Khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên đều mong muốn đạt được mục đích giao kết của mình. Tuy nhiên, do chưa hiểu biết tường tận những quy định của pháp luật, cộng với một số trường hợp trá hình trong giao dịch mà các hợp đồng khi xảy ra tranh chấp sẽ bị tuyên vô hiệu bởi tòa án. Bài viết này nhằm cung cấp những kiến thức lý thuyết và thực tế trong trường hợp hợp đồng bị tuyên vô hiệu và cách xử lý chúng.
1. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật dân sự 2015
2. Nội dung
Theo quy định tại điều 122 của bộ luật dân sự 2015 thì giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại điều 117 của bộ luật. Ở khoản 2 của điều 117 có quy định về việc hợp đồng phải đáp ứng điều kiện về mặt hình thức của điều 119 như sau:
Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
- Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Khi tuyên một hợp đồng vô hiệu thì cũng được phân thành hợp đồng vô hiệu toàn phần và vô hiệu từng phần. Về việc vô hiệu toàn phần thì chúng ta đã có thể xác định là toàn phần của hợp đồng đó không có hiệu lực, còn về thế nào là hợp đồng vô hiệu từng phần thì đã có quy định tại điều 130 của bộ luật dân sự như sau:
Điều 130. Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần
Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.
Ví dụ: A ký hợp đồng vay 100 triệu của B, thời hạn vay là 3 năm. Trả mỗi tháng một lần, kèm theo lãi suất là 10% một tháng. Thì nếu A kiện ra tòa, Tòa sẽ tuyên hợp đồng vay của A và B sẽ bị vô hiệu ở phần lãi suất do theo quy định tại điều 468 về lãi suất của bộ luật dân sự thì không được vượt quá 20%/một năm tức, khoảng chưa tới 2% mỗi tháng.
Như vậy, một hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu do vi phạm về nội dung và hình thức theo luật định hoặc bị tuyên vô hiệu toàn phần hay từng phần.
Trên đây là bài viết về những quy định chung về hợp đồng vô hiệu giúp cho khách hàng có thể hiểu rõ một cách tổng quát về các việc thế nào là một hợp đồng vô hiệu. Những bài viết sau sẽ cung cấp cho quý khách những phân tích chi tiết liên quan đến chủ đề này. Cảm ơn quý khách đã tham khảo, Luật Minh Mẫn luôn sẵn sàng tư vấn và thực hiện tư vấn, soạn thảo, dịch và tham gia ký kết hợp đồng cho khách hàng.
Bài viết tiếp theo về các trường hợp mà hợp đồng bị tuyên vô hiệu theo bộ luật dân sự 2015: