựng của chúng tôi. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.