Khi tham gia ký kết hợp đồng về việc mua bán hàng hóa thì điều khoản giao hàng là một trong những điều khoản vô cùng quan trọng. Nắm bắt nhu cầu đó, công ty luật chúng tôi xin gửi đến quý khách những phân tích liên quan đến điều khoản giao hàng.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật thương mại 2005
2. Nội dung
2.1. Những vấn đề liên quan đến giao hàng
Tại khoản 8 – điều 3 của Luật thương mại 2005 quy định:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
…
- Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.
Từ khái niệm trên, luật thương mại đã quy định rạch ròi về nghĩa vụ giao hàng của bên bán và nghĩa vụ thanh toán của bên mua khi hai bên giao kết hợp đồng
Điều 34. Giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa
- Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.
- Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của Luật này.
Như vậy, luật thương mại quy định bên bán cần phải giao đầy đủ hàng hóa và các chứng từ liên quan trong hợp đồng cho bên mua
Tuy nhiên, địa điểm và thời gian giao hàng là rất quan trọng.
Tại điều 35 của luật thương mại quy định như sau:
Điều 35. Địa điểm giao hàng
1. Bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thoả thuận.
2. Trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:
a) Trường hợp hàng hoá là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hoá đó;
b) Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hoá thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;
c) Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;
d) Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.
Như vậy, một lần nữa luật thương mại lại thể hiện những nội dung trong hợp đồng sẽ được do hai bên thỏa thuận. Chỉ trong trường hợp các bên không thể xác định được nơi giao hàng thì các bên mới tham khảo các quy định của luật thương mại. Đa phần các gợi ý đều xác định địa điểm giao hàng là nơi sản xuất, chế tạo hàng hóa hoặc nơi cứ trú của bên bán. Điều này theo đánh giá của chúng tôi là hợp lý vì đây là nơi sản xuất và chưa đựng hàng hóa nên nếu có xảy ra tranh chấp thì có thể dễ dàng thu thập chứng cứ.
Còn ở điểm b, khoản 2 thì có nghĩa rằng: Nếu A là bên bán giao hàng cho B, B thuê C là công ty vận chuyển hàng hóa và ghi nhận trong hợp đồng thì A sẽ chuyển giao hàng cho C. Còn việc B và C có thỏa thuận để thuê thêm bên nào vận chuyển hàng hóa hay không thì A không cần quan tâm.
Còn về thời hạn giao hạn giao hàng thì tại điều 37 của Luật thương mại 2005 có quy định về điều đó như sau:
Điều 37. Thời hạn giao hàng
- Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng.
- Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.
- Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.
Các bên được tự do thỏa thuận thời gian, nếu bên bán hoặc bên mua có một số vấn đề về tài chính hoặc vận chuyển khi hàng hóa đã được chuẩn bị thì các bên được tự chọn khoản thời gian, bên bán chỉ cần thông báo trước trong khoản thời gian đó để bên mua chuẩn bị phương tiện vận chuyển, nhân viên và tiền để nhận hàng.
Còn về một thời hạn hợp lý thì còn tùy thuộc vào khoảng cách địa lý giữa hai bên, tốc độ sản xuất hàng hóa thường lệ của bên bán. Ví dụ: A đặt B để mua 100 chiếc xe đạp, B sản xuất trung bình 30 chiếc mỗi ngày thì ngày giao hàng có thể là ngày thứ 5 kể từ khi hai bên ký kết hợp đồng nếu như hai bên không có thỏa thuận về thời điểm giao hàng. Nếu A và B có thỏa thuận về thời gian giao hàng mà B giao trước thời hạn thì cần phải tuân theo quy định tại điều 38 của luật thương mại
Điều 38. Giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận
Trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thoả thuận khác.
Trường hợp này có thể xảy ra khi B sản xuất xong 100 chiếc xe trước thời hạn và thấy nên giải quyết hợp đồng với A để có thời gian giải quyết những hợp đồng khác. Nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tài chính, người vận chuyển, kho chứa hàng của A nên nếu không có thỏa thuận thì luật chỉ cho phép B giao trước nếu được A đồng ý.
2.2. Những điều lưu ý khi nhận hàng
2.2.1. Hàng hoá không phù hợp với hợp đồng
Luật thương mại cũng quy định cụ thể về vấn đề này tại điều 39 như sau:
Điều 39. Hàng hoá không phù hợp với hợp đồng
1. Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;
b) Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
c) Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;
d) Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.
2. Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Ví dụ: A ký hợp đồng để mua 1000 quyển sách kỹ năng từ B. Tới ngày giao hàng B vẫn giao đúng 1000 quyển, nhưng qua kiểm tra A phát hiện tới 500 quyển sách là sách phô tô và được đặt ở hàng cuối cùng của lô hàng. Trong tình huống này A có quyền từ chối chối nhận hàng.
+ Trách nhiệm đối với hàng hoá không phù hợp với hợp đồng:
Tại điều 40 luật thương mại quy định
Điều 40. Trách nhiệm đối với hàng hoá không phù hợp với hợp đồng
Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:
- Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;
- Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật này, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;
- Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.
Quy định này sẽ được áp dụng nếu hai bên không có thỏa thuận để xử lý. Vậy là nếu như bên mua không được biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết của hàng hóa thì bên bán phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, kể cả khi thời điểm chuyển giao rủi ro cho bên mua. Quy định này là rất hợp lý vì nó đòi hỏi không những tính trung thực, thiện chí của bên bán mà còn đòi hỏi cả sự cẩn thận và chu đáo khi tham gia ký kết hợp đồng.
+ Biên pháp khắc phục:
Tại điều 41 quy định về khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng như sau:
Điều 41. Khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng
- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao thiếu hàng hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu hoặc thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong thời hạn còn lại.
- Khi bên bán thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.
Như vậy biện pháp khắc phục này cũng tạo điều kiện cho bên bán được khắc phục hậu quả nếu như bên bán giao hàng trước khi hết hạn hợp đồng nhưng cũng phải chịu chi phí phát sinh gây ra cho bên mua.
2.2.2. Giao thừa hàng
Tại điều 43 của luật thương mại quy định như sau:
Điều 43. Giao thừa hàng
- Trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó.
- Trường hợp bên mua chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán theo giá thoả thuận trong hợp đồng nếu các bên không có thoả thuận khác.
Vậy nếu giao thừa hàng thì việc nhận hàng là quyền của bên mua, bên mua không có trách nhiệm với số hàng thừa ấy. Còn về giá cả thì sẽ thanh toán theo giá thỏa thuận trong hợp đồng.
2.2.3. Kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng
Việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng là rất quan trọng, bước này nếu làm kỹ lưỡng sẽ hạn chế những tranh chấp giữa hai bên sau khi nhận hàng. Thế nên, luật thương mại cũng dành hẳn một điều để bàn về việc này. Các bên có thể đem điều luật này vô làm một điều khoản cho hợp đồng của mình.
Điều 44 của luật thương mại về kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng
Điều 44. Kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng
- Trường hợp các bên có thoả thuận để bên mua hoặc đại diện của bên mua tiến hành kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng thì bên bán phải bảo đảm cho bên mua hoặc đại diện của bên mua có điều kiện tiến hành việc kiểm tra.
- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên mua hoặc đại diện của bên mua trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải kiểm tra hàng hóa trong một thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép; trường hợp hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa thì việc kiểm tra hàng hoá có thể được hoãn lại cho tới khi hàng hoá được chuyển tới địa điểm đến.
- Trường hợp bên mua hoặc đại diện của bên mua không thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng theo thỏa thuận thì bên bán có quyền giao hàng theo hợp đồng.
- Bên bán không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hoá.
- Bên bán phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã kiểm tra nếu các khiếm khuyết của hàng hoá không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua.
Như vậy, bên mua thậm chí có quyền kiểm tra hàng hóa trước cả thời điểm giao hàng.
Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng mua 210 tấn cà phê với công ty B thì công ty A có thể đến công ty để kiểm tra chất lượng của 210 tấn cà phê này ngay tại công ty B nếu như công ty B đồng ý. Điều này sẽ giúp cho A có sự kiểm tra thực tế hơn về chất lượng và số lượng mà lô hàng mình sẽ nhận sắp tới.
Tuy nhiên, dựa ở quy định trên thì nếu A đã thuê chuyên gia riêng để đến kiểm định mà đến ngày giao, chất lượng hàng hóa không đổi thì nếu có khiếm khuyết xảy ra mà được xác định không phải lỗi của bên B thì A sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự khiếm khuyết đó. Ví dụ: phát hiện cà phê bị mốc mà vẫn cho qua.
Một điều mà bên mua cũng rất quan tâm. Đó là sự hợp pháp của hàng hóa mà mình nhận từ phía bên bán. Nên điều 45 cũng quy định về nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hóa như sau:
Điều 45. Nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hoá
Bên bán phải bảo đảm:
- Quyền sở hữu của bên mua đối với hàng hóa đã bán không bị tranh chấp bởi bên thứ ba;
- Hàng hóa đó phải hợp pháp;
- Việc chuyển giao hàng hoá là hợp pháp
Tóm lại, có thể thấy việc giao nhận hàng không phải là một việc dễ dàng từ khâu ký hợp đồng, thời gian giao hàng, khâu kiểm tra cho đến tính hợp pháp của hàng hóa đó. Ngoài việc căn cứ vào những quy định của pháp luật, các bên còn phải sử dụng trí tuệ để vô hiệu hóa những rào cản cho mình ngay từ đầu, sử dụng những chuyên gia riêng để kiểm định hàng hóa. Đối với những hợp đồng có giá trị cao, quý khách nên liên hệ với luật Minh Mẫn chúng tôi để được tư vấn và soạn thảo hợp đồng sao cho chặt chẽ nhất.