Khi tham gia giao kết hợp đồng thì các bên luôn trong tư thế thiện chí để thỏa thuận cùng nhau. Tuy nhiên, không phải thỏa thuận nào cũng sẽ được pháp luật bảo vệ, không phải thỏa thuận nào cũng được pháp luật cho phép. Vì thế, các bên cần lưu ý về việc hợp đồng mà các bên đang ký kết phải dựa trên những quy định của pháp luật. Bài viết này sẽ bàn về những phương pháp điều chỉnh của pháp luật.
1. Cơ sở pháp lý
– Bộ Luật dân sự 2015
– Luật thương mại 2005
2. Nội dung
Những phương pháp được sử dụng để điều chỉnh hợp đồng đó là:
– Thỏa thuận tự do
– Những văn bản quy phạm pháp luật
– Áp dụng tập quán
– Áp dụng tương tự pháp luật
2.1. Phương pháp thỏa thuận bình đẳng
Tại điều 385 của bộ luật dân sự 2015 quy đinh khái niệm về hợp đồng
Điều 385. Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Thậm chí, về hình thức thì theo điều 119 quy định về hình thức của giao dịch dân sự cũng cho phép các bên có thể lựa chọn nhiều hình thức để giao kết
Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
- Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Như vậy, các bên có quyền thỏa thuận về loại hợp đồng và nội dung về hợp đồng. Tùy thuộc vào đối tượng được lựa chọn để giao kết
Ví dụ: một bên cần xây dựng chung cư thì bên còn lại đáp ứng toàn bộ quá trình. Hai bên sẽ ký hợp đồng chìa khóa trao tay. Một bên cần tiền, bên còn lại có nhu cầu lấy lãi từ đồng tiền của mình, thế là hai bên ký kết với nhau hợp đồng vay tiền.
Nói chung, các bên có quyền tự do thỏa thuận với nhau
2.2. Phương pháp áp dụng những quy định của pháp luật
Tuy nhiên, tại điều 385 quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
- Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, dù là việc dân sự cốt ở hai bên. Tuy nhiên, chúng ta cần phải ghi nhận là mọi sự thỏa thuận nó phải không trái với điều cấm của luật. Ví dụ: hai bên không thể ký kết hợp để mua ma túy vì bộ luật hình sự xem việc mua bán trái phép chất ma túy là tội phạm (điều 251 Bộ luật hình sự).
Các bên cũng không được thỏa thuận những điều trái với đạo đức xã hội. Ví dụ: A ký hợp đồng để bán con cho B với giá 20 triệu đồng.
Cho nên ngoài việc áp dụng nguyên tắc thỏa thuận, các bên còn chịu sự điều chỉnh của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật
+ Luật (ví dụ: Bộ luật dân sự 2015)
+ Nghị định (Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất)
+ Thông tư
+ Công Văn
+ Quyết định
Các thỏa thuận nếu trái với các quy định này có thể bị tuyên là vô hiệu nếu xảy ra tranh chấp. Ngoài ra, nếu vi phạm điều cấm, mà thực hiện điều cấm đó thì có thể bị xử phạt hành chính (Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.3. Áp dụng tập quán pháp
Về khái niệm, tại điều 5 của BLDS
Điều 5. Áp dụng tập quán
- Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
Người xưa có câu “Phép vua thua lệ làng”. Thế nên, việc bộ luật dân sự cho phép áp dụng tập quán pháp là phù hợp với tình hình xã hội ở Việt Nam ta. Đặc biệt, ở những vùng núi Tây Bắc, Tây Nam Bộ, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ví dụ: Tại bản án phúc thẩm có số hiệu: 1309/2014/DSPT thì tòa án đã bác yêu cầu của nguyên đơn, kiện nguyên đơn vay số tiền 16.730.000.000 đồng. Tòa án lập luận rằng
“Việc bà NĐ_Linh khai bà BĐ_Hoa vay tiền để kinh doanh là không phù hợp, vì tại thời điểm chuyển tiền, bà BĐ_Hoa có khoản tiền lớn hơn khoản tiền bà NĐ_Linh chuyển; số tiền bà ND_Linh chuyển có số lẻ, nên không phù hợp với thực tế tập quán vay mượn tiền thông thường với giá trị lớn”
Đây được xem là một tập quán pháp trong giao kết hợp đồng.
2.4. Áp dụng tương tự pháp luật
Trong việc áp dụng các điều khoản để giao kết hợp đồng thì không phải lúc nào các quy định pháp luật có thể bắt kịp được các tình huống xảy ra trong đời sống xã hội.
Vì thế, đôi khi các bên được phép linh hoạt trong việc áp dụng tương tự pháp luật
Theo quy định tại điều 6 của BLDS
Điều 6. Áp dụng tương tự pháp luật
- Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
- Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.
Tóm lại, ngoài việc các bên được tự do thể hiện ý chí của mình khi tham gia giao kết hợp đồng thì các bên không được thỏa thuận những điều khoản cấm theo luật định, không được trái với những quy định của pháp luật. Các bên cần lưu ý những vấn đề này để thỏa thuận trong hợp đồng sẽ không bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.