THỜI ĐIỂM CHUYỂN GIAO RỦI RO TRONG MUA BÁN HÀNG HÓA

Khi tham gia ký kết hợp đồng về việc mua bán hàng hóa thì ngoài việc giao hàng thì thời điểm chuyển giao rủi ro do hàng hóa mang lại giữa các bên  cũng là điều khoản vô cùng quan trọng. Nắm bắt nhu cầu đó, công ty luật chúng tôi xin gửi đến quý khách những phân tích liên quan đến việc chuyển giao rủi ro.

1. Cơ sở pháp lý

– Luật thương mại 2005

2. Nội dung

Việc chuyển giao rủi ro do hàng hóa mang lại rất quan trọng nên tại điều 57 đến điều 61 của Luật thương mại 2005 quy định rất kỹ về vấn đề này.

2.1. Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định

Ví dụ: công ty A ký hợp đồng để mua 210 tấn Nho mỹ từ công ty B để bán lẻ đến các kênh chợ.Trong điều khoản hai bên có thỏa thuận là A sẽ đến kho của công ty B để kiểm tra hàng, nếu hàng đúng với chất lượng và số lượng như trong hợp đồng thì B sẽ cho xe tải để vận chuyển hàng về kho của A sau khi A tiến hành tới kiểm hàng.

Điều 57. Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.

Như vậy, áp dụng điều 57 thì rủi ro do hàng hóa gây ra đã được chuyển giao cho A kể từ khi A đồng ý cho xe của B vận chuyển về kho chứa của mình.

2.2. Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định

Tại điều 58 của luật thương mại quy định

Điều 58. Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hoá và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.

Cũng trong tình huống trên thì sau khi đến kiểm hàng, A đã thỏa thuận trong hợp đồng là sẽ thông báo về địa điểm sau. Sau đó một ngày, A gửi mail để yêu cầu B giao hàng ở kho của công ty C (A thuê kho của công ty C) thì thời điểm chuyên giao rủi ro từ B sang A sẽ là khi B hoàn tất việc giao hàng tại kho của C.

2.3. Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển

Tại điều 59 của luật thương mại quy định

Điều 59. Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hàng hoá đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá;
  2. Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá của bên mua.

Ví dụ: Trong trường hợp trên, công ty B thuê dịch vụ vận chuyển của công ty C để giao hàng cho A. Thì những rủi ro như: nho bị dập khi vận chuyển, nho bị rơi rớt trên đường vận chuyển sẽ vẫn thuộc về công ty B cho đến khi đại diện của công ty A hoặc người được ủy quyền nhận hàng, tiến hành ký nhận hàng.

2.4. Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển

Điều 60. Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.

Ví dụ: Cũng từ ví dụ trên, nho mà hai bên ký kết phải vận chuyển từ Mỹ, khi hai bên đã thống nhất ngày giao hàng thì cửa khẩu cuối cùng bị cấm nhập cảnh, công ty C tại nước sở tại biết được thông tin nên đã chủ động mua lô hàng với giá cao hơn. Do hàng không thể nhập được và B cũng đã báo trước cho A điều này nên hai bên chấp nhận hủy hợp đồng. Trường hợp này thì C sẽ phải chịu rủi ro kể từ khi ký kết hợp đồng với B

Vì vậy, cần xác định sự khác nhau giữa việc hàng hóa đang trên đường vận chuyển với hàng hóa đã được mua và vận chuyển sau khi ký hợp đồng.

2.5. Một số quy định khác

Điều 61. Chuyển rủi ro trong các trường hợp khác

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc chuyển rủi ro trong các trường hợp khác được quy định như sau:

  1. Trong trường hợp không được quy định tại các điều 57, 58, 59 và 60 của Luật này thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;
  2. Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hoá không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.

Như vậy, chỉ cần căn cứ vào 2 điều khoản này để xác định thời điểm chuyển giao rủi ro đối với những trường hợp còn lại. Nhà làm luật cũng quy định rất cụ thể về việc khi nào thì các bên sẽ phải chịu rủi ro một cách cụ thể nhất. Hai bên cần có một giao kết nhận hàng bằng văn bản để tránh tranh chấp diễn ra sau này.

Tóm lại, việc xác định thời điểm nào rủi ro được chuyển giao là rất quan trọng vì nó sẽ hạn chế được việc các bên đem nhau ra tòa khi hàng hóa xảy ra khiếm khuyết hoặc hư hỏng. Các bên nếu không có thỏa thuận, có thể dựa vào luật thương mại để biết là mình đang sai hay đúng. Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Minh Mẫn chúng tôi liên quan đến vấn đề chuyển rủi ro. Những điều trên áp dụng cho giao lưu buôn bán trong nước hoặc có yếu tố nước ngoài mà các bên thống nhất chọn luật Việt Nam để điều chỉnh. Những quy định về chuyển giao rủi ro có tính quốc tế và phức tạp hơn sẽ có ở những bài viết sau.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THỜI ĐIỂM CHUYỂN GIAO RỦI RO TRONG MUA BÁN HÀNG HÓA